Năm 2020, đoàn Việt Nam "văng" khỏi top 10, xếp thứ 17 tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO). Trước đó, năm 2017, đội tuyển Olympic Toán Việt Nam xếp vị trí thứ ba. Năm 2018, chúng ta xếp thứ 20. Năm 2019, thành tích này được cải thiện, đoàn Việt Nam xếp thứ 7.
Nhiều người đặt câu hỏi về thành tích không đều qua các năm của đội tuyển Olympic Toán.
PGS Lê Anh Vinh (ngoài cùng bên trái) và TS Lê Bá Khánh Trình (ngoài cùng bên phải) cùng 6 thành viên đội tuyển năm nay. Ảnh: MOET. |
Thành tích không đều
Nhận xét về thành tích năm nay của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam, TS Lê Bá Khánh Trình, Phó trưởng đoàn phụ trách đội tuyển Olympic Toán Việt Nam, cho biết nếu xét thành tích từ xưa đến nay của đội tuyển, ông chưa thấy hài lòng.
"Đúng là thực lực của đội tuyển năm nay khá mạnh. Chuyện thi cử có rất nhiều yếu tố, tôi cũng chưa thể lý giải được vì sao thành tích năm nay thấp hơn các năm. Có thể, một số em không đạt được phong độ tốt nhất trong những ngày thi hoặc gặp vấn đề tâm lý", thầy Trình nhận định.
Phó đoàn Olympic Toán quốc tế của Việt Nam cho biết thầy giáo bồi dưỡng cho đội tuyển luôn muốn phát huy tốt nhất năng lực của mỗi thí sinh.
Có thể, một số em không đạt được phong độ tốt nhất trong những ngày thi hoặc gặp vấn đề tâm lý.
TS Lê Bá Khánh Trình
"Có thể là với vai trò phụ trách đoàn, chúng tôi đã chưa làm hết sức mình, không xem xét hết tình huống nên học trò không đạt được phong độ tốt nhất. Tôi không suy nghĩ nhiều về kết quả, chỉ nghĩ có phải mình chưa giúp được học trò phát huy hết năng lực trong 2 ngày thi", TS Trình tâm sự.
Mặt khác, theo ông, thí sinh thường làm bài tốt khi cảm nhận được không khí, khí thế của cuộc thi, sự cạnh tranh giữa các nước. Năm nay, cuộc thi được tổ chức online, thí sinh sẽ giảm đi mức độ hưng phấn khi làm bài.
Một vài năm gần đây, TS Lê Bá Khánh Trình nhận thấy thành tích của đội tuyển Việt Nam tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế đi theo quy luật năm chẵn, năm lẻ.
"Nhiều năm dẫn đoàn, tôi để ý cứ năm chẵn thì kết quả lại không tốt, năm lẻ thành tích lại tốt hơn. Như thành tích năm 2016 (xếp 11 toàn đoàn), năm 2018 (xếp 20) và năm 2020 (xếp 17). Trong khi các năm 2015, 2017, 2019, chúng ta đều nằm trong top 10. Thành tích của chúng ta không đều", Phó trưởng đoàn nhận định.
Mặc dù đây chỉ là nhìn nhận về mặt cá nhân, TS Trình cho biết ông sẽ đưa ra phân tích, bàn bạc cùng những người phụ trách công tác bồi dưỡng đội tuyển Toán.
Nói về 2 thí sinh đoạt huy chương vàng năm nay, TS Trình chia sẻ Ngô Quý Đăng đi thi với tinh thần rất vô tư, ngây thơ. Có lẽ vì không có nhiều áp lực tâm lý, Quý Đăng đã thể hiện tốt.
"Quý Đăng rất thông minh, nhất là những bài toán mà không cần quá nhiều kiến thức, em làm rất tốt. Trương Tuấn Nghĩa là một bạn trầm, nghiêm túc, chín chắn, phong độ ổn định, tinh thần vững", thầy Trình nhận xét.
