Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ người bốc xếp thành nhà sáng chế

Người dân ở xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) gọi Nguyễn Phú Văn là nhà sáng chế “chân đất”. Anh có nhiều sản phẩm tự làm rất hữu dụng với nhà nông.

Cách đây bốn năm, thấy gia đình phía vợ tốn nhiều chi phí cho việc tưới nước thanh long, Văn suy nghĩ và sáng chế hệ thống tưới mưa “3 trong 1”: Tưới dưới gốc, phun mưa trên cao và tưới nước phân kết hợp.

Ban đầu, Văn mua ống nhựa rồi mày mò nghiên cứu chế tạo. Để phun mưa dưới gốc, Văn chế tạo bét nút để nước từ ống có thể phun tủa ra nhiều hướng. Khi đưa hệ thống vào sử dụng, cùng một lúc phải tưới cho cả trăm trụ thanh long nên chỗ phun mạnh, chỗ phun yếu, vậy là Văn lại suy nghĩ tìm cách “hóa giải”.

Sau nhiều ngày thử nghiệm, Văn đã cho ra đời dụng cụ điều áp thủy lực. “Cái này rất đơn giản nhưng nếu không có nó thì không tài nào nước phun các gốc đều nhau được” - Văn nói.

Anh Nguyễn Phú Văn bên hệ thống phun mưa tại rẫy thanh long. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Lúc đầu, hệ thống sử dụng các ống nhựa được nối lại bởi các ống nối nhưng để tiết kiệm chi phí, Văn lại tiếp tục cải tiến bằng cách tự làm ra phương án uốn ống nhựa vuông, tròn theo ý muốn để bao quanh gốc trụ thanh long.

Sau một năm, hệ thống tưới mưa vận hành trơn tru, Văn bắt đầu áp dụng rộng rãi cho người trồng thanh long.

Nông dân Lê Văn Lượng - xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, người trồng 3.600 gốc thanh long, đang sử dụng hệ thống tưới mưa của Văn - cho hay, hệ thống giúp tiết kiệm tới 95% chi phí so với tưới thủ công.

“Hệ thống này rất tiện lợi. Nếu tưới 1 ha thanh long bằng công lao động thì tốn 500.000 đồng và tưới trong một ngày, nhưng nếu dùng hệ thống chỉ tốn 50.000 đồng tiền điện, tất nhiên phải bỏ ra số tiền đầu tư ban đầu” - ông Lượng nói.

Hệ thống phun mưa của anh không chỉ được các nông dân ở tỉnh Bình Thuận sử dụng mà còn lan tới những người trồng thanh long ở tỉnh Long An. Xưởng sản xuất các vật dụng để làm hệ thống phun mưa của Văn đang giải quyết việc làm cho 12 lao động với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Văn là con thứ ba trong một gia đình làm nông. Khi học lớp 9 thì mẹ qua đời, gia cảnh khó khăn, Văn nghỉ học và xuống cảng cá Phan Thiết làm bốc xếp, rồi chuyển sang buôn bán hải sản. Tích lũy được ít tiền, Văn mở quán cà phê ngay tại nhà ở quê để các em bán kiếm thêm thu nhập.

Sau khi lấy vợ, với số tiền tích góp, Văn mở một cửa hàng bán đồ điện - nước gia dụng, khách hàng chủ yếu là người trồng thanh long. Cũng chính từ đây, hàng loạt ý tưởng sáng chế đáp ứng nhu cầu người trồng thanh long ra đời.

Văn nghe nông dân than phiền họ hay chất bóng đèn vào rổ rồi bưng bê đến từng gốc thanh long lắp nên rất dễ bị vỡ. Văn suy nghĩ và chế tạo ra khay nhựa bảo vệ bóng đèn compact. Nhìn thấy bóng đèn chiếu sáng treo ngoài trời bị nước mưa rơi vào gây nổ, Văn lại làm ra đui đèn xẻ rãnh thoát nước.

Làm hệ thống tưới mưa “3 trong 1” tốn nhiều công sức đào đất để lắp ống, Văn lại chế tạo lưỡi đào gắn vào máy cày để đào cho nhanh và ít tốn công. Chứng kiến cảnh các em học sinh mỗi buổi tan trường phải dùng dây căng ngang quốc lộ phân làn đường, Văn lại lên ý tưởng chế tạo xe băng đường… Cứ sáng chế chồng sáng chế như thế.

“Ý tưởng nhiều, ai có tâm huyết là tôi chia sẻ. Nó xuất phát từ thực tế, phục vụ lợi ích nhiều người nên tôi không giữ nó cho riêng mình” - Văn vui vẻ nói.

Được cấp chứng nhận thanh niên tiên tiến

Sáng chế khay nhựa bảo vệ bóng đèn của Văn từng đoạt giải ba cấp tỉnh về sáng tạo khoa học kỹ thuật và đoạt giải nhất tuần 16 tại cuộc thi Nhà sáng chế do VTV tổ chức vào tháng 9-2014.

Với những sáng chế hữu ích giúp bà con nông dân thu lợi hàng trăm triệu đồng, năm 2015 anh Văn được Tỉnh đoàn Bình Thuận, Trung ương Đoàn cấp chứng nhận Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.  

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150607/tu-nguoi-boc-xep-thanh-nha-sang-che/758007.html

Theo Quang Phương/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm