Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung tâm luyện thi đại học chuyển sang... luyện chữ đẹp

Nếu như mọi năm, thời gian tháng 5, tháng 6 là “mùa” luyện thi cấp tốc thì năm nay các trung tâm luyện thi tại TP HCM ế ẩm.

Vắng tanh, tìm người chuyển nhượng… là những từ miêu tả chính xác tình cảnh của các lò luyện thi hiện nay. Nếu như mọi năm, thời gian tháng 5, 6 là “mùa” của luyện thi cấp tốc thì năm nay các trung tâm luyện thi tại TP HCM ế ẩm, không “bói” ra người học.

Từ vắng tanh đến đóng cửa

Nhiều năm trước, vào những ngày đầu hè, trung tâm luyện thi đại học 60 An Sương (quận 12) luôn có hơn 1.000 học viên luyện thi cấp tốc và thường phải từ chối nhận thêm học viên đăng ký trễ vì hết chỗ, quá tải. Nhưng năm nay, tính luôn cả học viên luyện thi dài hạn cả năm và khóa ngắn hạn ba tháng, chỉ vỏn vẹn 300-400 em.

Trung tâm luyện thi đại học Vĩnh Viễn lừng lẫy một thời ở TP HCM hiện chỉ khoảng 400 học viên đang ôn tập. Đó là kết quả của những đợt chiêu sinh các khóa tháng 10/2015 và tháng 3/2016. Còn hiện nay chưa có thêm học viên đăng ký luyện thi cấp tốc.

Tương tự, Trung tâm luyện thi đại học thuộc ĐH Sư phạm TP HCM (quận 5) chỉ kiếm được 1/4 học viên luyện thi so với năm 2015. Cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thành Đô (quận 3) cũng chỉ tuyển được khoảng một lớp học viên luyện thi, đành phải chuyển trọng tâm vào hoạt động tổ chức dạy bồi dưỡng văn hóa cho học sinh THCS-THPT, ôn thi vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa, vào lớp 10 công lập để duy trì hoạt động.

Trung tam luyen thi dai hoc anh 1

Luyện thi tại trường dự bị ĐH TP HCM

. Ảnh: Phụ Nữ TP HCM.

Cách đây ba - bốn năm là thời điểm cực thịnh của phong trào luyện thi vào đại học, các tuyến đường Chu Văn An, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh); đường Nguyễn Cửu Đàm (quận Tân Phú); khu Tên lửa (quận Bình Tân); đường Cây Trâm, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp)… trở thành đại bản doanh của các trung tâm luyện thi.

Những cung đường này bùng nổ hàng loạt trung tâm luyện thi “chui” không giấy phép hoạt động như: trung tâm luyện thi Thầy Đồ, trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi đại học Trường Đạt (Gò Vấp); trung tâm gia sư - luyện thi đại học Nhân Tài và trung tâm bồi dưỡng văn hóa - luyện thi đại học chất lượng cao Tân Phú (quận Tân Phú)...

Thời điểm đó, dù không giấy phép nhưng các trung tâm vẫn quảng cáo rầm rộ và chiêu sinh “ngon lành”, mùa luyện thi cấp tốc thu hút vài trăm học sinh từ các tỉnh đến chen chúc nhau ngồi học.

Nhưng năm nay, tất cả đều im lìm. Trở lại những điểm nóng, nay trung tâm luyện thi Thầy Đồ đã không còn treo bảng hiệu quảng cáo khắp con hẻm ở khu vực phường 9 nữa mà thay vào đó là không gian vắng tanh, không thấy bóng dáng học sinh lui tới. Các trung tâm luyện thi cấp tốc khác cũng trống không vì thiếu học viên nên đành đóng cửa.

Minh chứng cho tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM thông tin: "Hơn 10 trung tâm luyện thi không có lấy một hồ sơ dự thi nào, chứng tỏ họ không có học viên. Gần cả trăm trung tâm luyện thi nộp hồ sơ về cho chúng tôi năm nay thì cũng chỉ có khoảng 9.000 em đăng ký, giảm hơn một nửa so với năm 2015 và giảm sâu so với thời “hoàng kim” của luyện thi.

Trường Dự bị đại học vốn là một trong những “lò” luyện thi đầu tiên và uy tín của TP.HCM cũng chỉ còn lại vài lớp luyện thi trung hạn và dài hạn, khan hiếm học viên luyện thi cấp tốc...".

Tình cảnh "chợ chiều"

Cảnh chợ chiều vắng người học buộc nhiều trung tâm luyện thi phải chuyển hướng hoạt động sang dạy thêm cho học sinh phổ thông, rèn chữ đẹp… Bi đát hơn thì phải bán trung tâm cho nhà đầu tư khác hoặc đóng cửa.

Chủ của trung tâm luyện thi T. đóng tại quận 3 vừa phải quyết định bán đi 50% cổ phần của trung tâm luyện thi này cho một đơn vị đầu tư khác. Chủ của trung tâm cho biết, ông khoán phần lớn công việc cho đối tác vì thiếu thời gian và tiền bạc để duy trì hoạt động.

“Tiền thuê mặt bằng và chi phí vận hành một trung tâm không phải nhỏ, nhưng hai năm nay rất khó chiêu sinh, trung tâm sống nhờ vào hoạt động luyện thi cho học sinh vào lớp 6, lớp 10. Chúng tôi phải chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực phổ thông, cần rút lại một phần vốn đã đổ vào đây nên phải bán một nửa cổ phần cho đối tác”.

Lớp luyện thi đại học đặc biệt của họa sĩ lang thang

Sau nhiều năm lang thang với nghề họa sĩ, ông Trần Phóng đã mở một lớp luyện vẽ sau cánh đồng làng để dạy những học sinh miền quê muốn thi vào ngành mỹ thuật.


http://phunuonline.com.vn/thoi-su/xa-hoi/trung-tam-luyen-thi-dai-hoc-chuyen-sang-luyen-chu-dep-75491/

Theo Phụ Nữ TP HCM​

Bạn có thể quan tâm