Chia sẻ với VietNamNet, em Nguyễn D., sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, tâm sự vấn đề chuẩn đầu ra ngoại ngữ của trường hiện làm không ít sinh viên vào thế “bị quay như chong chóng”.
D. cho hay theo quy định trước đây của trường, các sinh viên của trường muốn tốt nghiệp phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Chuẩn đầu ra ngoại ngữ có thể được xác định bằng một trong 2 hình thức.
Hình thức thứ nhất, sinh viên có thể theo học tại trường với học phần Ngoại ngữ tương đương chuẩn đầu ra B1 (có thể coi như một kỳ thi “2 trong 1”, vừa thi qua môn tiếng Anh B1 nếu đạt từ 4,5 trở lên và nếu đạt từ 6,5 trở lên, sinh viên đạt yêu cầu chuẩn đầu ra).
Hình thức thứ hai là các sinh viên có thể chọn học tiếng Anh ở ngoài rồi mang chứng chỉ về, sẽ được nhà trường công nhận.
“Mới kỳ trước (kỳ 1 năm thứ ba của D. - PV), trường còn thông báo sẽ công nhận điểm và chuẩn đầu ra theo hình thức '2 trong 1' nếu theo học tiếng Anh và đạt B1 tại trường. Nhưng giờ đây, trường chỉ công nhận cho sinh viên khóa cuối. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng em vừa mất thời gian, công sức, tiền bạc để học ở trường mà không được công nhận. Nếu trường thông tin rõ ràng với chúng em từ trước, chúng em đã đi học luôn ở bên ngoài lấy chứng chỉ về phủ điểm cho cả môn tiếng Anh B1 và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra. Giờ chúng em lại phải mất thêm tiền để học”, D. nói.
Mới đây, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng thông báo tới các sinh viên: “Theo Công văn số 4116/ĐHQGHN-ĐT ngày 14/12/2021 của Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, sinh viên có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trước thời điểm xét tốt nghiệp phải được minh chứng bằng một trong các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương trong phụ lục đính kèm.
Đối với các trường hợp sinh viên năm cuối (đã học và thi kết thúc học phần ngoại ngữ theo Hướng dẫn số 297/HD-ĐHQGHN) có quyết định công nhận đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ của hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ trước ngày 1/5/2022 được ĐH Quốc gia Hà Nội chấp nhận.
Các sinh viên không thuộc diện năm cuối (đã học và thi kết thúc học phần ngoại ngữ theo Hướng dẫn 297/HD-ĐHQGHN) vẫn cần thi chứng chỉ đạt yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo”.
Một sinh viên nêu quan điểm: “Một số sinh viên khóa K64 đã học cùng lúc với sinh viên năm cuối (K63) và thi kết thúc học phần ngoại ngữ B1 theo hướng dẫn trước đó, đồng thời cũng đã có tên trong danh sách công nhận đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ trước ngày 1/5/2022. Cùng được xác nhận công nhận chuẩn đầu ra trước đó, cùng bỏ thời gian và công sức như nhau, tại sao những bạn trong trường hợp này (cũng phải đến cả nghìn sinh viên) lại không được chấp nhận mà chỉ sinh viên năm cuối mới được chấp nhận? Tại sao lại bất công như vậy? Đề nghị nhà trường xem xét lại”.
Một số nhóm sinh viên cho rằng trường cần giải quyết 1 trong 2 phương án là công nhận chuẩn đầu ra cho những sinh viên đang tham gia hay đã kết thúc học phần ngoại ngữ B1 hoặc trả lại tiền học phí cho sinh viên.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay các sinh viên cần hiểu thông báo điều chỉnh của nhà trường theo quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội, căn cứ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, Công văn số 1609 mà nhà trường ban hành ngày 24/6/2022 về Quy định về chuẩn đầu ra ngoại ngữ được thực hiện theo Công văn số 4116 của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trước đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng ban hành Công văn 4116 ngày 14/12/2021 căn cứ theo Thông tư số 08/2021 ngày 18/3/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành về Quy chế đào tạo trình độ đại học.
Bà Hương cho hay theo các quy định mới, minh chứng cho chuẩn đầu ra phải được chuẩn hóa bằng chứng chỉ chứ không phải là chứng nhận xét tương đương theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
“Nhưng muốn có chứng chỉ, các em phải thi. Các sinh viên vượt qua học phần ngoại ngữ trong chương trình học của trường không có nghĩa đã đảm bảo năng lực đạt B1, mà phải trải qua một kỳ thi. Việc này cũng được áp dụng cho sinh viên toàn quốc chứ không phải chỉ riêng sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, hay sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn”, bà Hương nói.
Về việc sinh viên yêu cầu trường trả lại tiền học phí học phần Ngoại ngữ tương đương chuẩn đầu ra B1, bà Hương cho hay: “Đây là một môn học nằm trong chương trình học chính khóa và buộc phải có điểm tổng kết chứ nhà trường không thu thêm. Tức là để đủ số tín chỉ tích lũy, sinh viên vẫn phải đăng ký các học phần Ngoại ngữ này. Trong trường hợp sinh viên có chứng chỉ rồi, trường miễn cho các em không phải học, còn việc đăng ký học phần là bắt buộc tham gia”.
Bà Hương cho biết thêm: “Sinh viên học xong, nhà trường chỉ cấp chứng nhận. Trước đây, ĐH Quốc gia Hà Nội quy định chỉ cần chứng nhận chuẩn đầu ra tương đương với trình độ năng lực ngoại ngữ B1 là có thể ra trường. Sinh viên cần hiểu rằng việc công nhận trước đây là trường công nhận chứng nhận, chứ không phải là chứng chỉ. Nhưng bây giờ, các cấp quy định phải có chứng chỉ mới tốt nghiệp ra trường, trước đây, chứng nhận vẫn có thể được”.
Theo bà Hương, năm nay, các sinh viên năm cuối (đã học và thi kết thúc học phần ngoại ngữ theo Hướng dẫn số 297/HD-ĐHQGHN) có quyết định công nhận đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ trước ngày 1/5/2022 vẫn được ĐH Quốc gia Hà Nội chấp nhận. Việc này hợp lý bởi khi ban hành chính sách mới có những điều kiện chuyển tiếp, giải quyết cho những trường hợp cận kề.
"Khi chuyển từ chứng nhận sang chứng chỉ, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tính đến độ tác động của chính sách, khi mà sinh viên năm cuối không còn kịp thời gian để đi thi chứng chỉ năm nay. Để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên năm cuối tốt nghiệp đúng hạn, các em này chỉ cần có chứng nhận vẫn được tốt nghiệp bình thường. Các sinh viên năm hai, năm ba, chưa ra trường năm nay, còn đủ thời gian để chuẩn bị hoàn thiện chứng chỉ, phải thực hiện theo quy định về chuẩn đầu ra là có chứng chỉ mới tốt nghiệp ra trường”, bà Hương cho hay.
Bà nói thêm cần nhìn nhận rằng có học ở đâu, sinh viên cũng phải chi trả học phí và lệ phí để thi lấy chứng chỉ. Chứ không phải học ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, các em không phải thi chứng chỉ hay học ở trung tâm nào khác, học xong, các em được cấp chứng chỉ luôn. Sinh viên cần nhận thức học là một chuyện, còn thi để lấy chứng chỉ là một việc khác. Ví dụ, dù có học TOEFL, IELTS... ở đâu, cuối cùng, các em vẫn phải đi thi lấy chứng chỉ.
Bà Hương cũng nhìn nhận phần lỗi của nhà trường trong công tác truyền thông khi dù gửi thông tin về những thay đổi chính sách từ cấp vĩ mô đến cấp trường nhưng chưa giải thích thấu đáo cho sinh viên hiểu.
“Cũng chính điều này khiến các em bức xúc chuyện phải có chứng chỉ, rồi thắc mắc tại sao, các anh chị năm cuối được mà mình không được”, bà Hương nói.
Bà Hương cho hay thực tế, bây giờ, nhà trường vẫn cấp cho sinh viên giấy chứng nhận như trước đây. Chỉ có điều, giờ đây, theo quy định mới, giấy chứng nhận đó không còn được xét tốt nghiệp mà phải là chứng chỉ.
Bà Hương cho hay quy chế đào tạo này của Bộ GD&ĐT áp dụng cho sinh viên trên toàn quốc chứ không chỉ riêng sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo bà Hương, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Ngoại ngữ của nhà trường cũng đang có nhiều nỗ lực để hỗ trợ giúp các thí sinh trong việc thi lấy chứng chỉ sớm nhất.
“Nhà trường cũng hiểu yêu cầu mới về chuẩn đầu ra ngoại ngữ khiến các em lo lắng nhưng khó khăn này là khó khăn chung. Tuy nhiên, có ngoại ngữ tốt, cũng là một điều kiện thuận lợi để các em có công việc tốt sau này”, bà Hương chia sẻ.