Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truy vết dòng tiền, bắt đối tượng trong tổ chức lừa đảo

Công an Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết sau hơn 1 tháng xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đơn vị bắt giữ Nguyễn Tấn Thường (29 tuổi, trú Phú Yên).

Đầu tháng 10/2024, Công an quận Liên Chiểu tiếp nhận tin báo của chị Trương Thị N (38 tuổi, quê ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, chỗ ở tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) về việc lúc 9h ngày 2/10, chị N nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0836943676 tự xưng là trực ban Công an xã Hiền Ninh. Người này thông báo nội dung việc 2 người cháu của chị N chưa làm căn cước công dân, yêu cầu phải làm gấp. Đối tượng nói “Lát nữa sẽ có anh Nam, công tác tại Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình liên hệ để hướng dẫn làm”.

Cùng ngày, chị N nhận được cuộc gọi từ số 0967971436, tự xưng là “Nam - Công an huyện Quảng Ninh” yêu cầu chị N bổ sung các thông tin làm căn cước công dân cho 2 cháu.

Ngan hang Bac A,  Bac A Bank,  To chuc lua dao anh 1

Đối tượng Nguyễn Tấn Thường.

Người này đề nghị chị vào một trang web rồi thực hiện theo hướng dẫn. Chị N sau đó làm theo bằng cách nhập các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và nhận diện khuôn mặt… Một lúc sau, chị N phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị trừ lần lượt tổng số tiền hơn 38,9 triệu đồng. Tất cả số tiền trên được chuyển đến số tài khoản 061810876 Ngân hàng VIB, mang tên Nguyễn Tấn Thường (29 tuổi, trú phường An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Nhận thấy đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hết sức tinh vi và chiếm đoạt số tiền lớn, Công an quận Liên Chiểu đã xác lập chuyên án, giao cho Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy chủ công điều tra.

Bất ngờ về hành tung thủ phạm

Tiến hành xác minh thông tin chủ tài khoản ngân hàng đã nhận tiền từ chị N, cơ quan Công an nắm được nhân thân, lai lịch của Nguyễn Tấn Thường. Đáng chú ý, Thường là đối tượng thường xuyên qua lại Campuchia với nhiều nghi vấn.

Giữa tháng 12/2024, khi thông tin Thường và nhóm đối tượng người Việt Nam bị cơ quan chức năng Campuchia phát hiện và trục xuất về nước, Công an quận Liên Chiểu đã cử tổ công tác trực tiếp vào cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) đón lõng và mời đối tượng về làm việc.

Tại Công an quận Liên Chiểu, bước đầu Thường khai nhận khoảng tháng 4/2024, thông qua một người đàn ông (không rõ lai lịch cụ thể) và được người này rủ sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch để làm việc. Đến Campuchia, Thường được chủ cơ sở là người nước ngoài giao nhiệm vụ đứng ra đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận nguồn tiền có được từ hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó chuyển sang các tài khoản ngân hàng khác.

Mỗi số tài khoản khi nhận được tiền, Thường sẽ được trả hoa hồng 8 triệu đồng. Riêng nhiệm vụ giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ giao cho nhóm khoảng 70-80 người Việt Nam cũng đang làm việc trong cơ sở này.

Ngan hang Bac A,  Bac A Bank,  To chuc lua dao anh 2

Đối tượng Nguyễn Tấn Thường khai nhận hành vi lừa đảo tại cơ quan công an.

Đối tượng này còn khai nhận Thường đã mở tổng cộng 20 số tài khoản của các ngân hàng khác nhau và nâng hạn mức của các tài khoản lên tối thiểu 3 tỷ đồng để phục vụ cho việc nhận tiền chiếm đoạt tài sản. Trong số 20 tài khoản ngân hàng, Thường khai nhận đã sử dụng 7 tài khoản để phục vụ cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an xác định từ ngày 29/9/2024 đến ngày 9/10/2024, Thường đã nhận được số tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng khoảng 6,4 tỷ đồng. Tất cả số tiền trên, Thường đã chuyển vào nhiều tài khoản khác nhau ngay sau khi nhận tiền. Trong đó, vào ngày 2/10/2024, tài khoản ngân hàng này nhận tổng số tiền là hơn 38,9 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng Bắc Á của chị Trương Thị N.

Cơ quan điều tra đang tiếp tục truy vết dòng tiền đối với các số tài khoản còn lại của Nguyễn Tấn Thường, đồng thời, điều tra mở rộng chuyên án.

Sách về Pháp luật

Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.

https://tienphong.vn/truy-vet-dong-tien-bat-doi-tuong-trong-to-chuc-lua-dao-chuyen-gia-danh-cong-an-post1701668.tpo

Nguyễn Thành/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm