Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường đại học khó thoát bộ chủ quản

Việc quản lý hệ thống các trường đại học Việt Nam đang chồng chéo. Trong khi đó, nhiều trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nên việc thoát bộ chủ quản rất khó.

Trường đại học (ĐH) không bộ chủ quản, mô hình này không lạ trên thế giới nhưng ở Việt Nam lại là mới mẻ. Với các trường ĐH Việt Nam, bỏ bộ chủ quản được ví như thoát khỏi vòng kim cô bởi làm gì cũng phải xin - cho. Sự phụ thuộc quá nhiều vào bộ chủ quản khiến các trường khó phát triển.

Hội đồng trường quyết định tất cả

Là một trong 3 trường có đề án thí điểm không bộ chủ quản (cùng ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Bách khoa Hà Nội), ĐH Kinh tế TP.HCM đã có nhiều năm thí điểm tự chủ nên với trường, tương lai không còn bộ chủ quản. Điều này liệu có khiến cho trường gặp khó khăn?

PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết kinh phí hoạt động của các trường lâu nay dựa vào 2 nguồn chính là học phí sinh viên đóng và ngân sách nhà nước cấp.

Những năm qua, trường thí điểm tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính lấy thu bù chi, không dựa vào ngân sách nhà nước thì trường vẫn đứng vững. Ở nhiều lĩnh vực khác, trường đã được chủ động hơn nên chắc chắn khi không còn bộ chủ quản, trường sẽ không gặp khó khăn gì.

Chu quan truong dai hoc anh 1
Thí sinh nộp hồ sơ nhập học vào một trường ĐH tại TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết điều kiện thí điểm thực hiện cơ chế không có bộ chủ quản đối với một số trường ĐH trực thuộc bộ: Các cơ sở giáo dục ĐH đã được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động hoặc đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; hội đồng trường đã được thành lập theo quy định và hoạt động hiệu quả, ổn định; đã đạt kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH.

Khi bỏ cơ quan chủ quản với các trường trực thuộc, Bộ GD&ĐT chỉ còn vai trò quyết định thành lập hội đồng trường. Theo lý giải của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi không còn bộ chủ quản, hội đồng trường sẽ có "thượng phương bảo kiếm" trong tay.

Hội đồng trường quyết định tất cả vấn đề của trường - từ bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng đến đào tạo, nhân lực cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ của trường.

Bộ chủ quản nên quản gì?

Nhiều trường ĐH đang thực hiện tự chủ cho biết ngay cả khi đã tự chủ được tài chính, xài tiền còn phải xin phép thì việc thoát bộ chủ quản là rất khó xảy ra.

Thẳng thắn hơn, hiệu trưởng một trường ĐH công lập cho biết về cơ bản, bộ chủ quản hiện nay chỉ thực hiện 2 việc chính là cấp phát đầu tư và bổ nhiệm nhân sự ban giám hiệu. Đây là 2 việc có dính đến quyền lợi của bộ chủ quản nên không dễ gì bộ buông.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng nhược điểm lớn nhất về tổ chức quản lý của hệ thống giáo dục ĐH là sự phân tán trách nhiệm quản lý cho quá nhiều bộ và nhiều tỉnh, thành chủ quản.

Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục ĐH giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất.

Ông Tống cho biết vào cuối những năm 1980, nhiều trường ĐH và CĐ đã được chuyển dần từ nguyên tắc quản lý theo "sản phẩm đào tạo và sử dụng" trực thuộc các bộ chủ quản khác nhau sang nguyên tắc quản lý theo "quy trình công nghệ giáo dục" của bộ duy nhất là Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GD&ĐT chỉ có trách nhiệm quản lý trực tiếp khoảng 1/3 trường ĐH trong số hơn 285 trường; Chính phủ chịu trách nhiệm về 2 ĐH Quốc gia; các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành cùng tham gia quản lý số lượng trường còn lại.

Những vấn đề về tài chính và thẩm quyền quản trị đối với giáo dục ĐH bị chia cắt giữa nhiều bộ, tỉnh - thành, cơ quan chủ quản. Tất cả điều này đã khiến cho việc thực hiện cải tổ giáo dục ĐH trở nên khó khăn.

Theo ông Tống, hệ thống các cơ sở đào tạo cần quy về một đầu mối là Bộ GD&ĐT. Khi đó, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo chứ không phải là chủ quản. Các trường ĐH phải được tự chủ hoàn toàn, phải được tự quyết định mọi vấn đề dựa vào luật pháp. 

Chỉ là hình thức nếu vẫn còn trói buộc

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng nếu chỉ hô hào bỏ bộ chủ quản mà các thông tin, quy chế vẫn còn nguyên, vẫn trói buộc trường thì bỏ bộ chủ quản chỉ là chuyện hình thức.

Để có thể thoát khỏi bộ chủ quản, các cơ sở giáo dục ĐH ít nhất phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Nếu không thì đây vẫn là chuyện trong mơ.

Không phục vụ hai mục đích, đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ thế nào?

Đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ có nội dung như thế nào khi kỳ thi không còn phục vụ hai mục đích như những năm trước. Đây là mối quan tâm, băn khoăn của nhiều học sinh, giáo viên.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/truong-dai-hoc-kho-thoat-bo-chu-quan-20181007214005519.htm

Theo Huy Lân / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm