Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc: Tranh cãi ưu tiên thí sinh nghèo tuyển sinh ĐH

Nhiều phụ phụ huynh bức xúc và lo lắng về kỳ thi tuyển sinh đại học của con em sau khi chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách mới có lợi cho thí sinh đến từ khu vực nghèo.

Kỳ thi gaokao (tuyển sinh đại học) ở Trung Quốc năm nay vô cùng căng thẳng và có nhiều tranh cãi xoay quanh việc chính phủ ban hành chính sách mới về tuyển sinh. Theo đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc áp đặt chỉ tiêu tuyển sinh đối với những thí sinh ngoài tỉnh dự thi vào trường công lập tại các tỉnh miền đông như Giang Tô, Hồ Bắc.

Theo South China Morning Post, giới chức khẳng định, chỉ tiêu này giúp hệ thống giáo dục đại học công bằng hơn và có lợi cho các sinh viên đến từ khu vực kém phát triển.

Trong quá khứ, hệ thống tuyển sinh đại học của Trung Quốc đối mặt nhiều sự chỉ trích bởi phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi gaokao và hộ khẩu thường trú của thí sinh.

tuyen sinh dai hoc o Trung Quoc anh 1

Các thí sinh đối mặt áp lực học hành và chính sách mới của chính phủ về vấn đề tuyển sinh trong kỳ thi đại học năm nay ở Trung Quốc.

Hầu hết đại học ưu tiên tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú ngay tại địa phương. Điều này gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc. Tại các trường đại học tốt nhất ở Bắc Kinh và Thượng Hải, sinh viên có hộ khẩu ngay tại các thành phố này chiếm đa số. 

Chính sách tuyển sinh mới trở thành chủ đề bàn tán nhiều nhất trên Weibo những ngày gần đây. Nhiều bậc cha mẹ tại Giang Tô và Hồ Bắc cho rằng, sự thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh không công bằng với con cái họ. Các phụ huynh lập luận, họ phải tuân thủ chính sách một con, trong khi người dân tộc thiểu số ở các vùng như Ninh Hạ có thể sinh nhiều con hơn. Đã vậy, theo chính sách mới hiện nay, những đứa trẻ đó còn được ưu tiên.

Các phụ huynh ở Giang Tô nhận định, chỉ tiêu tuyển sinh mới khiến cơ hội được nhận vào những trường đại học hàng đầu ở địa phương của con cái họ thấp hơn 10%. Trong khi đó, những thí sinh ở Bắc Kinh chỉ có 25% cơ hội.

Zhang Wei, một người dân sống ở Vô Tích, Giang Tô, cho biết, bất chấp sự đảm bảo của Bộ, ông vẫn lo lắng việc thi tuyển sinh đại học của con trai vào tháng 6 tới có thể bị ảnh hưởng.

Đáp lại, quan chức giáo dục ở Giang Tô cam đoan rằng, do số lượng thí sinh giảm từng năm, tỷ lệ thí sinh của địa phương được nhận sẽ tăng. Vì vậy, phụ huynh không cần lo lắng. Tỷ lệ nhập học đối với thí sinh ở Giang Tô là 88,8% vào năm ngoái, tỉnh Hồ Bắc là 87%.

Các nhà phân tích nhận định, dù đây là các bước nhằm thúc đẩy tính minh bạch trong tuyển sinh, giới chức đã thất bại trong việc giải quyết được gốc rễ của vấn đề và gây ra sự tranh luận.

"Rõ ràng, chính quyền đã không thận trọng và thất bại trong việc thu hút sự quan tâm của dư luận trước khi công bố một thay đổi như vậy", Xiong Bingqi, Phó giám đốc của Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết.

Đại học cho sinh viên làm việc thay đóng học phí

Sinh viên Đại học Ozarks, Mỹ làm việc trong trường thay vì đóng học phí. Phương pháp này giúp các bạn trẻ yêu lao động và không phải gánh khoản nợ lớn khi tốt nghiệp.


Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm