Nam sinh trường THPT Chuyên Tiền Giang là thí sinh có điểm số cao nhất (260 điểm) trước khi bước vào trận chung kết. Trọng Nhân ra Hà Nội tham dự cuộc thi cùng cô Phó bí thư đoàn trường THPT Chuyên Tiền Giang. Trong kỳ thi đại học vừa rồi, Nhân thi đỗ ngành Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên với số điểm 24,5 điểm, khối A1.
Năm lớp 11 Trọng Nhân cùng đội 6 người của trường tham gia chương trình Khi tôi 18 của VTV6. Ngày 3/8, Trọng Nhân đã trở thành nhà vô địch lần thứ 14 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
- Chào Trọng Nhân, cảm giác của em khi đăng quang là gì?
- Em không biết nói gì trong lúc này. Cảm giác của em rất vui và hạnh phúc. Em xin chân thành cảm ơn thầy cô, gia đình, bạn bè đã luôn sát cánh cùng em trong suốt cuộc thi.
- Nhìn lại chặng đường của cuộc thi, em nhận xét như thế nào về bản thân mình?
- Trong 3 cuộc thi tuần, tháng, quý chàng trai này không mạnh ở phần thi Vượt chướng ngại vật. Trước lúc tham dự vòng chung kết, em có đọc thêm tài liệu trên mạng để củng cố kiến thức cho bản thân.
Nguyễn Trọng Nhân trong giây phút đăng quang. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Trước trận chung kết, em đã chuẩn bị kiến thức như thế nào?
- Em tự biên soạn tài liệu 4000 câu hỏi tập hợp kiến thức trong SGK và trên mạng để ôn trước giờ chung kết.
- Trong cuộc thi chung kết này, có phần thi nào khiến em lúng túng?
- Em hơi lo lắng trong phần thi Tăng tốc vì bạn Hoàng Bách chơi rất hay. May mắn phần thi Về đích em chơi khá tốt.
- Em nhận định như thế nào về đối thủ của mình?
- Các bạn đều đến từ trường THPT Năng khiếu, thông minh và học khá tốt.
- Trước khi bước vào trận chung kết, điều gì đã mang lại cho em sự tự tin nhất?
- Đó là kết quả kỳ thi đại học trong năm vừa rồi, được 24,5 điểm ngành Công nghệ Thông tin, trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Kết quả này đã khiến em có động lực để hoàn thành tốt nhất kỳ thi.
- Trong gia đình Olympia, ai là người em yêu mến nhất?
- Đó là anh Thân Ngọc Tĩnh, quê ở Bắc Giang.
- Sau khi trở thành quán quân Đường lên đỉnh Olympia, dự định của em là gì?
- Em sẽ cố gắng học tiếng Anh để chuẩn bị tốt nhất cho việc du học tại Úc. Còn việc có học trường ĐH Khoa học tự nhiên năm đầu tiên hay không thì em cũng chưa quyết định được.
Sau khi đăng quang, chàng trai điềm tĩnh Trọng Nhân không khỏi xúc động. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Ngoài giờ học trên lớp, em sắp xếp thời gian học tập như thế nào?
- Mỗi ngày em học 2-3 giờ đồng hồ. Theo em để học tốt cần có kiến thức nền vững chắc nên chương trình sách giáo khoa rất quan trọng.
- Sở thích của em trong mỗi lúc rảnh rỗi là gì?
- Em nghĩ mình hợp phong thủy hợp nước nên rất thích nuôi cá và thích đá bóng dưới mưa. Em thường giữ vị trí thủ môn. Em nghĩ với sự điềm tĩnh của mình chơi ở vị trí này sẽ tốt. Trước kỳ thi đại học và trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia em vẫn xem hơn 50 trận đấu Word Cup.
Trước khi lên máy bay ra Hà Nội em có bị thương, trầy xước ở cánh tay vì bóng đá. Nhưng do đã nhiều lần bị thương nên em cũng quen, không ảnh hưởng gì đến tâm lý và sức khỏe.
Cô Trương Thị Hồng Nhung – Phó bí thư đoàn trường và cũng là giáo viên dạy Vật lý năm lớp 11 của Trọng Nhân cũng là người đưa em từ Tiền Giang đi thi chia sẻ: “Trọng nhân là con một trong gia đình có bố mẹ đều lái xe chở khách. Tôi rất vinh dự vì được nhà trường tin tưởng giao cho nhiệm vụ đưa Trọng Nhân đi thi, bởi mọi người nghĩ tôi sẽ may mắn mang lại cho em.
Trọng Nhân là chàng trai điềm tĩnh, trầm tính, ít biểu lộ cảm xúc trên gương mặt. Mọi người có thể thấy trong các phần thi, dù ở tình huống rất căng thẳng nhưng Trọng Nhân vẫn rất điềm đạm. Có lẽ điều này góp nên phần chiến thắng cho em.
Em cũng là người rất ham học hỏi, trong mọi trường hợp em luôn ghi chép những gì hay, điều lạ, mình thu nhặt được vào cuốn sổ. Sự chăm chỉ tích lũy này mang lại cho Trọng Nhân kiến thức nền khá vững.