Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Tuổi thơ vắng bóng bố mẹ của tôi

Suốt những năm tháng ấu thơ, thay vì ký ức về bố mẹ, trong tôi luôn là hình ảnh, sự quan tâm và yêu thương từ ông bà ngoại.

tuoi tho vang bo me anh 1tuoi tho vang bo me anh 2

Suốt những năm tháng ấu thơ, thay vì ký ức về bố mẹ, trong tôi luôn là hình ảnh, sự quan tâm và yêu thương từ ông bà ngoại.

tuoi tho vang bo me anh 3tuoi tho vang bo me anh 4
tuoi tho vang bo me anh 5

Minh họa: Anny Nhi

Bố mẹ chia tay từ khi tôi còn đỏ hỏn. Như theo lời mẹ, tôi là sản phẩm của một mối tình đẹp và cuộc hôn nhân dở dang không như ý.

Ngày bé, nhìn bạn bè có bố mẹ đưa đón đi học, đi chơi, tôi thèm lắm. Tôi cũng muốn được mẹ tết tóc như công chúa, được bố cõng trên vai, được ăn cơm cùng mâm, ngủ cùng giường với bố mẹ. Nhưng đáp lại những ước muốn ấy chỉ là những tháng ngày tôi ngơ ngác đi tìm bố, là ánh mắt thèm thuồng vu vơ khi lũ bạn có bố mẹ đợi sẵn lúc tan trường.

Thay vào đó, tuổi thơ tôi có ông bà ngoại. Ông ngoại là người đàn ông tuyệt vời nhất trong mắt tôi, là người đón đưa tôi bất kể mưa nắng, cần mẫn theo tôi rong ruổi hết những cuộc thi lớn nhỏ, tỉ mỉ vẽ cho tôi con chim, cái lá.

Tôi vẫn nhớ những ngày ngồi sau xe ông, tiếng động cơ nổ thật giòn, tôi líu lo hát đủ mọi bài học được ở mẫu giáo, thi thoảng lại ngây ngốc hỏi: "Bao giờ bố con về, hở ông?".

Cứ như thế, tuổi thơ tôi hoàn toàn không có dấu ấn nào của bố và mẹ. Tôi càng lớn càng thu mình, trầm lặng hơn, ít trò chuyện và gần như không có bất kỳ sợi dây liên kết nào với bố mẹ. Phần vì cả hai đều đã có hạnh phúc riêng, phần vì có lẽ đã đủ lâu để tôi quên mất rằng lẽ ra tôi cũng phải có bố mẹ như chúng bạn, thậm chí quên cả những lời ác ý "mày là đứa không có bố mẹ", "đồ mồ côi", "đồ con rơi"...

Tôi lớn lên trong thế giới riêng bé tẹo ấy, làm đủ thứ để thoả mãn những thương tổn chất thành núi trong lòng. Tất nhiên, không liên quan gì tới bố mẹ nữa.

Tôi rời nhà ông bà vào một ngày tháng 2 gió lạnh, kéo một chiếc vali lớn, đi đến nơi tôi cho rằng sẽ vừa vặn để tôi có thể quên đi những gì đã cũ.

Ở nơi Sài Gòn nhộn nhịp này, nơi cách nhà bố hàng nghìn cây số, bố tôi, người đàn ông khó tính và trầm lặng, lần đầu tiên dặn dò tôi nhiều đến thế qua tin nhắn, kèm với thông báo chuyển tiền gửi đến: "Một mình con trong đó không có ai chăm sóc, con phải cố gắng nhiều, giữ sức khỏe, học giỏi con nhé. Bố tự hào khi nhắc đến con học giỏi, cố gắng lên con nhé".

Sau 19 năm vắng bóng bố trong đời, hai bố con chỉ mới liên lạc lại khoảng 2 năm gần đây, tôi lại có thể cảm nhận được tình thương, và có bố chính là cảm giác tuyệt vời như thế.

Sau tất cả, tôi nhận ra rằng cuộc đời không dài đến thế, không có nơi cho những giận hờn, ghét bỏ. Sau tất cả, tôi đã đủ bao dung để đối diện với thực tại, rằng bố mẹ không thể về với nhau nhưng cả bố và mẹ đều đang hạnh phúc với mái ấm riêng của mình.

Mong rằng tất cả chúng ta đều được yêu thương và biết cách trân trọng yêu thương. Mong rằng chúng ta đều có một nơi để dựa, một chốn để được làm trẻ nhỏ.

(Ngọc Mai, TP.HCM)

Dòng ghi chú đặc biệt trên vai áo người chú xe ôm

Không phải câu quảng cáo hay xin giúp đánh giá 5 sao, lời nhắn được ghi nắn nót trên hai vai áo của nữ tài xế thực sự khiến tôi ấm lòng.

Mai An

Minh họa: Anny Nhi

Bạn có thể quan tâm