Cứ mỗi cuối tuần, anh Nguyễn Duy (Hà Nội) lại lái xe vượt 20 km để đưa cậu con trai 5 tuổi đến trung tâm tham gia khóa học chữa ngọng.
“Mỗi buổi học chỉ 30 phút. Hai bố con đã ròng rã đi học được 3 tháng nay rồi, con trai đã học đến buổi thứ 18 và có cải thiện rất rõ rệt, cháu nói rõ, chuẩn hơn, miệng không còn bị cứng như trước nữa”, anh Duy vui mừng chia sẻ với Zing.
Không chỉ trẻ em, nhiều người trưởng thành cũng bị ngọng khiến ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt, làm việc hàng ngày. Ảnh minh họa: Viet Skill. |
Tự chữa ngọng không hiệu quả
Anh Nguyễn Duy kể bé M.T. (con trai anh) đã 5 tuổi nhưng nhiều khi con trai nói, bố mẹ không hiểu nổi con đang nói vấn đề gì, phải ngẫm một hồi mới rõ. Khổ nhất là khi con bị ốm, bố mẹ lại không biết chính xác con muốn gì. Bé T. bị ngọng rất nhiều, cả nguyên âm, phụ âm và những từ dài, bé đều chưa đọc được.
“Các từ như 'anh' con đều đọc thành 'ăn', 'trứng' thành 'cứng', 'ngõ' lại thành 'ngó'. Lúc đi học, con nghe hiểu cô nói gì nhưng khi con nói, nhiều khi, cô giáo không hiểu được. May mắn, các bạn học cùng còn nhỏ nên con chưa bị trêu chọc”, anh Duy chia sẻ.
Anh Duy cho biết vợ chồng anh chị phát hiện con bị ngọng khi bé T. lên 3 tuổi. Gia đình cho con đi khám. Anh thở phào nhẹ nhõm khi bác sĩ kết luận con không có dị tật bẩm sinh. Về nhà, anh sốt sắng tìm hiểu phương pháp, lên mạng xem video hướng dẫn cách chữa ngọng cho con, cứ có thời gian rảnh, 2 cha con lại ngồi học nói.
Nhưng có lẽ phương pháp chưa đúng, cộng thêm mỗi trẻ sẽ có mức độ ngọng khác nhau, sau thời gian dài luyện tập, việc chữa ngọng của bé T. không cải thiện nhiều.
Vợ chồng anh Duy tính đến việc cho con học lớp chữa ngọng bài bản song phải gác lại vì dịch Covid-19. Năm nay, bé T. chuẩn bị vào lớp một. Anh Duy sợ con lên cấp học mới, sẽ bị trêu chọc, chê cười nếu vẫn nói ngọng. Chưa kể, tật phát âm này cũng ảnh hưởng đến quá trình học tập. Vì thế, anh chấp nhận lái xe vượt 20 km để cho con đến trung tâm chữa ngọng.
Rào cản bởi nói ngọng
Nói ngọng không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ. Dù đã 19 tuổi, Thành Đạt (học tập tại TP.HCM) vẫn ngọng như hồi bé. Tuy nhiên, không may mắn được chữa sớm như bé T., đến khi đã là sinh viên năm nhất, Đạt mới đi khám và phát hiện ra nguyên nhân.
Đạt đã tự luyện tập sửa ngọng, hy vọng có sự thay đổi nhưng rất khó bởi nam sinh chưa có phương pháp đúng cũng như chưa đủ sự kiên trì. Ảnh: NVCC. |
Thành Đạt kể hồi nhỏ, anh bán trú, có lúc nội trú, tại trường tiểu học. Cô giáo phụ trách nói ngọng chữ “l” và “n” khiến nam sinh nhiễm thói quen này. Đến khi lớn lên, nhận thức được việc nói ngọng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, Đạt tự luyện tập, hy vọng có sự thay đổi nhưng điều này rất khó bởi nam sinh chưa có phương pháp đúng cũng như chưa đủ kiên trì.
Dần dà, Đạt trở nên ngại giao tiếp bởi ngay cả bố mẹ nhiều lúc cũng dịch mãi mới hiểu cậu nói gì. Mặc dù may mắn không bị bạn bè trêu chọc, Đạt luôn thấy mặc cảm, tự ti mỗi lần nói chuyện. Nam sinh cho biết cậu chỉ tự tin khi viết hay nhắn tin qua mạng.
“Nhiều lần, mình gọi tên bạn bè, họ còn không nhận ra mình gọi họ. Mặc dù các bạn chỉ bảo mình nên về nhà luyện tập, mình rất ngại mỗi lần như thế”, Đạt chia sẻ.
Đạt cũng cho biết anh theo học khoa Luật Kinh tế, ĐH Hồng Bàng. Anh xác định học luật, làm công việc về luật đồng nghĩa với việc giao tiếp phải tốt. Tuy nhiên, tình trạng ngọng không được cải thiện khiến Đạt không ngừng lo lắng. Nam sinh sợ đây sẽ là rào cản khi cậu ra trường và đi làm.
Cùng chung lo lắng với Thành Đạt, mỗi lần nói chuyện, chị Chu Dung (26 tuổi, Bắc Ninh) cảm tưởng mình bị nghẹt mũi khiến việc phát âm không rõ ràng. Chị e ngại giọng nói sẽ trở thành rào cản trong cuộc sống.
Chị Dung hiện là nội trợ ở nhà. Lâu nay, chị mất tự tin trong giao tiếp bởi nhiều người nhận xét giọng chị rất khó nghe, nhiều lúc, họ không hiểu chị nói gì.
Trước đây, khi đi học hay đi làm, chị thường xuyên bị bạn bè, đồng nghiệp trêu chọc bởi giọng nói khiến cuộc nói chuyện không còn tự nhiên. Đôi lúc, nhiều người cố tình hỏi lại chị nhiều lần hoặc nhại lại giọng khiến chị ngại ngùng nhưng chỉ biết cười trừ.
Chị cũng đã đi khám. Bác sĩ kết luận tình trạng các cơ quan đều bình thường. Về nhà, chị Dung tìm hiểu nhiều phương pháp để tự sửa nhưng không đi đến đâu bởi thực tế, chị không biết nguyên do mình nói ngọng để dùng phương pháp sửa cho đúng.
Hiện tại, chị Dung nuôi con nhỏ. Bé nhà chị đến tuổi tập nói, chị e ngại việc mình phát âm không chuẩn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc dạy con nói cũng như giao tiếp của con sau này. Bên cạnh đó, chị lo đây cũng là rào cản khi chị muốn tìm kiếm một công việc tốt hơn lúc con lớn.
Sao phải chi tiền học nói?
Vì thế, khi con cứng cáp hơn, chị Chu Dung quyết định tìm hiểu và chi tiền tham gia khóa học sửa ngọng. Vì ở xa trung tâm, chị Dung lựa chọn việc học online. Chị cho biết tham gia khóa học, chị mới biết mình phát âm không chuẩn, khó nghe do bị giọng mũi. Khi chị nói, hơi đi lên mũi nhiều nên không thể phát âm tròn vành rõ chữ.
Mỗi tuần, chị Dung sắp xếp thời gian để học online 2 buổi cùng giáo viên. Đến nay, chị theo học hơn một tháng. Từ khi được học về cách luyện tập các cơ quan phát âm như lấy hơi, mở miệng, đặt lưỡi, tập thở và kéo dài cột hơi, chị Dung nhận thấy giọng nói đã nghe rõ hơn, chị đã phát âm chuẩn một số phụ âm như “t”, “đ”, “c”. Ngoài học với giáo viên, bà mẹ bỉm sữa còn tranh thủ tự học mỗi ngày
“Rảnh lúc nào, mình tự học lúc đó, học sách, luyện lấy hơi, cũng có slide bài giảng cô gửi nữa”, chị Dung chia sẻ.
Cũng giống như chị Dung, việc tự sửa không hiệu quả, Thành Đạt tham gia khóa học online, sẵn sàng chi 10 triệu đồng cho 20 buổi học, mỗi buổi kéo dài một tiếng để chữa ngọng. Được biết, Đạt đã tìm hiểu khóa học này hơn một năm nay. Tuy nhiên, do tập trung ôn thi ĐH, đến tận bây giờ, anh mới có thời gian tham gia với hy vọng trị ngọng tận gốc.
Tham gia khóa học, Thành Đạt nhận thấy không chỉ cải thiện việc nói ngọng mà bản thân tự tin hơn khi được cô giáo động viên. Nhờ đó, anh chăm chỉ học hơn. Mỗi ngày, dù bận đến đâu, Đạt vẫn dành ra khoảng 2 tiếng để tự tập luyện.
Quyết tâm giúp con chữa ngọng cũng thúc đẩy anh Nguyễn Duy lái xe 20 km mỗi cuối tuần để đều đặn đưa con đi học nói.
"Sợ con bị trêu chọc là lý do lớn nhất để mình đã cho con đi học chữa ngọng. Bây giờ, con còn nhỏ, nếu bị bạn trêu chọc, con về mách người lớn là xong. Nhưng khi con lớn lên, nhận thức và tâm lý sẽ khác, việc này có thể ảnh hưởng nhiều. Tôi lo con sẽ mất tự tin”, anh Duy lo lắng.
Anh đăng ký cho con học một kèm một. Nhờ vậy, con cải thiện nhanh hơn so với việc sửa ở nhà hay học lớp đông học sinh. Với khóa học này, chi phí rơi vào 2,5 triệu đồng cho 10 buổi học, mỗi buổi 30 phút. Cùng với đó, ở nhà, nhờ hướng dẫn của cô giáo, anh tự tập luyện thêm cho con.
Ngoài ra, anh Duy đăng ký cho bé T. tham gia khóa học thứ hai. Mỗi buổi học, bé trai 5 tuổi đều rất hào hứng tham gia. Con học các kỹ năng đặt lưỡi, mở khẩu hình, phát âm. Nhìn chung, tình trạng ngọng được cải thiện rõ rệt.
Chia sẻ thêm về việc chỉnh phát âm, thạc sĩ Tráng Thúy, chuyên gia chữa ngọng tại Hà Nội, khẳng định luyện tập thường xuyên là yếu tố quan trọng. Chữa ngọng để phục vụ giao tiếp hàng ngày, học viên không chỉ luyện nói đúng khi học với giảng viên mà lúc nào cũng phải chú ý để nói đúng.
Chuyên gia này nói thêm tùy vào mức độ ngọng, đặc điểm cơ quan phát âm của mỗi học viên, giảng viên sẽ có những phương pháp đặc thù phù hợp với từng người.
"Tinh thần tự học, luyện tập sửa ngọng tại nhà để tiết kiệm thời gian, chi phí luôn là phương án được khuyến khích đối với những lỗi ngọng nhẹ. Tuy nhiên, có lộ trình học phù hợp với tình trạng tiếng nói của bản thân và có giảng viên hướng dẫn, học viên sẽ đi đúng hướng, được tiếp cận với phương pháp chuẩn, bài bản, tránh cách sửa không đúng khiến sai chồng sai", thạc sĩ Tráng Thúy nhận định.