Ông cho rằng ở nước ta, trường hợp của Ngô Quý Đăng tham gia thi Olympic từ năm lớp 10 là hiếm. Nhưng với nhiều nước, thí sinh đã đi thi từ lớp 9, 10. Những em này thường đóng góp rất nhiều cho đội tuyển và phong trào học sinh giỏi Toán. Ngô Quý Đăng cũng được hy vọng là trường hợp như vậy.
Phòng thi Olympic Toán quốc tế 2020 của đội tuyển Việt Nam tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: PGS Lê Anh Vinh. |
Coi thi chính học trò mình cũng "rất khổ"
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, Olympic Toán quốc tế năm 2020 được tổ chức theo cách đặc biệt nhất trong lịch sử kỳ thi - thí sinh thi online ngay tại quê nhà của mình.
PGS Lê Anh Vinh, TS Lê Bá Khánh Trình tiếp tục giữ nhiệm vụ trưởng đoàn và phó đoàn phụ trách đội tuyển. Cùng một số thành viên khác của đoàn Việt Nam, TS Lê Bá Khánh Trình - người từng được mệnh danh là "cậu bé vàng của Toán học Việt Nam" - có nhiệm vụ gác thi.
"Nhiều năm dẫn đoàn thi quốc tế, đây là lần đầu tiên tôi được phân công gác thi. Mọi năm đến giờ thi, tôi chỉ được đứng ở ngoài mà hồi hộp, trông mong. Năm nay, tôi được quan sát quá trình làm bài của các em ở cự ly gần. Đây là cơ hội hiếm có", thầy Trình chia sẻ.
Dù vậy, thầy giáo này cho biết việc gác thi đối với chính học trò của mình cũng "rất khổ".
"Vừa là người dẫn đoàn lại vừa coi thi, cảm giác rất khó tả. Tôi cố gắng giữ mình hết sức vô tư, dù rất nóng lòng. Thấy các em cau có, vò đầu bứt tai, uống nước hay đi ra đi vào là tôi cũng thót tim. Những lúc đấy, tôi nghĩ bụng, không biết các em có vấn đề gì, phát huy ổn không. Hai ngày thi, mỗi ngày 4,5 giờ, tôi rất sốt ruột", TS Trình kể.
Phó trưởng đoàn IMO Việt Nam cho biết phòng thi được bố trí chỗ ngồi, 2 camera, theo yêu cầu của ban tổ chức. TS Lê Anh Vinh chịu trách nhiệm giữ liên lạc với ban tổ chức. TS Lê Bá Khánh Trình và một thành viên khác của đoàn cùng quan sát viên người Nga chịu trách nhiệm coi thi.
Theo quy định, trước thời gian thi 3 giờ, nước chủ nhà Nga gửi đề về cho trưởng đoàn để dịch. Trưởng đoàn phải dịch đề dưới sự giám sát của người nước ngoài. Dịch xong, trưởng đoàn đăng đề lên trang web của ban tổ chức.
Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2020, đoàn Việt Nam giành được 2 huy chương vàng, một huy chương bạc, 2 huy chương đồng và một bằng khen. Huy chương vàng thuộc về Trương Tuấn Nghĩa và Ngô Quý Đăng, cùng là học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đoạt huy chương vàng. Trong đó, Quý Đăng còn là học sinh lớp 10.
Nguyễn Mạc Nam Trung, học sinh lớp 12, trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), giành huy chương bạc.
Chu Thị Thanh, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và Trần Nhật Minh, học sinh lớp 12, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cùng giành huy chương đồng.
Đinh Vũ Tùng Lâm, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận được bằng khen của ban tổ chức.
Năm nay, Trung Quốc đứng thứ nhất toàn đoàn, tiếp sau là Nga và đứng thứ ba là Mỹ. Việt Nam xếp thứ 17 toàn đoàn.