Quê bố mẹ Minh ở Quảng Trị, ông nội Minh là một cựu chiến binh bị mất một tay trong chiến tranh. Những ngày thơ bé tha thẩn cùng ông và chứng kiến những khó khăn mà một cựu chiến binh mất một tay gặp phải, cùng nỗi khốn khó của những nạn nhân chiến tranh khiến Minh không nguôi ước muốn làm gì đó cho quê nhà.
Bài học lịch sử từ đời thường
Hè lớp 11, Phương Minh và một bạn cùng lớp bắt tay vào thực hiện dự án triển lãm ảnh Đi qua chiến tranh. Không biết chụp ảnh, Minh và cô bạn đã đặt điều kiện, biết chụp ảnh thì mời tham gia dự án. Kết quả, tháng 7/2014 một nhóm Amser bảy người đã vào Quảng Trị. “Chúng em đã dành tiền bố mẹ cho ăn sáng để mua vé tàu” - Minh nói. Nhóm đã đi Gio Linh là quê mẹ Phương Minh, Cam Lộ là quê bố Phương Minh và huyện Triệu Phong là nơi có nhiều nạn nhân chiến tranh.
Trần Ngọc Phương Minh (giữa) và sáu bạn trẻ trong nhóm. |
Bảy cô cậu học trò đến gặp 27 nạn nhân chiến tranh và gia đình họ, chụp những tấm ảnh về cuộc sống hằng ngày và những khó khăn mà các nạn nhân gặp phải.
Minh kể: “Nạn nhân chiến tranh thứ ba mà chúng em gặp là bác Nguyễn Thị Soa bị cụt chân và đi lại bằng cách lết trên hai chiếc ghế cầm ở hai bên tay. Khi chúng em đến nắm lấy tay bác, bác đã khóc vì không thể nào tưởng tượng được có một ngày có những “người dưng” đến chia sẻ với mình. Nhưng trong những câu chuyện bằng ảnh của triển lãm, cũng có những câu chuyện có màu sắc lạc quan, như một bác vốn là giáo viên, chiến tranh đã khiến bác mất đi bàn tay phải".
"Bác không làm giáo viên được nữa nhưng bác đã rèn để viết và vẽ được bằng tay trái, và đã sáng chế ra tay cầm đặc biệt để đi xe máy. Bác đã biểu diễn đi xe máy bằng tay cầm đặc biệt đó trong sân nhà cho chúng em xem. Những nạn nhân mà chúng em gặp đã biết cách vượt qua nghịch cảnh. Sau khi trở về từ Quảng Trị, chúng em cảm thấy lạc quan hơn và biết phấn đấu hơn” - Minh nói tiếp.
“Vẫn thấy trời xanh biếc”
Tháng 8/2014, triển lãm ảnh Đi qua chiến tranh của Trần Ngọc Phương Minh và nhóm bạn được tổ chức ở Hà Nội. Từ 1.000 bức ảnh “thô” chụp được sau chuyến đi ở Quảng Trị, đã có 27 bức được chọn ra để triển lãm. Điều không ngờ tới là nhóm của Phương Minh đã viết dự án, tự phân công ban tài chính, ban nội dung và vận động được trên 30 triệu đồng từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ thuê không gian cho triển lãm và gửi tặng nạn nhân chiến tranh.
Dấu ấn về chiến tranh, về cuộc sống của những nạn nhân chiến tranh thời hậu chiến qua lăng kính của những bạn trẻ 9X hóa ra không chỉ gợi nhắc một thời mất mát, đau thương mà còn hướng đến tương lai đầy tươi sáng. Trong phòng triển lãm, một không gian riêng được khéo léo bày biện chùm ảnh ghi lại những ánh mắt của trẻ thơ tại chính nơi chiến tranh đi qua, ấm áp và hạnh phúc với lời đề từ chứa đầy khát vọng: “Chỉ mong con nhìn trời vẫn thấy trời xanh biếc…”.
Giờ đây, cũng như nhiều Amser khác, Minh và các bạn đang tất bật làm hồ sơ để xin học bổng du học. Nhưng ký ức về mùa hè 2014 sẽ sống động và đẹp mãi. Minh và các bạn cũng đã có thêm một mơ ước mới: mở rộng dự án “Đi qua chiến tranh” ra Quảng Bình và Quảng Ngãi, những tỉnh thành miền Trung cũng có rất nhiều nạn nhân chiến tranh gặp khó khăn.