Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường học âm thầm xoá danh 'quốc tế' là chủ động lừa dối phụ huynh

TS Vũ Thu Hương cho rằng một số trường cố tình tạo ra danh tiếng để thu hút học sinh, chủ động lừa dối phụ huynh bằng các giá trị ảo đến từ 2 chữ “quốc tế”.

Sau sự việc bé trai 6 tuổi ở một trường được gắn mác "quốc tế" nghi chết trên ôtô đưa đón học sinh, nhiều trường ngoài công lập đã âm thầm xoá bỏ dòng chữ "quốc tế" trên các website, biển hiệu...

Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội - có chia sẻ về vấn đề này.

Đặt cao lợi ích kinh doanh hơn giáo dục

- Hiện nay, nhiều trường gắn mác “quốc tế” đã âm thầm xóa chữ này trong các thông báo của mình. Tiến sĩ Vũ Thu Hương có những đánh giá như thế nào về việc làm này?

- Theo tôi, việc này đã khẳng định các trường quốc tế tự xưng từng biết trước vấn đề mạo danh của mình. Khi có thông tin sẽ có đợt thanh, kiểm tra về vấn đề này. Họ lập tức xóa mác quốc tế của trường mình để tránh những rắc rối có thể đến từ phía thanh tra.

Cùng đó, có thể thấy các trường này cố tình tạo ra danh tiếng ảo để thu hút học sinh, chủ động lừa dối phụ huynh bằng các giá trị ảo đến từ 2 chữ “quốc tế”.

Qua vụ việc này, rõ ràng công tác quản lý giáo dục của chúng ta có quá nhiều vấn đề. Việc một số trường ngang nhiên treo biển “quốc tế” mà vẫn được các cơ quan quản lý giáo dục như các phòng giáo dục, sở giáo dục hay phía bộ bỏ qua trước khi có vụ việc ầm ĩ được báo giới phanh phui.

Những ngôi trường này tồn tại ngay trên đất Hà Nội, cách cơ quan Nhà nước không xa nhưng vẫn công khai để biển mạo danh nhiều năm liên tiếp khiến chúng ta phải băn khoăn.

Truong quoc te anh 1
Tiến sĩ Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC.

- Hiện tượng gắn mác trường quốc tế theo bà đến từ nguyên nhân nào? Có phải từ nhu cầu sính ngoại của phụ huynh không?

- Theo tôi nghĩ, nguyên nhân đầu tiên của việc gắn mác “quốc tế” ồ ạt là sự hình thành một loại hình kinh doanh mới trên đất nước chúng ta.

Đó là kinh doanh giáo dục với đặc thù một sản phẩm - hai khách hàng. Khi đặt lợi nhuận kinh doanh lên cao hơn các mục tiêu giáo dục, những chiêu trò lừa dối được đưa ra để che mắt phụ huynh - những khách hàng không trực tiếp thụ hưởng sản phẩm giáo dục nhưng lại là những người chi tiền.

Bởi vì nếu thực sự nghĩ đến trẻ em, nghiên cứu giáo dục một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ nhận ra rằng giáo dục thực chất không phải dựa vào chữ “quốc tế” để có thể thành công, và cũng không phải giáo dục quốc tế nào cũng đem lại hiệu quả giáo dục tốt cho trẻ em Việt.

Nguyên nhân thứ hai của hiện tượng này là sự mất lòng tin trầm trọng của dân chúng đối với giáo dục công lập. Nhiều người cho rằng trường công sẽ nặng kiến thức, bệnh thành tích, áp lực học thêm, mà kỹ năng thì yếu kém khiến con em của họ thiếu tự tin, thiếu kỹ năng và phát triển không hoàn chỉnh.

Khi có một ngôi trường gắn mác “quốc tế” quảng cáo giáo dục đến từ một nguồn tư liệu từ một đất nước xa xôi nổi tiếng nào đó, với một loạt các giáo viên da trắng, tóc vàng, đã khiến các phụ huynh tràn đầy hy vọng là con họ sẽ được học với một môi trường tiên tiến, chuẩn chỉ theo tiêu chuẩn vượt qua biên giới của quốc gia.

Nắm bắt được tâm lý này, các trường tư thục gắn mác “quốc tế” đã tung ra chiêu trò này để thu hút phụ huynh đến với họ cũng như dễ dàng thu phí cao hơn hẳn mặt bằng thông thường của khối trường dân lập - tư thục.

Nhu cầu sính ngoại chắc chắn cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, để lựa chọn trường học cho con, chắc chắn các phụ huynh không chỉ đơn thuần là do sính ngoại.

Với số tiền học rất cao, họ chắc chắn sẽ phải tìm hiểu nhiều. Rõ ràng, việc gắn mác “quốc tế” đã làm rối nhiễu thông tin khiến phụ huynh bị lao theo các tiêu chí không thật sự đem lại hiệu quả giáo dục.

Cần tâm huyết của nhà giáo

- Bà có thể đưa ra một vài lời khuyên cho phụ huynh khi chọn trường chất lượng cho con để không bị rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”?

- Điều tôi luôn muốn nói với phụ huynh là một ngôi trường tốt luôn đến từ những con người có tâm, có trái tim yêu trẻ và có hiểu biết, kỹ năng giáo dục tốt.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta phải lưu ý là tâm nhà giáo không thể hiện ở cơ sở vật chất hoành tráng hay những tên gọi, định danh kêu như chuông, tâm nhà giáo sẽ thể hiện ở những đứa trẻ.

Nếu các vị phụ huynh muốn tìm cho con một ngôi trường học tốt, chúng ta cần phải bỏ qua cơ sở vật chất hoành tráng, tìm hiểu sâu vào các tiêu chí giáo dục, các quy trình chăm sóc trẻ. Khi đó các phụ huynh sẽ dễ dàng tìm được ngôi trường phù hợp cho con em mình.

Gateway và nhiều trường ở Hà Nội bỏ mác 'quốc tế'

Trên trang web của mình, trường Gateway đã bỏ chữ "quốc tế", đổi thành "Tiểu học & THCS". Tuy nhiên, đến trưa 17/8, biển hiệu của trường vẫn là "International School".

Bộ GD&ĐT: Trường tự gắn mác quốc tế là sai quy định

Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, cho biết quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế", trường tự thêm vào là sai quy định.

https://laodong.vn/giao-duc/truong-hoc-am-tham-xoa-danh-quoc-te-chu-dong-lua-doi-phu-huynh-750066.ldo

Theo Huyên Nguyễn / Lao Động

Bạn có thể quan tâm