![]() |
Trường học Hàn Quốc trở thành bãi xe, nơi tập thể dục cho người cao tuổi. Ảnh: Korea Herald. |
Một buổi chiều trong tuần, sự im lặng kỳ lạ bao trùm khoảng sân từng là sân trường Tiểu học Hwayang (Gwangjin-gu, Seoul, Hàn Quốc).
Từng là nơi tiếng cười của trẻ nhỏ ngập tràn trong không khí, giờ đây, nơi này chỉ còn tiếng lá cây xào xạc trong gió xuân và thỉnh thoảng có tiếng chim hót phá vỡ bầu không khí im lặng.
Dấu chân con người nơi đây cũng thay đổi đáng kể. Buổi chiều, khoảng sân trở thành nơi cho người cao tuổi chống gậy đi bộ, tập thể dục. Gần cổng trường, nơi từng là sân chơi được trang bị nhiều xích đu, bập bênh cũng trở thành bãi đậu xe cho cư dân trong khu phố.
Học sinh ngày càng giảm
Trường Tiểu học Hwayang chính thức đóng cửa vào tháng 2/2024 do tỷ lệ sinh thấp kéo dài suốt một thập kỷ khiến số lượng học sinh sụt giảm nghiêm trọng. Sau hơn một năm bị bỏ hoang, sân trường hiện trở thành địa điểm tập thể dục yêu thích của người dân trong khu vực.
Bà Ryu Myung-jin (73 tuổi) là một trong những người thường xuyên lui tới khuôn viên cũ của trường.
“Trường học nên có nhiều cây xanh nên tôi thường đến đây sau bữa trưa để đi dạo, tập thể dục. Ghế đá và các bậc thềm rộng cũng tiện cho việc nghỉ chân", bà Ryu chia sẻ với Korea Herald.
Gần lối vào, văn phòng bảo vệ bỏ trống vẫn còn treo biển tên đã rỉ sét - dấu vết của một thời quá khứ. Bãi đỗ xe chật kín ôtô và xe tải, gần đó là một vài người tụ tập hút thuốc ở góc sân.
![]() |
Trường học bị bỏ hoang, cơ sở vật chất xuống cấp và trở thành địa điểm yêu thích của YouTuber. Ảnh: Korea Herald. |
Kể từ năm 2015, toàn thành phố Seoul chứng kiến 9 trường học buộc phải đóng cửa vì không có đủ học sinh. Ví dụ, trường Tiểu học Hwayang đi vào hoạt động từ năm 1983 với 18 lớp học, từng có 420 học sinh vào năm 2008, nhưng đến năm 2013 chỉ còn 183 em, giảm còn 151 vào năm 2018.
Đến năm 2023, số học sinh ở trường này tụt xuống chỉ còn 84, trong đó lớp 1 chỉ có vỏn vẹn 7 em.
Tám trường học khác cũng buộc phải dừng hoạt động khi số học sinh đều dưới 100. Điển hình là trường Trung học Gongjin ở Gangseo-gu chỉ còn 47 em khi đóng cửa năm 2020. Sau khi giải thể, học sinh được chuyển sang các trường lân cận.
Dù con số 9 trường đóng cửa tại Seoul từ năm 2015 không quá lớn, song giới chức và các chuyên gia cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu của một xu hướng nghiêm trọng hơn.
Với dân số hơn 10 triệu người, Seoul đang "đứng mũi chịu sào" trong cuộc khủng hoảng suất sinh tại Hàn Quốc. Năm 2024, tỷ suất sinh của cả nước tiếp tục ở mức thấp kỷ lục là 0,75 - chưa bằng một nửa mức trung bình của OECD là 1,51.
Với tỷ lệ sinh thấp đến mức báo động, nhiều dự báo cũng nêu rằng số trường học ở Seoul sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới do dân số trong độ tuổi đi học ngày càng giảm.
Trường bị bỏ hoang nhiều thập kỷ
Tháng 3 vừa qua, khi năm học mới bắt đầu, một trường tiểu học tại quận Gangseo chỉ tiếp nhận 10 học sinh lớp 1 - giảm ba em so với năm trước. Tổng số học sinh của trường nay chỉ còn 71, thấp hơn hẳn so với con số 83 học sinh năm 2024.
Theo báo cáo của Văn phòng Giáo dục Seoul công bố vào ngày 24/3, đến năm 2029, số lượng trường quy mô nhỏ (dưới 100 học sinh và không quá 5 lớp học) dự kiến sẽ tăng lên 127 trường - tăng 1,6 lần so với con số 80 trường vào năm 2025.
Ngoài khu vực Seoul, hiện tượng trường học thiếu học sinh thậm chí còn rõ nét hơn. Năm 2024, tổng cộng 3.955 trường học trên toàn Hàn Quốc buộc phải đóng cửa - tăng 33 trường so với năm 2023. Trong số này, 367 trường (tương đương 9,3%) vẫn chưa được tái sử dụng.
Ở nhiều vùng nông thôn, các ngôi trường bỏ hoang cũng đã bị lãng quên suốt nhiều thập kỷ. Ví dụ, trường Trung học Nữ sinh Chungil tại Yuseong-gu (thành phố Daejeon) đã đóng cửa từ năm 2005 và gần 20 năm qua vẫn chưa được tái sử dụng.
Khu đất của ngôi trường này từng được tập đoàn Booyoung mua lại để phát triển nhà ở, nhưng dự án bị đình trệ vì vị trí chỉ cách nhà tù Daejeon khoảng 200 m. Đây là một trong những yếu tố khiến người mua lo ngại.
Gần 20 năm bị bỏ hoang, ngôi trường trở nên hoang tàn, cửa kính vỡ, tường phủ đầy dây leo và mái ngói cũng không còn nguyên vẹn. Giờ đây, khu vực phòng học trở thành địa điểm yêu thích của các YouTuber chuyên làm nội dung kinh dị.
Do đất thuộc sở hữu tư nhân, chính quyền thành phố Daejeon cùng các cơ quan liên quan không thể can thiệp. Nhiều người lo ngại khu đất này có thể đẩy nhanh quá trình suy thoái đô thị trong khu vực.
“Một số trường học bị bỏ hoang lâu ngày có thể trở thành nơi tụ tập của thanh niên hư hỏng, người vô gia cư hoặc tội phạm,” đại diện Văn phòng quận Yuseong chia sẻ với Korea Herald.
![]() |
Trường Yeomyung là một trong những cơ sở hiếm hoi hồi sinh mặt bằng trường học cũ bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Korea Herald. |
Tìm cách hồi sinh trường bỏ hoang
Tuy nhiên, không phải tất cả trường học bị đóng cửa đều rơi vào quên lãng. Một số nơi đang bước vào chương mới với sứ mệnh giáo dục đặc biệt.
Ví dụ, trường Tiểu học Yeomgang - đóng cửa vào tháng 3/2020, từng bị bỏ không trong thời gian dài - nay trở thành cơ sở mới của trường Yeomyung - trường đầu tiên được Hàn Quốc công nhận dành cho thanh, thiếu niên đến từ Triều Tiên.
Được thành lập vào năm 2004 bởi các nhóm tôn giáo và tổ chức xã hội, trường Yeomyung cung cấp chương trình đào tạo cho những thanh niên vượt biên và tái định cư tại Hàn Quốc. Hiện tại, 16 giáo viên của trường đang giảng dạy cho 84 học sinh trong độ tuổi từ 14-33.
Từ tháng 8/2023, trường Yeomyung đã thuê hai tầng đầu của tòa nhà trường Tiểu học Yeomgang để hoạt động. Đây là trường hợp duy nhất tại Seoul, một trường học bị đóng cửa được chuyển đổi thành cơ sở giáo dục khác.
Nói thêm về việc thuê mặt bằng trường khác, bà Cho Myung-sook, Hiệu trưởng trường Yeomyung, cho rằng trường học không chỉ là nơi học chữ, mà còn là không gian an toàn, giúp các học sinh - những người chưa từng được đi học - dễ dàng hòa nhập hơn với xã hội Hàn Quốc.
Nữ hiệu trưởng nói thêm rằng so với cơ sở cũ chật hẹp ở Myeong-dong, cơ sở mới với sân chơi và không gian ngoài trời đã tạo sự thay đổi tích cực trong tâm lý học sinh.
“Từ khi được chơi ngoài trời, tôi thấy các em ít mâu thuẫn hơn, tâm lý cũng ổn định hơn. Có sân chơi khiến các em cảm thấy nơi này thực sự là 'trường học' của mình, điều đó thúc đẩy các em học tập tốt hơn", bà Cho chia sẻ.
Ngoài ra, hiệu trưởng tin rằng việc sử dụng lại các trường học bỏ hoang làm nơi học tập cho học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số hoặc có hoàn cảnh đặc biệt sẽ góp phần thúc đẩy sự hòa nhập xã hội.
“Xã hội chúng ta có rất nhiều nhóm người khác nhau, ta không thể chọn ai sẽ là hàng xóm của mình. Giáo dục là cầu nối để mọi người thấu hiểu và đồng cảm. Khi những ngôi trường bị lãng quên trở thành nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau, đó mới là ý nghĩa thực sự của giáo dục", hiệu trưởng nói.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.