Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Trước khi tiêu tiền, xem mình ở đâu trong tháp tài sản

Sức khỏe, kiến thức là đáy của tháp tài sản, trong khi các hình thức đầu tư may rủi thuộc tầng trên cùng. Nhiều người tập trung cho phần chóp mà quên việc xây dựng nền móng.

tai chinh ca nhan anh 1
tai chinh ca nhan anh 2tai chinh ca nhan anh 3
  • Hội viên CMA Australia - Chương trình quốc tế trong lĩnh vực Quản trị tài chính và Quản chiến lược dành cho các nhà quản lý cấp cao tại Australia.
  • Thành viên Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA).

Nhắc đến quản lý tài chính cá nhân, nhiều người trẻ cảm thấy mơ hồ, không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào. Trong trường hợp như vậy, tôi luôn khuyên họ hãy khởi động từ việc xây dựng tháp tài sản cá nhân.

Mô hình này giúp bạn biết được mình đang có những loại tài sản gì, nên kiểm soát ra sao. Chưa hết, nó cũng sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi "Tôi có nên mua căn nhà này không?", "Tôi có nên bán chiếc xe này không?"... một cách thực tế nhất.

Hiểu gì về tháp tài sản?

Đây là mô hình phân bổ tài sản theo hình kim tự tháp, gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau. Tầng đáy luôn lớn và vững chắc nhất, tạo nền tảng cho các tầng ở trên phát triển. Càng lên cao, mức độ an toàn tài chính sẽ càng giảm xuống.

Để bạn dễ hình dung, tháp tài sản được cấu tạo bởi 5 lớp tài sản cơ bản như sau:

Tầng Tỷ trọng trong tổng tài sản Tài sản cấu thành
Tầng cao nhất - Tài sản rủi ro 10% Ở tầng chóp, tài sản mang tính chất "xổ số". Theo góc nhìn của tôi, bạn chỉ nên xây lớp tài sản này khi các tầng dưới đã có nền móng chắc chắn, vững chãi. Đây là loại tài sản có nhiều rủi ro như tiền điện tử, chứng khoán phái sinh, cổ phiếu lên xuống thất thường...
Tầng thứ 2 - Tài sản tăng trưởng 20% Nhóm tài sản này mang tính tăng trưởng, giúp bạn gia tăng tài sản theo đúng kế hoạch và mục tiêu đầu tư tài chính. Các loại cổ phiếu ổn định, bền vững, bất động sản, đất nền... được liệt kê vào nhóm này.
Tầng thứ 3 - Tài sản thu nhập 30% Đây là nhóm tài sản mang tính ổn định, tạo ra dòng tiền cố định hàng tháng, hàng năm để giúp bạn duy trì chi phí trong quá trình xây dựng, tích lũy tài sản. Các loại tài sản nằm trong nhóm này có thể là lương, thưởng, tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu...
Tầng thứ 4 - Tài sản bảo vệ 40% Đúng như tên gọi đây là tài sản phòng vệ, bảo vệ bạn khỏi rủi ro. Đó có thể là bất động sản, vàng, xe, bảo hiểm…
Tầng dưới cùng - Tài sản vô hình
Đây là nhóm tài sản phi vật chất như sức khỏe, mối quan hệ, kiến thức, học vấn... Những yếu tố quan trọng này có thể góp phần tạo ra những lớp tài sản khác.

Xây tháp tài sản, chú ý điều gì?

Dựa trên kinh nghiệm cá nhân khi xây dựng tháp tài sản cho chính mình, tôi có một vài nguyên tắc muốn chia sẻ với các bạn như sau:

Đầu tiên, xây từ dưới lên trên, nền móng phải vững vàng.

Việc quan trọng nhất khi xây dựng tháp chính là chú ý đến thứ tự. Đáy tháp phải là phần rộng nhất, càng rộng càng tốt và bạn phải xây dựng theo thứ tự từ dưới lên trên. Bạn nên nhớ rõ: càng lên cao rủi ro sẽ càng tăng.

Phần đáy (tài sản vô hình + tài sản bảo vệ) đóng vai trò làm nền tảng cho toàn bộ tháp tài chính của bạn. Để xây dựng phần đáy rộng và vững chãi, bạn cần có một khoản tiết kiệm, bảo hiểm để đảm bảo cuộc sống nếu có rủi ro xảy ra như tai nạn, thất nghiệp, sức khỏe suy giảm...

