Theo đúng "lộ trình" cha mẹ mong muốn, chị Đoàn Thị Thu Hoài (thạc sĩ Chương trình Kinh tế Phát triển Cao học Hà Lan - Việt Nam, cựu giảng viên Trường ĐH Kỹ Thuật - Công nghệ TP.HCM) kết hôn năm 27 tuổi và sinh con gái đầu lòng một năm sau đó.
Dù quen tiếp xúc kiến thức cao học phức tạp, chị Hoài thừa nhận bản thân khi ấy không hiểu về sức khỏe tinh thần của phụ nữ sau sinh dẫn đến stress kéo dài. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn trong quá trình nuôi dạy con lớn khôn từng ngày.
"Tôi từng nghĩ mình là người mẹ tốt, có thu nhập ổn định chủ yếu để lo cho con. Tôi đã vô tình xem con là sản phẩm đầu tư sinh lời, đòi hỏi con biết ơn và đánh giá cao sự hy sinh của mình", chị Hoài bày tỏ.
Cho đến một ngày, đứa con 10 tuổi nói rằng: "Con không hạnh phúc" - câu nói như "lời buộc tội" đối với chị Hoài.
"Tôi không nhớ rõ tình huống lúc đó, cũng không biết mình có ôm con vào lòng không. Tôi chỉ nhớ mình đã khóc thật nhiều vì sốc, bế tắc, thất bại và có khi là cảm giác bị phụ bạc", chị nghẹn ngào nói.
Bây giờ nghĩ lại, chị tự coi đó là thời kỳ “dạy con trong u mê” và quyết tâm "ngã ở đâu, đứng dậy ở đó".
Đây là câu chuyện mà chị Thu Hoài chia sẻ với tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, chuyên gia giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) trong talkshow "Bạn có chọn trưởng thành cùng con" diễn ra hôm 4/5 ở TP.HCM.
Khóa học làm cha mẹ có hiệu quả?
Tìm đến các khóa học kỹ năng là cách chị Hoài giải bài toán nuôi dạy con, song hành trình nhìn nhận, đúc kết và chuyển hóa cũng lắm gian truân.
Trước hết, chị vấp phải sự phản đối của chồng - anh muốn chị đi làm trở lại, không phung phí thời gian, tiền bạc vào những khóa học "đâu đâu". Bất chấp tất cả, chị Hoài quyết tâm đi học làm mẹ để "thay đổi những điều không bình thường trong việc giáo dục con cái".
Nhiều cha mẹ kỳ vọng con hoàn hảo trong khi giáo dục con chưa đúng cách. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Ngoài loại bỏ tư tưởng "trọng nam khinh nữ" và không dùng roi vọt như cha mẹ mình hồi trước, chị Hoài khởi đầu với khóa rèn luyện kỹ năng giao tiếp bởi nghĩ rằng mình không biết cách trò chuyện cùng con. Một số kỹ năng chị đúc kết sau khóa học là cách lắng nghe, đặt câu hỏi, đặc biệt là khen ngợi con.
"Gia đình bố mẹ tôi không có thói quen khen ngợi, chỉ 'chăm chăm' vào điểm chưa tốt. Tôi cũng áp dụng điều này vào gia đình nhỏ - săm soi lỗi sai, kỳ vọng con trở thành người hoàn hảo trong khi mình chưa hoàn thiện. Tôi quên rằng mình từng không hài lòng mỗi lần bị bố mẹ chê", chị Hoài nói.
Nhờ khóa học, chị nhận ra việc khen sao cho đúng không dễ dàng, phải kiên nhẫn quan sát hành vi của con thay vì buột miệng khen hời hợt.
Chưa thấy đủ, chị Hoài tiếp tục tìm đến lớp phát triển bản thân bởi nhận ra bên trong mình mới là điều cần thay đổi chứ không phải lời nói bên ngoài hay kỹ thuật trò chuyện cùng con. Khóa học NLP (Neuro-Linguistic Programming - lập trình ngôn ngữ tư duy) kéo dài 5, 6 ngày giúp chị Hoài nhận ra vấn đề nhưng bế tắc trong cách giải quyết.
Suy cho cùng, việc đổ tiền bạc, thời gian vào những khóa học "cấp tốc" như thế này không đem lại hiệu quả đáng kể cho hành trình làm mẹ của chị.
Trẻ cần có một người thầy, người hướng dẫn và đồng hành phù hợp. Ảnh minh họa: People Visual. |
Chỉ khi tìm đến Đạo Phật và áp dụng thiền vào cuộc sống hàng ngày, chị mới bắt đầu vỡ lẽ: chính mình còn chưa mang lại hạnh phúc cho mình, thì không thể hy vọng làm điều tương tự cho con.
Kể từ đó, chị cho biết mình học cách quan sát, thừa nhận và kiểm soát cảm xúc, yêu thương bản thân, thấu hiểu các mối quan hệ cũng như chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.
