Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ cô gái nghèo đến giáo sư truyền cảm hứng

Từ một cô gái Tây Ninh nghèo khó, Cao Thảo Quyên đã nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân để trở thành giáo sư nghiên cứu tại Hàn Quốc ở tuổi 32.

Cao Thảo Quyên trong phòng thí nghiệm đầy kỷ niệm với cô. Ảnh: Tiền Phong.

Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, suốt 4 năm đại học, bố mẹ Cao Thảo Quyên phải vay tiền tín dụng sinh viên để nộp học phí, đến khi ra trường vẫn còn nợ.

Vì thế, ngay khi tốt nghiệp khoa Hoá, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), Quyên đã nhanh chóng tìm việc làm để có thu nhập đỡ đần bố mẹ trả nợ, nuôi em ăn học.

Vượt qua thử thách

Quyên đi làm được hơn một tháng, nghe tin có GS Min Byung Sun thuộc ĐH Công giáo Daegu, Hàn Quốc, sang Việt Nam tuyển cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Quyên làm hồ sơ thử sức và bất ngờ trúng tuyển.

“Lúc đó, tôi có nhiều cảm xúc hỗn độn lắm, mừng ít, lo nhiều, vì sợ mình đi học rồi bố mẹ thêm gánh nặng nợ nần, vất vả”, Quyên chia sẻ.

Sau nhiều đắn đo, với sự động viên, khích lệ của thầy cô, bạn bè, Quyên quyết định du học tại Đại học Công giáo Daegu. Tuy nhiên, do trục trặc về thủ tục visa, lớp học mới ở Hàn Quốc đã diễn ra hơn một tháng nhưng cô vẫn chưa thể sang được.

Vì sự chậm trễ này, sợ cô không thể theo lớp được, GS Min Byung Sun có ý định hủy kết quả, không nhận Quyên sang học nữa. Còn 2 ngày nữa là thi giữa kỳ, Quyên mới bay sang nhập học.

Chân ướt chân ráo chưa kịp làm quen môi trường mới, cô đã lao vào học không kể ngày đêm, với từng chồng đề cương ôn, học cấp tốc. Để theo kịp bạn bè trong lớp, ngoài học trên trường, cô chủ động lên thư viện học, lên mạng đọc thêm tài liệu, đến phòng nghiên cứu.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ đó, cô gái nhỏ bé đến từ đất nước Việt Nam khiến bạn bè, thầy cô vô cùng ngạc nhiên khi nhanh chóng bắt kịp kiến thức và kết quả thi các môn đều điểm tốt.

Và sau 1,5 năm, Quyên đã có bài báo nghiên cứu đầu tiên đăng trên tạp chí uy tín quốc tế SCI, với thứ hạng cao. Kết quả đó được đánh đổi bằng những ngày chôn chân, thậm chí ngủ qua đêm tại phòng thí nghiệm.

Quyên theo đuổi mảng nghiên cứu tìm các hợp chất hữu cơ từ dược liệu và thử nghiệm trên tế bào tìm hoạt tính sinh học có khả năng chữa được bệnh hay có gây độc cho tế bào bình thường không.

Nghiên cứu của cô phải làm thí nghiệm cả mảng hoá học và sinh học, trong khi giáo sư hướng dẫn chỉ có dược liệu, không có chuyên môn về sinh học. Trong phòng thí nghiệm chưa từng có ai nghiên cứu theo hướng này.

Một lần nữa, Cao Thảo Quyên phải vượt lên chính mình, tự mày mò học, nghiên cứu. Có những thí nghiệm làm trong 8-10 giờ đồng hồ nhưng vẫn không ra kết quả, bị hỏng phải làm lại. Có những thí nghiệm làm đi làm lại xuyên ngày, xuyên đêm.

“Nhiều hôm, tôi căng thẳng, mệt mỏi quá, đạp xe từ trường về nhà khóc như mưa. Khóc xong, lau nước mắt rồi lại lao vào học. Tôi chưa một lần có ý định bỏ cuộc, cũng chưa than vãn với bất kỳ ai, mà luôn tự nhủ mình phải cố lên”, Quyên chia sẻ.

Xuất phát muộn, nhưng với hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ ở xứ sở kim chi, Cao Thảo Quyên đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt với việc sở hữu hàng chục bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế về dược học.

