Theo Washington Post, các sinh viên trường Âm nhạc Santa Cecilia ở Rome, Italy, nhận thông báo qua tin nhắn Giám đốc nhạc viện Roberto Giuliani gửi tới các giảng viên. Sau đó, những người này chuyển tiếp tin nhắn đến những sinh viên trong diện phải nghỉ qua email và WhatsApp.
Tin nhắn dùng từ “phương Đông”, tính từ mang tính xúc phạm khi nói về người khác, yêu cầu sinh viên Đông Á không đến trường trong ít nhất một tuần “vì các vụ việc rầm rộ liên quan đến dịch bệnh Trung Quốc” và đi khám sức khỏe trước khi đi học trở lại.
Người châu Á ở nước ngoài bị phân biệt đối xử khi dịch do virus corona bùng phát. Ảnh: EPA-EFE. |
Thông báo này khiến nhiều sinh viên bất ngờ vì Italy chưa có trường hợp nhiễm virus nào. Sinh viên Hàn Quốc Yoonseo Kim, 25 tuổi, cho rằng trường phân biệt chủng tộc.
“Bạn bè tôi không muốn rời nhà vì học sợ bị phân biệt đối xử, ánh nhìn chằm chằm và bị chửi rủa. Hiện tại, chuyện đó xảy ra thường xuyên”, Yoonseo cho biết.
Ngay sau khi trường thông báo, hàng loạt bình luận mang tính phân biệt đối xử xuất hiện trên mạng. Một sinh viên, yêu cầu giấu tên, cho biết nhà trường yêu cầu sinh viên lập tức ra khỏi lớp khi nhận tin nhắn. Sau đó, nhân viên nhạc viện ngăn họ ở hành lang, cấm đi vào các tòa nhà.
Nhiều người khác kể khi họ rời các tòa nhà, những sinh viên không phải người châu Á che mặt, làm động tác giả đeo khẩu trang và cười nhạo.
“Tôi chết lặng, không nói nổi lời nào”, sinh viên người Hàn Quốc, 23 tuổi Sumin Hwang nói.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Giuliani cho biết ông không có ý phân biệt đối xử. Những người có hành vi xúc phạm chủng tộc sẽ bị phạt. Vị giám đốc nói thêm nhạc viện luôn chào đón sinh viên nước ngoài. Ông còn đưa ra tin nhắn ủng hộ quyết định này từ một sinh viên Trung Quốc.
Trường bắt buộc sinh viên kiểm tra sức khỏe nhưng sẽ cung cấp dịch vụ. Việc này được đưa ra nhằm giúp những người không thể đến khám tại hệ thống y tế công cộng. Dù gây tranh cãi, trường vẫn không gỡ quy định cấm.
Thời gian gần đây, hàng loạt thông tin sai lệch liên quan đến virus corona khiến người Đông Á thêm bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Một nhóm người ở Pháp thậm chí phải dùng hashtag "Tôi không phải virus" để chống lại sự kỳ thị.