Khi phần đáy đã kiên cố, bạn bắt đầu đầu tư nhiều tài sản hơn vào các lớp khác như tầng thu nhập và tầng tăng trưởng.

Thứ hai, cần sự linh hoạt.

Nếu như đã tìm hiểu về tháp tài sản, chắc chắn bạn từng nghe rất nhiều lời khuyên về việc phân bổ những loại tài sản nhất định vào những tầng cố định. Tuy nhiên, đối với tôi, điều này là không cần thiết. Nếu đã xây dựng tháp tài chính đủ lâu, bạn sẽ hiểu một điều là chúng ta có thể linh động đưa các loại tài sản vào các tầng khác nhau.

Ví dụ, nếu bạn là người am hiểu cổ phiếu, có tìm hiểu về các doanh nghiệp, quan tâm đến kinh tế, xã hội, thị trường... trong một thời gian nhất định, bạn có thể lựa chọn những mã cổ phiếu an toàn, ít biến động, thanh khoản cao, tăng trưởng đều để đưa vào lớp phòng vệ thay vì để nó nằm ở lớp tăng trưởng.

Tuy nhiên, sự linh hoạt này phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn, sự am hiểu của bạn vào loại tài sản đó.

tai chinh ca nhan anh 4

Nguyên tắc xây dựng tháp tài sản phải từ dưới lên trên, đáy càng rộng càng tốt. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Thứ ba, thay đổi góc nhìn khi đặt mục tiêu xây dựng tháp tài sản.

Theo tôi quan sát, mọi người thường xây dựng tháp tài sản dựa trên một con số mục tiêu. Song, nếu bạn thay đổi góc nhìn, chuyển hướng xây dựng tháp tài sản để phòng thủ, giải quyết vấn đề tài chính... từ đó, bạn biết được mình nên tập trung xây dựng lớp tài sản nào.

Ví dụ, bạn có vấn đề rủi ro về sức khỏe, lúc này bạn cần có bảo hiểm; nếu bạn lo lắng về tình hình kinh tế, lạm phát thì bạn tập trung vào loại tài sản là vàng. Từ những nhu cầu của bản thân, bạn xác định được mình nên tập trung xây dựng lớp nào của tháp tài chính.

Từng lớp tài sản sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề, rủi ro đang hiện hữu. Khi thay đổi góc nhìn bạn cũng sẽ biết mình nên mua hoặc giải ngân loại tài sản nào để phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Cuối cùng, nguyên tắc mua/bán tài sản dựa vào tháp tài chính.

Khi muốn mua hoặc bán loại tài sản nào đó, thông thường bạn sẽ tìm kiếm lời khuyên từ gia đình, bạn bè hoặc các chuyên gia. Theo tôi, những lời khuyên này không thể nào hữu ích bằng việc bạn hãy quan sát và hỏi chính tháp tài sản của mình.

Tháp tài sản là mô hình rất trực quan. Nếu bạn muốn cơ cấu hay mua bán tài sản nào đó, tháp tài sản sẽ cho bạn biết quyết định đó có hợp lý hay không.

Ví dụ: Thông thường, khi một người muốn mua đất nền để đầu tư, họ chỉ quan tâm đến miếng đất có tăng giá hay không và lãi suất phải trả ngân hàng nếu vay để mua đất là bao nhiêu.

Nhưng trên thực tế, nếu có tháp tài sản, bạn sẽ hình dung được miếng đất này sẽ ở lớp tài sản tăng trưởng và bạn sẽ tự hỏi trước khi mua đất rằng các lớp tài sản bên dưới của mình đã chắc chắn hay chưa (lớp phòng vệ, lớp thu nhập). Nếu tháp tài sản bên dưới lỏng lẻo thì câu trả lời là không nên mua.

Mô hình tài chính W: Từ ngây thơ tới tự do về tiền bạc

Mô hình W với 3 đỉnh 2 đáy tượng trưng cho các giai đoạn nhận thức tài chính của một người. Trong đó, 2 đáy là những thời điểm khủng hoảng tài chính mà bạn cần vượt qua.

Nên đầu tư tiền vào đâu?

Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.

Mỹ Trinh

Đồ họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm