Nhân sự trúng số bị bắt chia sẻ với người khác. Ảnh minh hoạ: Mikhail Nilov/Pexels. |
Một nhân viên Trung Quốc từng trúng 820.000 USD (hơn 6 triệu NDT) trong một chương trình xổ số tại buổi liên hoan công ty. Sau đó, nhân sự này bị doanh nghiệp yêu cầu trả lại giải thưởng để chia cho tất cả người tham gia.
Câu chuyện trên xảy ra từ tháng 3/2019, nhưng bất ngờ xuất hiện trở lại và gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc vào thời điểm này, khi Tết Nguyên đán cận kề, kéo theo hàng loạt bữa tiệc tất niên của các doanh nghiệp.
Một số người dùng mạng xã hội suy đoán rằng tin tức này góp phần thúc đẩy hoạt động bán vé số, theo SCMP.
Tấm vé số tạo ra cuộc tranh chấp lớn giữa nhân viên trúng giải và doanh nghiệp, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Ảnh: Douyin. |
Nhân viên trúng số độc đắc
Vào ngày 2/3/2019, một công ty giấu tên ở Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) đã tổ chức tiệc thường niên cho cán bộ, nhân viên. Để hưởng ứng không khí lễ hội, doanh nghiệp mua hơn 500 tấm vé số và tặng cho toàn bộ nhân sự.
Một trong những tấm vé đó trúng giải nhất trị giá 6 triệu NDT, đẩy cao sự phấn khích của toàn bộ người tham gia.
“Hãy gia nhập công ty chúng tôi. Trúng số 6 triệu NDT chỉ là điều bình thường. Nhắn tin cho tôi để biết thông tin tuyển dụng”, một nhân viên của công ty nói đùa trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, câu chuyện dần mất vui khi doanh nghiệp phát hiện ra người trúng giải và yêu cầu trả lại tấm vé số. Lý do được đưa ra là giải độc đắc nên được chia sẻ với tất cả những người tham gia bữa tiệc.
Khi nhân viên này từ chối, tranh chấp lập tức leo thang. Họ thậm chí đã đưa nhau đến đồn cảnh sát địa phương.
Cảnh sát Ninh Ba xác nhận rằng họ đã giải quyết vấn đề: “Đây là một tranh chấp dân sự. Chúng tôi khuyên 2 bên giải quyết thông qua các kênh pháp lý”.
Doanh nghiệp Trung Quốc nhận về sự chỉ trích lớn vì hành động không đẹp, mang tính ép buộc nhân sự. Ảnh minh hoạ: Shuaizhi Tian/Pexels. |
Làn sóng chỉ trích
Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều tình tiết được người trong cuộc tiết lộ. Cụ thể, công ty được cho là đã làm mọi cách để đảm bảo mọi tấm vé số đều không có khả năng trúng thưởng.
Tuy nhiên, một sự tắc trách làm chiếc vé trúng giải giá trị lớn lọt ra. Hồi kết của vụ việc không được công bố một cách công khai.
Tang Caizong, một luật sư từ Cục Tư pháp Ninh Ba, cho biết sau khi công ty tặng vé số cho nhân viên, nhân sự được quyền tự do sử dụng, hưởng tất cả quyền lợi đến từ món quà đó.
“Do đó, yêu cầu trả lại vé số và chia giải thưởng cho tất cả những người tham dự bữa tiệc từ phía công ty là không có cơ sở pháp lý”, Tang nói với Ningbo Daily Group.
Sự việc này tạo ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội. Phần lớn chỉ trích hành động vô lý, mang tính bắt ép nhân viên của doanh nghiệp trên.
“Một khi đã tặng quà, không ai nghĩ đến chuyện lấy lại. Đó là lẽ thường tình. Tôi tưởng ai cũng hiểu”, một người dùng mạng xã hội bình luận.
“Ông chủ của doanh nghiệp đó giả vờ hào phóng bằng cách phát vé số cho nhân sự. Tuy nhiên, khi có người thực sự trúng thưởng, ông ta lại nổi lòng tham, muốn kiếm một khoản từ số tiền lớn đó. Thật trơ tráo!”, người khác nói.
“Đây là hành vi phi đạo đức của công ty. Họ đối xử với người lao động theo cách này ư? Tôi tin rằng doanh nghiệp này sẽ sớm phá sản”, một ý kiến được để lại trên phương tiện truyền thông xã hội.
Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng
‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyến dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?