Năm 2019, Quyên tốt nghiệp tiến sĩ ngành Dược học tại Hàn Quốc, khi tròn 28 tuổi và trở thành giáo sư nghiên cứu năm 32 tuổi. Hiện, Quyên là giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm đặc biệt, ĐH Quốc gia Kyungpook, TP Daegu, Hàn Quốc. Đây là một trong những ngôi trường danh giá và có uy tín nhất tại Hàn Quốc.

Tiếp sức, truyền cảm hứng cho sinh viên nghèo

Dù bận rộn công việc chuyên môn nhưng Thảo Quyên luôn hướng về quê hương với những hoạt động đồng hành, tiếp sức sinh viên. Hiện, Quyên còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Ban điều hành Quỹ học bổng đồng hành Korea. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích học sinh, sinh viên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập, để thực hiện ước mơ, khát vọng của mình.

Quyên kể bản thân từng trải qua giai đoạn gian khó khăn nên rất thấm thía nỗi vất vả của sinh viên nghèo. Vì thế, từ năm 2017, Quyên cùng một số bạn trẻ Việt ở nước ngoài thành lập Quỹ học bổng đồng hành Korea tại Hàn Quốc để cấp học bổng cho sinh viên năm nhất, năm 2 ở Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn quỹ được huy động xã hội hoá qua nhiều kênh khác nhau.

“Các bạn sinh viên năm nhất, năm 2 còn nhiều bỡ ngỡ và thiếu định hướng. Nếu không được sự hỗ trợ kịp thời, khi gặp khó khăn, các bạn dễ buông xuôi, bỏ cuộc, dang dở ước mơ tới trường”, Quyên chia sẻ.

Cao Thao Quyen anh 1

Cao Thảo Quyên (thứ 2, từ phải qua) cùng các đồng nghiệp tại Hàn Quốc. Ảnh: Tiền Phong.

Từ hành trình nỗ lực của mình, qua mỗi lần trao đổi với sinh viên, cô luôn truyền cảm hứng cho các bạn vượt qua nghịch cảnh, vượt qua giới hạn bản thân.

Những sinh viên nhận học bổng của quỹ đều có hoàn cảnh rất éo le. Để đưa ra quyết định trao học bổng, ngoài đọc hồ sơ sinh viên, các thành viên ban điều hành quỹ đều tiến hành phỏng vấn trực tuyến 1-1 với các bạn để thấu hiểu hơn.

“Nhiều cuộc phỏng vấn trở thành buổi trút bầu tâm sự chất chứa của sinh viên về chuyện gia đình như cha bỏ rơi, mẹ ốm đau, bệnh tật, hay nỗi đau mồ côi, tủi hờn… Có bạn khóc suốt cả buổi, không nói lên lời vì mẹ đang nằm viện không có tiền điều trị. Những hình ảnh, câu chuyện đó khiến chúng tôi vô cùng day dứt và thêm động lực làm tốt hơn quỹ học bổng”, Quyên chia sẻ.

Bản thân Quyên và các thành viên ban điều hành không ít lần bỏ thêm tiền túi giúp các bạn sinh viên thêm tiền học, mua thuốc cho người điều trị bệnh. Như nam sinh Huỳnh Tấn H. (sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) học rất giỏi nhưng không may bị u não, quá hạn bảo lưu học tập để đi điều trị bệnh, Quyên đích thân liên hệ về trường xin bảo lưu tiếp giúp em yên tâm điều trị.

Cô cũng phá lệ quy định của quỹ là chỉ cấp học bổng 2 lần cho một sinh viên, để cấp học bổng lần thứ 3 cho em Huỳnh Tấn H. Đây là một trong những trường hợp khiến cô đau đáu, day dứt nhất.

Quyên đang tích cực kết nối với các đơn vị, đối tác và những bạn trẻ khác để mở rộng hoạt động của Quỹ học bổng đồng hành Korea nhằm tiếp sức thêm cho nhiều sinh viên thắp sáng ước mơ.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Đam mê robot, nam sinh chuyên Ams trúng tuyển trường Ivy League

Phạm Gia Nguyên - học sinh lớp 12 Lý 2, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - trúng tuyển Đại học Columbia, dự định theo đuổi ngành Kỹ thuật cơ khí.

https://tienphong.vn/tu-co-gai-ngheo-den-giao-su-truyen-cam-hung-post1737809.tpo

Lưu Trinh / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm