Không ngoài dự đoán, 3/4 sân vận động được phủ kín bởi màu đỏ của các cổ động viên Bayern Munich. Chơi trận chung kết quan trọng nhất của đời người trên sân khách đúng là một trải nghiệm khó quên.
Vì John Terry đã bị treo giò nên trọng trách của đội trưởng do Frank Lampard đảm nhận. Ngay sau tiếng còi khai cuộc, những đợt tấn công dồn dập của họ đã khiến chúng tôi phải lùi rất sâu để bảo toàn mành lưới.
Phòng thủ thì nhọc nhằn, phản công cũng chẳng khá hơn bởi các cầu thủ áo đỏ áp sát rất nhanh. Bayern Munich gần như không cho chúng tôi một chút khoảng không để có thể triển khai bóng.
Cho đến hiệp hai, tỷ số vẫn được bảo toàn 0-0. Đến giờ phút này thì đội nào mở tỷ số gần như sẽ nắm chắc chức vô địch.
So với hiệp một, ở hiệp thi đấu này chúng tôi đã cố gắng đẩy cao đội hình lên và tranh chấp quyết liệt hơn nhưng mọi thứ cũng không khả quan cho lắm. Thiếu vắng đội trưởng John Terry đã là một chuyện, đằng này cặp trung vệ David Luiz và Gary Cahill lại không đạt thể lực tốt nhất trước khi trận đấu diễn ra.
Ryan Bertrand là mắt xích yếu nhất trong đội hình Chelsea ở trận chung kết Champions League 2012.
|
Đáng lo hơn cả là hành lang cánh trái của Ryan Bertrand, một hậu vệ tuổi đời còn rất trẻ. Nhớ lại lúc cậu ấy biết mình sẽ được đá trận chung kết, Ryan đã đứng hình trong vòng hơn 10 phút khiến tôi phải ra vỗ mạnh vào vai để cậu ấy hoàn hồn.
“Mạnh mẽ lên nào Ryan, cậu nên ăn chút gì cho khỏe đi. Ngày mai sẽ phải căng sức ra mà chạy đấy”, tôi nói.
Phút thứ 83, bàn thắng đã tới với họ. Một pha đánh đầu không thể cản phá của Thomas Muller sau đường chuyền như đặt của Toni Kroos. Không quá đẹp mắt nhưng là đủ để đánh chìm tất cả.
Nếu Chelsea là đội mở tỷ số, tôi dám chắc mọi thứ sẽ chấm hết tại đây. Bởi vậy tôi cực kỳ lo sợ điều tương tự sẽ diễn ra ngay lúc này. Giấc mơ của tôi một lần nữa sẽ lại tan vỡ sao?
Tôi lẩm bẩm trong cơn hoảng loạn: “Không, không, không thể nào như vậy được”. Nhưng Juan Mata, người mới chỉ 24 tuổi đời đã bước đến bên cạnh tôi.
“Dừng lại đi Didier, anh không được như thế”, cậu ấy nói. “Anh phải có niềm tin, nhất định phải có niềm tin”.
Một lúc sau Fernando Torres được tung vào sân thay Salomon Kalou. Ba phút trước khi trận đấu kết thúc, cậu ấy mang về cho Chelsea một quả phạt góc và Juan Mata là người thực hiện.
Khu vực vòng cấm bị vây kín bởi hầu hết cầu thủ của cả hai đội. Tôi loáng thoáng nghe David Luiz nói với Bastian Schweinsteiger: “Cứ chống mắt lên mà nhìn bọn tôi ghi bàn đây này”.
Quả bóng treo ngược lên cao, tôi lặng lẽ di chuyển như một bóng ma bên trong khu vực cấm địa. Bỏ lại sau lưng những kẻ bám đuổi, tôi bật cao đánh đầu như cái cách mà người chú đáng kính đã dạy thuở nhỏ. Mọi thứ đều hoàn hảo. Vượt qua tầm với của Neuer, quả bóng nằm gọn trong cầu môn.
Drogba với pha đánh đầu định mệnh làm nên lịch sử của Chelsea. |
Chỉ vài tháng trước, tôi còn cầu xin Juan giúp tôi vô địch Champions League và giờ cậu ấy chính là người hùng của Chelsea.
Chạy dọc về phía đường biên, tôi trượt dài đầu gối trên thảm cỏ để ăn mừng cùng các cổ động viên đội nhà. Cảm giác như thể sắp ngất lịm đi trong niềm hạnh phúc tột độ.
Phải chăng bàn thắng này là món quà của Chúa? Phải chăng Người đã đáp lại tiếng gọi của tôi? Giơ cao hai bàn tay lên trời, tôi gào lên trong vô thức: “Chúa ơi, nếu Người có thật xin hãy xuất hiện trước mặt con đi”.
Quãng thời gian hiệp phụ thực sự là một cuộc hành xác. Cả đội đã quá mệt mỏi với việc phải chạy liên tục trong hai hiệp đấu chính.
Đôi chân này đã chẳng còn nghe lời tôi nữa. Nó bắt đầu lên cơn chuột rút, bởi vậy dù rất muốn hỗ trợ các đồng đội phòng ngự nhưng việc đó quả thật quá sức chịu đựng của cơ thể tôi.
Trong một pha xâm nhập vòng cấm của Ribery, tôi vô tình đá vào gót chân cậu ấy khi đang cố giành lại quả bóng. Penalty cho Bayern Munich.
Tôi như gục ngã. “Chúa ơi, Người đã làm gì thế này. Tại sao số phận luôn trớ trêu với tôi như thế chứ. Tôi đã biếu không cho Barcelona một quả penalty và giờ thì như thế này”.
Sẽ chẳng bao giờ tôi còn mặt mũi đặt chân tới London nếu họ ghi bàn và nâng cao chiếc cúp vô địch nhờ pha phòng thủ ngu ngốc của tôi.
Người bước lên chấm phạt đền là Arjen Robben, một người cũ của Chelsea, cậu bạn thân của tôi và Frank Lampard. Thấy vậy, chúng tôi lập tức chạy tới chỗ cậu ấy và chơi đòn tâm lý.
“Arjen, cậu là cầu thủ của Chelsea, cậu không thể làm điều này. Mà dù sao chăng nữa thì chúng tôi cũng thừa biết cậu sẽ sút hướng nào”.
Robben sút hỏng penalty vì dính bẫy tâm lý của những người bạn cũ. |
Chúng tôi thực sự là đã khiến cậu ấy bị rối trí. Cú sút đó quá yếu. Yếu hơn rất nhiều so với lúc bình thường. Điều này đã giúp Petr Cech có thể cản phá được quả phạt đền.
Trước trận đấu, tôi biết Cech đã cùng huấn luyện viên thủ môn chuẩn bị hàng trăm lần cho những tình huống kiểu này. Anh ấy có thể đoán được hướng mà cầu thủ đối phương sút bóng ngay từ bước lấy đà. Trong cái đêm điên rồ năm đó, bản lĩnh của Cech đã cứu rỗi chúng tôi.
Kết thúc thời gian hiệp phụ bất phân thắng bại, hai đội phải bước vào loạt penalty cân não. Dù đã phân công thứ tự trước khi trận đấu diễn ra nhưng tới lúc này chúng tôi vẫn lao vào những cuộc tranh cãi.
Cả đội đứng vòng quanh Robbie để giúp anh ấy lên danh sách. Với tôi thì chỉ có hai lựa chọn, một là đầu tiên còn không thì lượt cuối cùng.
- “Frank đá quả đầu”, tôi thông báo.
Nhưng Juan Mata lại nằng nặc đòi được đá trước. “Không được, để Frank đá trước, cậu có thể đá quả thứ hai hoặc thứ ba, sau đó…”.
- “Không, tôi phải đá quả đầu tiên”, cậu ấy khăng khăng ngắt lời tôi.
- "Thôi được rồi, cậu sẽ đá quả đầu".
Vậy là Frank Lampard được đẩy xuống đá ở lượt thứ ba. “Những người đá tốt sẽ theo thứ tự một, ba, năm. Nếu cậu có đá trượt quả thứ hai, sẽ có người thứ ba bù lại. Và khi có trượt quả thứ tư, người thứ năm sẽ gánh trách nhiệm đá lượt sinh tử cuối cùng”, tôi giải thích với cả đội.
Mọi thứ đã được sắp xếp ổn thỏa, chúng tôi nín thở chờ loạt penalty định mệnh bắt đầu.
Còn nữa