![]() |
Lauren Sánchez được cho là can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần. Ảnh: Blue Origin. |
Ngày 14/4, tàu New Shepard của công ty công nghệ không gian Blue Origin đã đưa 6 hành khách nữ, bao gồm Lauren Sánchez - vị hôn thê của tỷ phú Jeff Bezos, ca sĩ Katy Perry, phi hành gia gốc Việt Amanda Nguyễn và 3 phụ nữ khác vào không gian.
Chuyến du hành kéo dài 11 phút thu hút sự chú ý, đánh dấu lần đầu tiên một phi hành đoàn toàn nữ giới lên vũ trụ. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố giới và công nghệ, dư luận còn quan tâm đến diện mạo chỉn chu, trang điểm kỹ lưỡng của các thành viên trước giờ cất cánh.
Nhiều người đặt câu hỏi về sự cần thiết của chuyến đi tốn kém này. Mức độ nguy hiểm của việc đưa người được cho là từng phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần như Sánchez vào vũ trụ cũng được đề cập đến.
“Túi ngực, botox hay filler môi sẽ ra sao trong không gian?” là câu hỏi được quan tâm.
Căng thẳng, áp lực và nguy cơ dịch chuyển
Tiến sĩ Stanton Gerson, chuyên gia nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường vũ trụ đến tế bào người, cảnh báo quá trình phóng tàu với vận tốc khoảng 9.600 km/h có thể tạo ra áp lực lớn lên cơ thể.
Quá trình này gây ra lực cắt (shear stress), khiến các vật liệu cấy ghép trong cơ thể như túi ngực hay filler có nguy cơ dịch chuyển. Lo ngại trên có cơ sở khoa học rõ ràng.
![]() |
Túi ngực, botox và filler bị cho là có khả năng thay đổi khi bay vào không gian. Ảnh: @laurenwsanchez. |
Nghiên cứu năm 2013 của Đại học Yale (Mỹ) cho thấy phụ nữ có thể gặp cảm giác khó chịu ở vùng ngực khi bay với độ cao lớn, do khí tích tụ xung quanh túi ngực. Hiện tượng này được gọi là “peri-implant gas”. Tuy nhiên, các loại túi ngực hiện đại với chất gel liên kết và vỏ bọc chắc chắn ít bị ảnh hưởng bởi biến động áp suất hơn.
Các chuyên gia đưa ra ý kiến khác nhau về chủ đề này. Một số cho rằng trong môi trường không trọng lực, chất lỏng trong cơ thể có xu hướng dồn lên phần đầu, khiến gương mặt sưng nhẹ, filler và botox thay đổi.
Tuy vậy, bác sĩ thẩm mỹ Giselle Prado-Wright, Giám đốc Y khoa của Exert BodySculpt tại Florida (Mỹ), nhận định các chất làm đầy phổ biến như axit hyaluronic là dạng gel ổn định, đã tích hợp vào mô da nên không bị ảnh hưởng nhiều trong các chuyến bay ngắn.
Giselle Prado-Wright nhấn mạnh rằng không có lý do gì đáng lo ngại: “Các phi hành gia trước đây chưa từng ghi nhận thay đổi rõ rệt về cấu trúc gương mặt sau khi du hành”.
Du hành vũ trụ trong lớp trang điểm hoàn hảo
Trước chuyến bay, vị hôn thê của tỷ phú Jeff Bezos chia sẻ rằng cô sẽ dùng keo dán mi giả thật kỹ để lông mi không bay mất khi tàu phóng.
Katy Perry cũng từng nói với Elle: “Vũ trụ rồi sẽ trở nên quyến rũ. Nếu tôi có thể mang theo vẻ đẹp lên đó, tôi sẽ làm vậy”.
Tuy nhiên, sự chỉn chu của các hành khách nữ cũng nhận về nhiều chỉ trích. Diễn viên Olivia Munn, trong chương trình Today With Jenna and Friends, tỏ ra ngạc nhiên khi nghe toàn bộ phi hành đoàn đều trang điểm kỹ càng trước giờ bay.
“Họ làm thế thật sao?”, cô thốt lên. Munn cũng đặt câu hỏi rằng liệu chuyến đi có thật sự đóng góp cho tiến bộ khoa học và mang lại giá trị cho xã hội hay không.
![]() |
Chuyến bay 11 phút vào không gian của 6 hành khách nữ nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Blue Origin. |
Chuyến bay vào vũ trụ ngắn ngủi nhưng đầy thị phi này một lần nữa thổi bùng tranh luận về vai trò của du lịch không gian, đặc biệt khi gắn với yếu tố giải trí, hình ảnh cá nhân và phẫu thuật thẩm mỹ.
Song, nhiều ý kiến bênh vực cũng xuất hiện trên mạng xã hội. Một bộ phận công chúng cho rằng nếu nam giới bay vào không gian, vấn đề về sắc đẹp, vẻ ngoài sẽ không phải chủ đề gây tranh cãi. Đây là “tiêu chuẩn kép” đối với các hành khách nữ.
Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế sao
Cuốn sách Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế sao của Jess Connolly khuyến khích phụ nữ yêu cơ thể mình, từ bỏ áp lực phải thay đổi ngoại hình để phù hợp với tiêu chuẩn xã hội. Tác giả nhấn mạnh rằng vẻ đẹp thực sự không nằm ở sự hoàn hảo mà ở sự tự tin và hạnh phúc từ bên trong, đồng thời kêu gọi mọi người tập trung vào giá trị bản thân thay vì chạy theo những kỳ vọng ngoại hình áp đặt từ bên ngoài.