Sau nhiều thông tin đồn đoán, chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa chính thức tăng mạnh mức thuế nhập khẩu đối với nhiều loại mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, trong đó có ôtô điện, pin và các tấm năng lượng mặt trời, theo Reuters.
Cụ thể hơn, mức thuế nhập khẩu 100% sẽ được áp dụng bổ sung cho ôtô điện sản xuất tại Trung Quốc, trong khi pin lithium-ion có nguồn gốc từ quốc gia này cũng sẽ phải chịu khoản thuế 25% khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Nơi xe Trung Quốc không được chào đón
Mức thuế nhập khẩu 100% từ Nhà Trắng được cho là đã gần như đóng chặt cánh cửa xâm nhập thị trường Mỹ của ôtô điện có nguồn gốc Trung Quốc.
Trước khi chính quyền Tổng thống Joe Biden mạnh tay với xe điện Trung Quốc, Mỹ vốn từ lâu đã luôn được xem như một lãnh địa khó xâm nhập dành cho các hãng xe đến từ quốc gia tỷ dân.
Hiện, chỉ có Geely là cái tên duy nhất của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc đang bán xe cho khách hàng xứ cờ hoa. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng chỉ có thể tiếp cận thị trường Mỹ thông qua các thương hiệu quốc tế như Volvo, Polestar, Lotus và Zeekr.
Geely là nhà sản xuất ôtô Trung Quốc hiếm hoi có thể bán sản phẩm tại xứ cờ hoa. Ảnh: The Star. |
Trong năm 2023, Volvo đạt doanh số 128.701 xe tại thị trường Mỹ, còn thương hiệu xe điện Polestar cũng thu về doanh số khoảng 54.600 xe. Lượng tiêu thụ của nhóm thương hiệu này được đánh giá là còn khá khiêm tốn so với doanh số hàng triệu xe mà những hãng sản xuất ôtô truyền thống như Toyota, Ford hay Chevrolet đạt được tại thị trường ôtô xứ cờ hoa.
Là một trong 2 thị trường ôtô sôi động nhất thế giới, lẽ dĩ nhiên Mỹ trở thành điểm đến được không ít hãng xe kỳ vọng chinh phục, trong đó có các hãng sản xuất ôtô đến từ Trung Quốc. Chuyên trang MotorTrend cho biết Chery - tập đoàn ôtô thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc - cũng đang tìm đường tiếp cận thị trường Mỹ sau 2 lần thất bại.
Trước đó vào các năm 2005 và 2020, Chery từng nỗ lực tiếp cận thị trường ôtô Mỹ nhưng bất thành. Ở lần gần nhất vào năm 2020, Chery đã bắt tay với HAAH Automotive Holdings và dự định trình làng mẫu SUV Exeed TX tại thị trường Mỹ nhưng dưới tên gọi Vantas.
Số liệu từ Statista cho hay trong năm 2023, Trung Quốc là thị trường ôtô lớn nhất thế giới với lượng tiêu thụ khoảng 25,8 triệu xe. Mỹ đứng ngay phía sau với tổng số 15,46 triệu ôtô mới đăng ký, trong khi châu Âu ghi nhận lượng tiêu thụ 12,85 triệu xe trong năm vừa rồi.
Châu Âu cũng chưa thể là mảnh đất lành
Một báo cáo vào tháng 9/2023 cho thấy các hãng xe Trung Quốc đã hoàn thành xuất khẩu gần 350.000 ôtô điện sang 9 nước châu Âu chỉ trong 6 tháng đầu năm ngoái. Con số này thậm chí cao hơn những gì mà các hãng xe Trung Quốc làm được trong cả năm 2022, theo dữ liệu từ Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA).
Số liệu này phần nào phản ánh mối lo ngại của châu Âu trước sự bành trướng của ôtô điện giá rẻ đến từ Trung Quốc. Nguồn tin từ Drive cho hay Liên minh châu Âu đã cáo buộc Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho việc sản xuất và xuất khẩu ôtô điện giá rẻ, qua đó đe dọa sự phát triển của các hãng xe ở lục địa già. Liên minh châu Âu cũng đã khởi động cuộc điều tra liên quan đến vấn đề này, bắt đầu từ cuối tháng 10 năm ngoái.
Theo số liệu từ Bloomberg, lượng ôtô điện sản xuất tại Trung Quốc được nhập khẩu vào châu Âu đã tăng hơn 10% trong vòng 4 tháng gần nhất, tính từ khi cuộc điều tra Liên minh châu Âu liên quan đến ôtô Trung Quốc được khởi động.
