Nhiều thanh niên Trung Quốc quyết định "nằm yên", không muốn cố gắng ở hiện tại. |
Khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc tăng vọt, tỉnh giàu nhất nước này đã đưa ra một giải pháp gây tranh cãi: gửi 300.000 thanh niên về nông thôn trong 2-3 năm để tìm việc làm.
Chính quyền Quảng Đông, khu vực sản xuất hưng thịnh tiếp giáp với Hong Kong, cho biết họ sẽ giúp sinh viên tốt nghiệp đại học và nhà khởi nghiệp trẻ được tuyển dụng ở các làng quê.
Ngoài ra, những người xuất thân từ các thôn xã cũng được khuyến khích về quê lập nghiệp.
Thông báo này được đưa ra sau lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12/2022 nhằm thúc đẩy thanh niên sống tại các đô thị kiếm việc ở khu vực vùng sâu vùng xa để “hồi sinh nền kinh tế nông thôn”, theo CNN.
Người trẻ khó kiếm việc
Kế hoạch của Quảng Đông, được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, nhằm góp phần giải quyết tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố trong độ tuổi 16-24 tăng lên 19,6%, mức cao thứ hai được ghi nhận.
Điều đó có nghĩa là khoảng 11 triệu người trẻ đang không có việc làm, theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu có sẵn gần đây nhất từ Cục Thống kê Quốc gia.
Con số này có thể tăng hơn nữa khi 11,6 triệu sinh viên đại học sẽ ra trường trong năm nay và gia nhập thị trường lao động vốn đã đông đúc.
“Phân tán người trẻ đến các làng nhỏ hơn ở nông thôn có thể giảm bớt chênh lệch thu nhập giữa thành phố cấp 1, cấp 2 của Trung Quốc và các khu vực nghèo hơn”, Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich, nhận xét.
Tình trạng này được cho là kết quả của cuộc suy thoái kinh tế. Chính sách Covid-19 hà khắc trước đây của chính phủ đã cản trở chi tiêu của người tiêu dùng và ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp nhỏ trong 3 năm qua.
Vấn đề thiếu việc làm ở quốc gia được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” ngày càng tệ hơn. Ảnh: ChinaFile. |
Bên cạnh đó, cuộc đàn áp đối với các công ty Internet, bất động sản và giáo dục cũng tác động nặng nề đến khu vực tư nhân, nơi cung cấp hơn 80% việc làm ở đất nước tỷ dân.
Thanh niên xứ Trung là nhóm dân số có trình độ học vấn cao trong nhiều thập kỷ, với số lượng sinh viên tốt nghiệp từ trường cao đẳng và dạy nghề nằm ở mức kỷ lục.
Nhưng họ cũng phải đối mặt với sự chênh lệch ngày càng tăng giữa kỳ vọng và cơ hội khi nền kinh tế chậm lại đáng kể.
Chán nản vì tương lai vô định và thiếu sự linh hoạt trong xã hội, những người trẻ tuổi trở nên mất hy vọng vào tấm bằng cử nhân có thể mang lại thu nhập tốt như trước.
Không ít người cho biết họ đang mắc kẹt giữa những lựa chọn khó khăn: theo đuổi sự nghiệp văn phòng và có nguy cơ mất việc hoặc “cởi bỏ tấm áo học giả” để làm công nhân, điều mà họ cố gắng tránh né thông qua con đường học tập.
Nằm yên
“Sinh viên kiệt sức vì các đợt phong tỏa do đại dịch và bắt đầu nhận ra bằng cấp có thể không cải thiện vị trí xã hội của họ, cũng như mang lại một số lợi ích được đảm bảo nào khác”, Craig Singleton, học giả tại Tổ chức Quốc phòng dân chủ, nhận định.
Meme Kong Yiji là xu hướng mới nhất trên mạng xã hội mô tả những thanh niên vỡ mộng đang từ chối nền văn hóa hối hả để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các từ thông dụng khác cũng phổ biến, bao gồm “nằm yên” (lying flat) và “để nó thối rữa” (letting it rot).
Các nhà chức trách, lo lắng về sự bất mãn thể hiện qua meme, đã cấm hiển thị những nội dung về Kong Yiji.
Truyền thông Trung Quốc dường như đang đổ lỗi cho thanh niên về việc thất nghiệp. Kể từ khi meme Kong Yiji lan truyền, họ đã xuất bản một loạt bài báo chỉ trích thế hệ trẻ “quá kén chọn” công việc và kêu gọi gạt bỏ niềm tự tôn để làm lao động chân tay.
Nhiều người trẻ gửi gắm hy vọng vào thần linh để mong có việc làm. Ảnh: Reuters. |
Trong một bài báo được đăng trên tài khoản WeChat, Đoàn Thanh niên đã kêu gọi những sinh viên mới ra trường “cởi bỏ áo choàng cử nhân, xắn quần lên và xuống đồng”.
Thế nhưng, những bài viết như này không xoa dịu tình hình mà còn thổi bùng sự tức giận từ dân mạng và nhóm chỉ trích chính phủ vì không tạo đủ việc làm.
“Sinh viên vào đại học để tránh làm việc trong các vị trí cổ cồn xanh”, John Donaldson, phó giáo sư tại ĐH Quản lý Singapore, nói.
Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng chính sách “hồi sinh nông thôn” có thể giải quyết tình trạng thất nghiệp và hạn chế bất ổn xã hội.
Trong thị trường lao động khó khăn như hiện tại, một số thanh niên đang chọn mở gian hàng ở chợ đêm để tránh văn hóa làm việc “996” (làm việc từ 9-21h, 6 ngày/tuần) và giải quyết vấn đề thu nhập của họ.
Tuy nhiên, nhiều người khác phải dựa vào sự hỗ trợ của gia đình để kiếm sống qua ngày vì không có khoản trợ cấp nào cho nhóm này.
Ngoài vấn đề thất nghiệp, áp lực nặng nề khi phải kiếm công việc được trả lương cao và guồng quay hối hả cũng đẩy phần lớn người trẻ đến lối sống "nằm yên" (lying flat) - từ bỏ cuộc đua vô tận và chỉ làm việc tối thiểu trước khủng hoảng giá cả.
Trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, không ít nhà sáng tạo nội dung chia sẻ về cách xây dựng cuộc sống một mình, không mua bất động sản, không kết hôn để tiết kiệm tiền.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.