Những vướng mắc, mâu thuẫn trong việc chuyển đổi đã khiến chủ trương này gần như bị đình trệ trong 7 năm qua. Tuy nhiên, cũng có những trường “mang tiếng” dân lập nhưng đã và đang hoạt động êm ả theo mô hình tư thục.
Có tên trong danh sách 19 trường ĐH dân lập chuyển sang loại hình tư thục, mặc dù chưa thực hiện chuyển đổi, nhưng ông Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết “ngay từ những ngày đầu thành lập, trường chúng tôi đã được xây dựng theo mô hình tư thục. Toàn bộ nguồn vốn hoạt động của trường đều hình thành từ vốn góp của tư nhân – các thành viên sáng lập, các cán bộ, nhân viên, giảng viên và cộng tác viên của trường”.
Ông Trần Phương cũng chia sẻ một loạt sự lựa chọn khác gắn liền với mô hình này, để trường hoạt động và phát triển 17 năm qua, với tổng giá trị tài sản đã lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Ảnh minh họa. |
Có chủ hay vô chủ?
Từ kinh nghiệm quản lý các cơ sở quốc doanh – về danh nghĩa thì có chủ mà trên thực tế thì dường như vô chủ - những người sáng lập trường khẳng định một nguyên tắc: Trường phải có chủ.
Về tiêu chí nào để xác lập vị thế người chủ của trường, có ý kiến cho rằng cả vốn góp và lao động đều là tiêu chí để xác lập vị thế người chủ. Về lý thuyết thì có thể chấp nhận như vậy. Nhưng đi sâu hơn thì thấy rằng lao động là tiêu chí rất khó lượng định. Do tính chất phức tạp của việc góp vốn bằng lao động, ý tưởng này đã bị gạt bỏ. Chỉ còn lại tiêu chí góp vốn bằng tiền. Mức góp tối thiểu để trở thành “cổ đông” được ấn định là 10 triệu đồng, tương đương 1.000 USD vào thời điểm năm 1996.
Sau 5 năm hoạt động, nguồn thu học phí của trường đã đủ để trang trải các chi phí thường xuyên. Lúc này, nảy sinh ý kiến nên trả lại vốn góp cho các cổ đông. Ý kiến này không được chấp nhận bởi 2 lẽ: Nếu mọi cổ đông đều rút vốn thì còn ai là chủ của trường? Một trường vô chủ thì nguy cơ rối loạn là khó tránh khỏi. Mặt khác, nhu cầu về vốn đầu tư vẫn rất lớn nếu trường muốn tạo dựng cơ nghiệp của riêng mình, đặc biệt là về trường sở.
Khi số lượng cổ đông của trường lên đến hàng trăm, lại nảy sinh ý kiến cần hạn chế bớt số lượng cổ đông làm cho việc điều hành gọn nhẹ hơn. Ý kiến này không nhận được sự đồng tình của một số cổ đông. Mặt khác, một trường đại học muốn trường tồn thì phải gồm nhiều thế hệ cổ đông, thế hệ này qua đi thì phải có thế hệ khác tiếp nối. Tính đến nay, số lượng cổ đông của trường lên đến gần 800 người, số vốn góp đã lên tới 75 tỷ đồng.
Vì mục tiêu lợi nhuận hay phi lợi nhuận?
Trong tình hình mặt bằng học phí của nước ta rất thấp, tỷ suất lợi nhuận rất thấp mà phải chia lợi nhuận cho người góp vốn thì không còn lại bao nhiêu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Vì vậy, nếu là trường phi lợi nhuận thì những người góp vốn nhận được một lãi suất cố định giống như lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại, có phần nhỉnh hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm (được giữ ổn định từ ngày thành lập trường đến nay là 1,2%/ tháng). Lãi suất trả cho người góp vốn không phải là phân phối lợi nhuận sau một năm kinh doanh mà được hạch toán vào chi phí.
Dân chủ và tập trung dân chủ
Khi số lượng người chủ của trường (tức cổ đông) lên tới hàng trăm người thì vấn đề tổ chức nổi lên hàng đầu. Tổ chức như thế nào để mọi người thấy được vị trí làm chủ của mình, tránh được tình trạng thâu tóm quyền lực vào tay một người hoặc một số người, hoặc ngược lại, tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”? Để giải quyết vấn đề này phải thực thi nguyên tắc dân chủ và tập trung.
Về dân chủ, điều lệ tổ chức và hoạt động của trường quy định: “Mỗi cổ đông có một phiếu biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít”. Nguyên tắc dân chủ phải được thực thi ở mọi cấp độ tổ chức của trường.
Một tổ chức có nhiều người làm chủ, muốn tránh rối loạn, phải thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong Quy chế trường ĐH Tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành không thấy quy định “Hội đồng trường”, chỉ quy định hội đồng quản trị gồm tối đa 7 người. Với số lượng 7 người không đủ đại diện cho các ngành học, các khoa, các phòng của trường. Điều này không thuận lợi cho việc quyết định của Hội đồng quản trị khi đề cập đến những vấn đề chiến lược phát triển của trường cũng như những vấn đề tài chính phân phối liên quan đến lợi ích của mọi người trong trường. Vì vậy, trường chúng tôi đã mở rộng thành phần của Hội đồng quản trị để hội đồng này kiêm luôn cả chức năng hội đồng trường. Những thành viên vượt con số 7 gọi là thành viên dự khuyết.
Tài chính và phân phối
Đây là yếu tố dễ gây mất đoàn kết nhất trong một tổ chức. Trường ĐH tư thục càng phải quan tâm xử lý đúng vấn đề này. Trường ĐH có nhiều ngành học, nhiều bậc học, nhiều hình thức đào tạo, mỗi thứ có nguồn thu khác nhau, nhu cầu chi khác nhau, do đó “tỉ suất doanh lợi” khác nhau. Những ngành học có tỉ suất doanh lợi tương đối cao thường có khuynh hướng “ăn chia” riêng. Điều này sẽ dẫn đến sự suy tị giữa các bộ phận, đó là mầm mống làm cho tổ chức tan rã.
Để đảm bảo tính thống nhất của tổ chức, phải thực thi nguyên tắc thống nhất thu chi tài chính trong toàn trường, thống nhất tiêu chuẩn phân phối trong toàn trường, không chấp nhận hạch toán độc lập theo từng ngành học, từng hình thức đào tạo.
Nguyên tắc phân phối phải là “phân phối theo lao động”, không máy móc căn cứ vào chức vụ hoặc học hàm học vị. Về tài chính, tuy là một trường phi lợi nhuận, vẫn phải quản lý như một doanh nghiệp. Phải cân nhắc từng khoản thu, từng khoản chi, bảo đảm ít nhất cân bằng thu chi trong từng thời kỳ, nếu chưa cơ tích lũy cũng phải có dự phòng. Trường tư thục mà lỗ vốn thì chỉ có nước phá sản, chẳng ai cứu được mình.
Với đặc trưng “hợp tác xã” và phi lợi nhuận, trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội không thuộc phạm trù “kinh tế tư nhân”, mà thuộc phạm trù “kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa”. Tiền đồ phát triển của nó gắn liền với định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.