Không ít trường hợp sinh viên lên mạng xã hội tâm sự, kêu ca vì những người bạn cùng phòng. Sự khác nhau về phong cách sống, những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày khiến không ít người mất bạn sau khi ở chung phòng trọ.
Bạn cùng phòng nghiện Facebook, mang người yêu về ngủ qua đêm, ở bẩn… là những nguyên nhân khiến cả hai có thể "trở mặt" sau một thời gian sống chung.
Bạn cùng phòng ở bẩn, bừa bãi là nguyên nhân gây "chiến tranh", mất bạn. Ảnh: Hàn Triệt. |
Bạn cùng phòng là 'thánh lười', bẩn
“Mỗi lần đi làm về, mình lại phát điên khi nhìn cảnh tượng quần áo bừa bộn trên giường, bát đũa ăn xong không rửa, để kiến bò. Mình không hiểu sao đã nhắc nhở nhiều lần nhưng bạn cùng phòng vẫn không thay đổi được”, Mai Lan (24 tuổi, Hà Nam) phàn nàn khi được hỏi về bạn ở chung phòng.
Lan ở chung với người bạn cùng tuổi mới quen được khoảng 3 tháng. Sau đó, cô phải dọn đi vì bạn cùng nhà ở quá bẩn, không thể chịu được.
Nhiều câu chuyện phàn nàn vì bạn cùng phòng ở quá bẩn. |
Mỗi lần đi làm về, Lan lại phải lao vào dọn dẹp, trong khi chỉ muốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi.
“Đầu tiên, mình còn nhắc lịch sự, sau đó bạn ấy vẫn không thay đổi đành nặng lời nên xảy ra xích mích. Mình phải chuyển phòng gấp vì không chịu nổi”, cô gái này chia sẻ thêm.
Câu chuyện của Mai Lan không hề hiếm gặp. Thậm chí, nhiều người chơi với nhau từ bé cũng “quay lưng” chỉ vì những vấn đề vệ sinh khi chung sống.
Thanh Mai (sinh viên năm thứ hai, Đại học Hà Nội) chia sẻ câu chuyện cô và bạn “chí cốt” không nói chuyện trong 3 tháng vì xích mích khi ở chung phòng.
Theo nữ sinh viên, cô và bạn cùng tuổi khá hợp nhau về tính cách. Thế nhưng khi ở chung, nhiều vấn đề bắt đầu nảy sinh, nhất là tính lười của bạn chung phòng.
“Từ ngày ở cùng, mình thấy bạn ấy không bao giờ cầm cái chổi quét nhà hay cọ rửa bồn vệ sinh. Bạn mình chỉ biết sạch sẽ bản thân còn mọi thứ khác như vô hình vậy”, Thanh Mai nói.
Nữ sinh viên kể thêm có lần ăn cơm xong, cô ấy cầm bát của mình đi rửa, còn những thứ khác cứ để nguyên bừa bộn trong phòng. Cô không chịu được sự lười biếng và tính ích kỷ đó nên đã cãi nhau một trận rồi “đường ai nấy đi”.
Quần áo mặc xong lại nhét vào tủ mặc đi mặc lại, bát đũa ăn cả tuần không rửa, bốc mùi khó chịu, thói quen vứt rác ngay dưới chân… là những tình huống oái oăm, bi hài mà không ít bạn sinh viên kêu ca vì bạn cùng phòng.
“Nhắc nhở nhẹ nhàng không được mà mình cũng không thể dọn dẹp mãi nên đành ra ở riêng cho thoải mái”, một sinh viên khác bày tỏ.
Sạch sẽ thái quá thành vô duyên
Nhiều sinh viên kêu ca bạn cùng phòng ở bẩn, thế nhưng, có những người còn phàn nàn việc bạn cùng phòng ở quá sạch và kỹ tính. Đó cũng là nguyên nhân khiến họ tranh cãi đến mức không thể ở chung được với nhau.
Khi bạn cùng phòng ở quá sạch cũng là vấn đề. |
Trên trang Confession của một trường đại học tại Hà Nội, sinh viên lên tiếng kể chuyện "không chịu nổi vì bạn cùng phòng quá sạch".
"Cứ mỗi 2 tuần là nó tổng dọn vệ sinh, sạch sẽ từ cái chén, bát đến quạt, bàn học, máy tính. Ác liệt hơn, hôm về Tết, nó rửa chén bát, giặt chăn gối xong đóng bao. Mình hỏi làm gì, nó bảo 'cho khỏi bụi'. Kinh hoàng nhất là chén bát đựng đồ sống nó để một bên, đựng đồ ăn chín để riêng, mình để nhầm hai loại là xong phim", chàng trai này viết trên mạng xã hội.
Chưa hết, vẫn theo nam sinh, cứ 11h, điện phòng phải tắt để đi ngủ. Nếu làm sai nguyên tắc, cả hai lại có “chiến tranh”.
Chàng trai trong chuyện than vãn: “Có hôm đi làm về, ăn xong chỉ muốn nằm nghỉ một lát rồi đi rửa bát cũng không được. Bạn ấy còn bắt qua hai lần nước rửa rồi mới tráng nước”.
Đỉnh điểm khiến người bạn này không thể chịu nổi là khi một lần bạn gái đến phòng chơi, ở lại ăn cơm. Trước khi ăn, bạn cùng phòng nói: “Bạn đi rửa tay rồi hãy ăn cơm” làm bạn gái ngượng ngùng, giận người yêu.
Minh Đạt (sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội) cũng chia sẻ từng ở cùng bạn mắc "bệnh" sạch quá mức.
“Bạn mình đi hẹn hò còn phải mang theo đũa và thìa khi ăn ở ngoài. Mình ở cùng còn thông cảm được chứ với người lạ, sự sạch sẽ, kỹ tính như vậy trở thành vô duyên”, nam sinh viên nói.
Vấn đề vệ sinh chung khi ở cùng nhau rất quan trọng. Mỗi người có thói quen riêng, nhưng khi đã chấp nhận sống chung với người khác thì cũng nên có sự nhường nhịn, thay đổi và tôn trọng để phù hợp cách sống của nhau.
Để tránh hậu quả đáng tiếc, thậm chí không thể làm bạn sau thời gian ở chung, cả hai nên thiết lập ranh giới rõ ràng với bạn cùng phòng để cùng đưa ra nguyên tắc và lịch phân công dọn dẹp, vệ sinh.
Sinh viên cũng nên thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ, góp ý chứ đừng “bằng mặt không bằng lòng” để cả hai có thể chan hòa sống với nhau lâu dài.