Phương pháp giáo dục được xem là lợi thế nổi bật giúp trường quốc tế nhận được sự ưu ái của các bậc phụ huynh, bên cạnh thế mạnh về cơ sở vật chất, bằng cấp quốc tế hay đội ngũ giáo viên nước ngoài giàu kinh nghiệm.
Môi trường giáo dục hướng tới sự khác biệt
Theo Hiệp hội Quốc gia về Giáo dục Trẻ em (Mỹ), mỗi trẻ em là một tính cách và trình độ không đồng nhất như người lớn, nên việc thiết kế chương trình học cần sự thấu hiểu và tính toán phù hợp từng cá nhân. Bám sát nguyên tắc này, đa số trường quốc tế lựa chọn giảng dạy theo phương pháp cá nhân hóa, lấy học sinh làm trung tâm và tôn trọng sự khác biệt của từng cá thể.
Trường quốc tế cá nhân hóa việc giảng dạy để phù hợp khả năng, kiến thức và sở thích của từng học sinh. |
Cụ thể, học sinh trường quốc tế thường không phải học chung giáo trình cố định. Thay vào đó, giáo viên phụ trách lớp có quá trình tiếp cận, tìm hiểu, từ đó đưa ra giáo án phù hợp sở thích, khả năng riêng biệt của từng em.
Ngoài những môn học như Toán, Tập đọc, Ngoại ngữ, thời gian còn lại học sinh được tự do lựa chọn những môn học yêu thích như môn thể thao (bóng rổ, bóng đá, bơi lội) hay các môn thiên về nghệ thuật (âm nhạc, hội họa)…
Là phụ huynh của một học sinh lớp 4 tại trường quốc tế ở TP Thủ Đức (TP.HCM), chị Nguyễn Thùy Anh chia sẻ: “Điều tôi hài lòng là thời gian biểu ở trường của con được sắp xếp hợp lý. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 15h bé được tan học, sau giờ học bé có thời gian vui chơi, sinh hoạt với gia đình chứ không phải vùi đầu làm bài tập về nhà hay đi học thêm như nhiều bạn khác. Ngoài ra, nhờ ở trường, con tôi có nhiều giờ học môn năng khiếu. Vì vậy từ năm con 7 tuổi, gia đình đã phát hiện bé có niềm yêu thích đặc biệt với piano”.
Còn anh Lê Phương Huy (quận Tân Bình, TP.HCM) lại cho rằng việc mỗi lớp học không quá 15 em như ở trường quốc tế con anh theo học giúp bé được hỗ trợ tối đa.
“Thầy cô luôn theo sát con tôi trong mọi hoạt động, bất kỳ khi nào cháu không hiểu bài hoặc gặp vấn đề gì liên quan đến sức khỏe, tâm lý, nhà trường sẽ thông báo ngay với gia đình và đưa ra phương án cụ thể để giúp đỡ cháu. Chỉ mới học ở trường một năm nhưng con tự tin hơn, có ý thức tự lập trong sinh hoạt hàng ngày, ăn uống, tắm rửa, sắp xếp tủ quần áo, góc học tập ngăn nắp mà không cần ai nhắc nhở”.
Những lớp học thú vị
Khi hai học sinh tìm thấy một con sâu bướm trong sân trường, hai học sinh khác lại cho rằng đó là sâu hoặc rắn. Thay vì nói rõ với học sinh đây là sinh vật gì, cô Lanie Nacario - giáo viên khối Mầm non trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP) ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - lại khuyến khích học sinh mang nó về lớp học.
Ngày hôm sau, khi có đông đủ thành viên trong lớp, cô cùng học sinh bắt đầu quan sát, đọc sách nói về sâu bướm, sâu và rắn để tìm ra điểm khác biệt. Cuối cùng, cô để học sinh mô tả lại hình dạng sâu bướm bằng nhiều cách khác nhau như vẽ tranh, diễn đạt bằng lời nói hoặc mô phỏng hành động của con vật bằng ngôn ngữ hình thể.
Học sinh trường ISSP học cách trồng và thu hoạch lúa như nông dân thực thụ. |
Cũng ở trường ISSP, nội dung môn học của học sinh tiểu học không bị gói gọn trong không gian 4 bức tường. Các em được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, một trong số đó là trồng và thu hoạch lúa cho học sinh lớp 3, 4 và 5 ở Tà Lài. Với thành phẩm thu hoạch, các em được trường hỗ trợ đem đến trao tặng cho trẻ em cơ nhỡ thuộc một tổ chức phi chính phủ.
Các tiết học kích thích sự sáng tạo, giúp các em phát triển kỹ năng mềm. |
Không cung cấp kiến thức một cách cứng nhắc, hai ví dụ trên là dẫn chứng cho những tiết học thú vị đang được áp dụng ở nhiều trường quốc tế theo đuổi định hướng giáo dục hiện đại. Nội dung bài học có thể là bất kỳ điều gì, lớp học có thể diễn ra ở bất kỳ đâu. Những lớp học trực quan, sinh động, đề cao tính thực tiễn như vậy luôn có sức hấp dẫn nhất định với học sinh, nhất là trẻ ở độ tuổi tò mò về thế giới xung quanh như mầm non và tiểu học.
Những tiết học sáng tạo không chỉ cung cấp cho học sinh trường quốc tế những kiến thức cơ bản về đời sống, mà quan trọng hơn, các em được tạo điều kiện phát triển cả về kỹ năng mềm: Kỹ năng trình bày quan điểm cá nhân, làm việc nhóm, giao tiếp ứng xử lẫn phát triển về khía cạnh cảm xúc xã hội như tình yêu thương, lòng nhân ái…
Bình luận