Bộ Công an và công an các tỉnh, thành gần đây đã triệt phá thành công nhiều chuyên án tội phạm sử dụng công nghệ cao xuyên quốc gia. Trong số này, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện đường dây đánh bạc trên mạng có quy mô lớn, hàng nghìn người trong và ngoài nước tham gia.
Liên quan vụ án trên, nhà chức trách đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hoá (nguyên thiếu tướng, Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50) về tội Tổ chức đánh bạc.
Trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học (nguyên Phó đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội) chia sẻ với Zing.vn về những thủ đoạn và những khó khăn của lực lượng công an khi đấu tranh với loại tội phạm này.
Trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu. |
- Là người từng đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao (TPSDCNC), ông có chia sẻ gì về cách thức của loại tội phạm này hiện nay, chúng thường tập trung gây án ở lĩnh vực gì?
- Hiện nay, Interpol đã liệt tội phạm sử dụng công nghệ cao vào nhóm có nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất đối với nhân loại, ngang hàng với tấn công khủng bố, vũ khí hóa học và thảm họa hạt nhân.
Ở Việt Nam, TPSDCNC tác động tiêu cực trên nhiều mặt, ảnh hưởng toàn diện đến các giải pháp của Chính phủ về điều tiết, quản lý hệ thống tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, gây ra những bất ổn về an ninh trật tự.
Thứ nhất, loại hình tội phạm này sử dụng công nghệ cao để xâm hại an ninh, an toàn máy tính, mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet. Thực tế, hệ thống mạng máy tính trong nước luôn trong tình trạng báo động với rất nhiều vụ tấn công. Đặc biệt, hành vi tống tiền qua Internet, mạng viễn thông bằng việc sử dụng virus mã hóa dữ liệu thiết bị của người dùng cho đến khi người dùng trả phí theo đề nghị của bọn tội phạm thì mới được giải mã.
Thứ hai, TPSDCNC sử dụng công nghệ để trộm cắp, trao đổi, mua bán, sử dụng trái phép hay làm giả thẻ tín dụng để mua hàng ở trong và ngoài nước. Đã hình thành những đường dây hoạt động trong lẫn ngoài nước và có sự phân công thực hiện từng giai đoạn trong quá trình phạm tội.
Ngoài ra, TPSDCNC thể hiện qua hình thức lừa đảo trong thương mại điện tử dưới hình thức huy động tài chính, kinh doanh đa cấp; kinh doanh vàng tài khoản trái phép; kinh doanh và sử dụng tiền ảo; đánh cắp thông tin cá nhân bằng phần mềm gián điệp; sử dụng phần mềm giả mạo số điện thoại, mạo danh các cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tiền; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức làm quen, giả yêu đương trên mạng.
Đánh bạc trực tuyến và cá độ bóng đá qua Internet đã trở nên phổ biến, lan rộng trên cả nước với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Số lượng người chơi lên đến hàng trăm nghìn người, lượng tiền đánh bạc lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Các website chuyên tổ chức đánh bạc, cá độ xuyên quốc gia thường đặt máy chủ tại nước ngoài và cấu kết với người Việt Nam hình thành các đường dây phạm pháp.
Qua Internet, chưa bao giờ việc đánh bạc, cá độ bóng đá lại dễ dàng, thuận lợi như hiện nay. Các con bạc có thể đánh bạc, cá độ vào mọi thời điểm, nhiều lần trong ngày và số tiền đánh bạc không giới hạn.
- Đã trải qua vị trí Phó đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở một thành phố lớn, trung tá có thể chia sẻ những khó khăn khi thâm nhập, điều tra, triệt xóa các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao?
- TPSDCNC thường có tổ chức xuyên quốc gia và "hội nhập" rất nhanh. Một hành vi phạm tội ở nước ngoài, có thể ngay lập tức xảy ra tại Việt Nam. Do đó, người bị hại trong các vụ án này thường rất nhiều, phân tán ở nhiều quốc gia nên khó tiếp cận hoặc xác định hậu quả, thiệt hại so với các hành vi phạm tội khác.
Với cảnh sát công nghệ cao, việc điều tra, xử lý TPSDCNC khó khăn, phức tạp. Nhiều vụ án mang tính chất xuyên quốc gia. Lực lượng chuyên trách phòng, chống TPSDCNC còn mỏng.
Mặt khác, do chưa có chế độ chính sách đãi ngộ nên thiếu chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, viễn thông. Phương tiện, máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức, cá nhân liên quan chưa tốt.
Tính “ẩn danh” và phương thức hoạt động “phi truyền thống” khiến tội phạm mạng máy tính khó bị phát hiện. Đây là một trong những yếu tố kích thích người phạm tội bởi niềm tin không thể hoặc rất khó lộ diện.
Trong nhiều vụ án, tội phạm không cần giao tiếp trực tiếp với bị hại. Thậm chí nhiều trường hợp, bị hại không xác định được máy tính, hệ thống thông tin của mình đã bị tấn công, thâm nhập, sao chép dữ liệu.
Khác với các dấu vết truyền thống của vụ án hình sự, chứng cứ trong các vụ án công nghệ cao thường tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử, ẩn trong các thiết bị lưu trữ và rất dễ bị xóa hay mã hóa.
Với chủ ý phạm tội, tội phạm không khó để thay đổi hiện trạng của chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Nếu có phục hồi thì cũng cần có những phương tiện chuyên dụng kỹ thuật cao và tốn nhiều thời gian với những kỹ sư, chuyên gia giỏi.
Cảnh sát công nghệ cao khám nghiệm tang vật vụ án. Ảnh: H.L. |
- Quá trình đấu tranh với các băng nhóm, đường dây tội phạm mạng xuyên quốc gia, lính công nghệ cao phản ứng ra sao trước những cám dỗ?
- Từng là lính công nghệ cao và tham gia nhiều chuyên án đấu tranh với TPSDCNC, với tôi có những chuyên án để lại nhiều dấu ấn như chuyên án bắt giữ nhóm tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam, làm giả và sử dụng thẻ tín dụng giả mua hàng hoá; chuyên án điều tra Công ty lừa đảo đa cấp MB24.
Quá trình làm án, cũng có những đối tượng phạm tội ngỏ ý đưa hối lộ để bỏ qua sai phạm, hoặc làm sai lệch bản chất vụ án để không bị xử lý hình sự. Nhưng bản thân những người lính đã giữ vững phẩm chất, nói không với mọi đề nghị của tội phạm, kiên quyết xử lý hành vi trái pháp luật.
Ngày 11/3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa (sinh năm 1958), nguyên Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 - Bộ Công an) về tội Tổ chức đánh bạc.
Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ còn có Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1975) là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC); Phan Sào Nam (sinh năm 1979), người từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc tại Công ty Cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) ...
Đến nay, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố khoảng 80 bị can, bắt giữ 38 người về các hành vi Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Rửa tiền, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ban Bí thư cho rằng, đây là vụ án có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan đến cán bộ của lực lượng công an, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.