Châu Âu là một phần quan trọng trong chiến lược xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Giá bán được cho là một trong những yếu tố khiến xe điện Trung Quốc rơi vào tầm ngắm của Liên minh châu Âu. Chuyên trang Drive lấy ví dụ một chiếc xe điện MG 4 tại Đức đang có giá bán thấp hơn 5.000 EUR so với phiên bản tiêu chuẩn của Volkswagen ID.3, đồng thời tương đương với Renault Megane E-Tech, vốn là một mẫu xe nhỏ hơn và phạm vi hoạt động cũng kém hơn.
Hiện, châu Âu đang áp thuế nhập khẩu 10% lên xe điện có nguồn gốc Trung Quốc, nhưng những cuộc điều tra gần nhất của Liên minh châu Âu là gợi ý về khả năng chính quyền các quốc gia lục địa già sẽ sớm áp đặt một mức thuế cao hơn dành cho nhóm xe này.
Theo Reuters, động thái của Liên minh châu Âu đang vấp phải những sự phản đối đến từ BMW và Volkswagen. Hiện, BMW đang tiến hành nhập khẩu vào châu Âu đối với BMW iX3 và các mẫu xe điện thương hiệu MINI được sản xuất từ nhà máy tại Trung Quốc.
BMW đang nhập khẩu iX3 từ các nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: BMW. |
Một mức thuế tạm thời được cho là sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 7, dành riêng cho ôtô điện Trung Quốc tại thị trường châu Âu.
Reuters dẫn lời bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - khẳng định các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cần thực hiện các bước để ngăn chặn sự xâm chiếm thị trường nội khối đến từ nhóm xe điện nhận trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc.
Động thái cứng rắn từ châu Âu khiến các hãng sản xuất ôtô điện Trung Quốc buộ phải hành động để thích nghi. Reuters cho biết không ít hãng xe Trung Quốc, bao gồm BYD, Chery, Leapmotor, SAIC, Geely và Xpeng, đang lên kế hoạch thiết lập cơ sở sản xuất tại lục địa già.
Cơ hội tại các thị trường mới nổi
Trước hàng loạt rào cản lập nên bởi Mỹ và nhiều khả năng là châu Âu trong tương lai gần, không ít hãng sản xuất ôtô Trung Quốc đang phải tìm kiếm cơ hội của mình ở các thị trường mới nổi. Nguyên nhân cho động thái này xuất phát từ thực trạng rằng ngành công nghiệp xe điện ở chính quốc gia tỷ dân cũng đang phải chứng kiến mức độ cạnh tranh tương đối khốc liệt.
Chuyên trang MotorTrend cho hay trong vòng 3 năm gần đây, có đến 9 nhà sản xuất ôtô Trung Quốc hoàn tất mở showroom tại Mexico. Cuộc đổ bộ này đã dẫn đến 9% thị phần xe du lịch hiện tại ở Mexico đang thuộc về tay các thương hiệu ôtô Trung Quốc.
Việc các nhà sản xuất ôtô đến từ đất nước tỷ dân chọn Mexico làm bàn đạp tiến vào thị trường Mỹ xuất phát từ các hiệp định và thỏa thuận thương mại, trong đó bắt buộc 75% thành phần ôtô phải được sản xuất ở Bắc Mỹ. Do đó, việc sản xuất ôtô tại quốc gia giáp ranh về phía nam có thể giúp các hãng xe tránh được khả năng bị đánh thuế cao khi đưa ôtô xâm nhập thị trường xứ cờ hoa.
BYD thiết lập nhà máy ở Mexico, Brazil, Thái Lan và Indonesia. Ảnh: BYD. |
Tại khu vực Đông Nam Á, BYD cũng đang chọn Thái Lan, Indonesia và sắp tới có thể là Việt Nam để làm nơi đặt các cơ sở sản xuất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Nhà máy của BYD tại Thái Lan chuẩn bị đi vào sản xuất hàng loạt, còn cơ sở tiếp theo tại Indonesia cũng sắp được khởi công.
Năm ngoái, BYD đã trở thành hãng xe điện bán chạy nhất Thái Lan với doanh số hơn 30.500 xe. Mẫu xe điện được người Thái ưa chuộng nhất trong năm 2023 cũng là Atto 3, một sản phẩm của thương hiệu BYD. Sau 12 tháng của năm vừa rồi, doanh số BYD Atto 3 đạt 19.214 xe, trội hơn thành tích bán hàng 12.777 chiếc của mẫu xe đồng hương Neta V trong cùng kỳ.
BYD cũng sẽ sớm gia nhập thị trường Việt Nam trong tháng 6 tới đây bằng ba mẫu xe, gồm BYD Dolphin, BYD Seal và BYD Atto 3. Sự hiện diện của BYD sẽ nối dài danh sách những hãng xe Trung Quốc đã, đang và sẽ sẵn sàng gia nhập thị trường ôtô Việt Nam, bao gồm MG, Beijing, Lynk & Co, Haval, GAC cùng với Jaecoo và Omoda.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.