Về cơ bản, du khách quốc tế đến Việt Nam đã không còn gặp vấn đề liên quan đến cách ly. Ngoài ra, công dân 13 quốc gia cũng được miễn thị thực trở lại dù thời gian còn khá ngắn (15 ngày). Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, đây cũng là tín hiệu khởi sắc sau thời gian dài chờ đợi.
Khách quốc tế trở lại
Chia sẻ với Zing, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, cho biết đã lập tức thông báo tới những đối tác nước ngoài ngay sau khi các chính sách mở cửa của Việt Nam được công bố rõ ràng.
Trong tháng 5 tới, một đoàn khách từ Australia sẽ tới Việt Nam. Trong chiều 17/3, ông cũng đã nhận thêm yêu cầu đặt hàng từ đoàn khách Tây Ban Nha với 15 người. Dự kiến, các đoàn từ châu Âu cũng sẽ sớm trở lại Việt Nam trong mùa hè này.
"Khu vực Đông Nam Á rất quan trọng trong đợt mở lại này vì dễ dàng kết nối thông qua đường hàng không, khoảng cách địa lý gần, hợp túi tiền. 600 triệu dân Đông Nam Á là một thị trường lớn giàu tiềm năng.
Chúng tôi cũng nhắm tới thị trường xa như châu Âu, Mỹ và Australia vì mùa du lịch của họ vào dịp hè ở Việt Nam. Về mục tiêu doanh thu, chúng tôi kỳ vọng đạt 50% so với trước 2019", ông Hà nói.
Khi được hỏi về phản ứng của các đối tác nước ngoài, nhiều doanh nghiệp cho biết thực ra họ cũng đã chuẩn bị từ trước. Bởi lẽ việc lên kế hoạch du lịch của khách quốc tế không "chớp nhoáng" như khách nội. Do đó, từ trước khi Chính phủ thông báo phương án khách quốc tế, họ gần như đã chuẩn bị xong mọi mặt về sản phẩm và chỉ chờ tung ra.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng cho những đoàn khách quốc tế trở lại. Ảnh: Phạm Hà. |
Trao đổi với phóng viên, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho biết động thái chính thức từ Chính phủ là điều đặc biệt quan trọng. Nhờ đó, các công ty lữ hành mới tự tin thông báo đến đối tác nước ngoài về việc tiếp thị, bán sản phẩm du lịch tại Việt Nam.
"Dựa trên tình hình tiêm vaccine, động thái mở cửa từ của Chính phủ, chúng tôi đã dự đoán được năm 2022 sẽ là thời điểm du lịch khởi sắc trở lại. Từ năm ngoái, chúng tôi đã triển khai các kế hoạch với đối tác nước ngoài.
Tôi nghĩ không công ty nào ngồi chờ tới 15/3 mới chuẩn bị bởi người làm kinh doanh phải có những dự đoán từ trước. Tuy nhiên, thông báo từ Chính phủ thực sự quan trọng. Bởi từ lúc này, chúng ta sẽ không phải chờ đợi thêm gì nữa", bà Trà chia sẻ.
Thay đổi để có lợi thế
Từ 17/3, Campuchia đã bỏ yêu cầu test nhanh, giấy xác nhận PCR âm tính cho khách quốc tế. Ngoài ra, họ còn cấp lại thị thực nhập cảnh sân bay. Nhìn chung, mọi thứ gần như trở lại bình thường so với trước dịch.
Khi đọc tin này, ông T., giám đốc một công ty inbound, nhận xét Việt Nam đang không có lợi thế cạnh tranh điểm đến với Campuchia, xét trên khía cạnh ảnh hưởng từ quy định phòng chống dịch.
Về vấn đề này, bà Trà cho biết các chính sách liên quan đến dịch bệnh khó phán đoán trước được. Thực tế, từ trước 16/3, doanh nghiệp du lịch vẫn than phiền vấn đề cách ly sẽ tạo ra bất lợi. Tuy nhiên, sau đó, mọi thứ đã được thay đổi.
Chính phủ đã tạo nhiều điều kiện tốt để du lịch trở lại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều về chất lượng để thực sự hút khách. Ảnh: Mr Viviant. |
"Khách du lịch quốc tế đa phần đến từ tháng 8 trở đi. Lúc đó, nếu tình hình yên ổn rồi, chúng ta lo gì việc không có chính sách thoáng hơn. Tôi nghĩ mỗi quy định do Chính phủ đưa ra cũng đều được xem xét trên tổng thể xã hội, không phải riêng ngành du lịch.
Ai cũng muốn nhanh chóng đón khách. Nhưng trước khi nhìn ra những vấn đề bên ngoài biên giới, chúng ta nên tập trung cải thiện hình ảnh, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, chất lượng. Sau 2 năm dịch, chất lượng dịch vụ cũng đâu còn như trước. Nhân sự cũng là vấn đề. Do đó, không phải Campuchia bỏ, mình cũng phải bỏ theo. Lợi thế thu hút đến từ nhiều mặt", bà Trà chia sẻ quan điểm.
Trong cuộc họp về phương án mở cửa du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Ngoại giao tổ chức, nhiều Đại sứ Việt Nam tại các nước nhấn mạnh xu hướng du lịch của khách quốc tế hiện đã thay đổi. Do đó, các doanh nghiệp cần phân tích, tìm hiểu lại để đưa ra những sản phẩm phù hợp.
Với kinh nghiệm phục vụ dòng khách châu Âu cao cấp trước dịch, ông Phạm Hà đồng tình với quan điểm đó. Ông cho biết Việt Nam cần làm mới mình, định vị lại thương hiệu theo hướng di sản và cao cấp, bền vững, thân thiện môi trường và đi theo nhóm nhỏ và thửa theo yêu cầu.
Ngoài ra, việc giải quyết các vấn đề dịch vụ, nhân sự như bà Trà chia sẻ cũng là điều quan trọng.
"Du lịch giờ đây là điểm đến, trải nghiệm, và ký ức. Chúng ta cần kết nối nhanh địa phương, nhà tàu, nhà xe, nhà tour, máy bay và thị trường mục tiêu, khôi phục nhanh chuỗi đứt gãy và phục hồi theo từng thị trường", ông Hà nói.