"Qua 10 năm học hỏi, tôi biết mình đã trưởng thành hơn cùng con, nhưng thiếu sót và khó khăn vẫn còn phía trước", chị Hoài kết luận. Giờ đây, chị có thể thoải mái trò chuyện về stress cùng con gái lớn đang học tại Đại học Sydney (Australia), đồng thời tôn trọng sở thích để tóc dài của đứa con trai 11 tuổi cá tính.
Từ trường hợp của chị Hoài, tiến sĩ Bùi Trân Phượng nhận định: "Khóa kỹ năng sống kéo dài vài ngày có thể thay đổi con người là chuyện hoang đường. Chúng chỉ cung cấp kỹ thuật, tức biểu hiện bên ngoài mà nếu không đánh thức cảm xúc, suy nghĩ tưởng chừng bị tê liệt bên trong thì ta sẽ không biết vận dụng vào đời thực".
"Các bậc phụ huynh có thể thử nghiệm nhiều lớp nhưng cần đúc kết kiến thức sau mỗi khóa học, từ đó thận trọng hơn chứ không tham gia vì nhu cầu cấp thiết hay đủ khả năng chi trả học phí. Quan trọng nhất là các lớp học phải giúp cha mẹ chuyển biến thực chất. Nhưng có một con đường 'an toàn' hơn - học lại từ đầu cách thấu hiểu, sử dụng lý trí và cảm xúc của bản thân", tiến sĩ Phượng nhấn mạnh.
Hãy để con khóc
Tại talkshow "Bạn có chọn trưởng thành cùng con", tiến sĩ Bùi Trân Phượng đề cập hành động "kỳ lạ" của nhiều phụ huynh: bắt con nín khi chúng đang khóc (nhưng nếu chúng không khóc sẽ bị xem là lì lợm). Nói rộng ra, nhiều đứa trẻ hiện không được phép thể hiện cảm xúc bột phát một cách tự nhiên.
Chị Đoàn Thị Thu Hoài (trái) và tiến sĩ Bùi Trân Phượng (phải) trong buổi nói chuyện sáng 4/5 tại TP.HCM. Ảnh: Facebook Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy. |
Theo nữ chuyên gia, người lớn lúc này cần gọi tên các cảm xúc đan xen trong mỗi cuộc xung đột, không quên tìm hiểu liệu con có hiểu cảm xúc của chính mình.
"Cảm xúc là cách con phản ứng với ngoại cảnh. Khả năng gọi tên các loại cảm xúc quan trọng gấp nhiều lần so với việc kiểm soát chúng. Cha mẹ nên hiểu phản ứng của con trước khi trấn áp tạm thời bằng các từ 'câm', 'nín'... Thương con là chịu đựng mọi cảm xúc của con, rồi để chúng tự nhận ra vấn đề", tiến sĩ Phượng nói.
Việc thể hiện cảm xúc dường như càng khó khăn hơn với những đứa con 18, 20 tuổi. Một phụ huynh có mặt tại talkshow cho biết mình luôn cố gắng gần gũi con nhưng hai bên có khoảng cách vô hình trong việc nghe người kia giãi bày cảm xúc.
"Tôi đã không khuyến khích con nói điều chúng nghĩ và chỉ nói những điều người lớn muốn. Nhiều lần như vậy khiến con 'rút về tổ', nhưng khi gặp bất cứ chuyện gì đều phản ứng dữ dội với tôi. Về phần mình, tôi luôn đến bên con bằng sự... tịnh tâm, mặc cho lòng dạ lúc đó như lửa đốt. Dẫu vậy, chúng đủ thông minh để nhận ra cảm xúc thật của mẹ trái ngược hoàn toàn cách mẹ thể hiện", người này băn khoăn.
Việc thể hiện cảm xúc dường như càng khó khăn hơn với những đứa con đến tuổi trưởng thành. Ảnh: Pexels/Cottonbro Studio. |
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nhận ra vấn đề nằm ở cả mẹ và con đều không thả lỏng để bày tỏ cảm xúc. Điều này đặc biệt có hại cho tinh thần con cái khi cảm xúc bùng nổ sau nhiều ngày tích tụ, đồng thời chúng có xu hướng tự trách mình không kiểm soát tốt bằng cha mẹ.
"Tại sao phải gán cho con 'tội tày đình' là hư, vô ơn, bất hiếu khi chúng chỉ đem chút bực mình vào lời nói - dù cha mẹ thừa hiểu chúng bực mình vì điều gì? Hãy để chúng được thể hiện sự không hài lòng", bà Phượng nói.
Ngược lại, cha mẹ cũng có quyền thể hiện cảm xúc dành cho con. Ví dụ, khi con về muộn hơn giờ quy định, bà Phượng cho rằng người mẹ có thể bộc lộ sự lo lắng - không phải buộc tội - để con hiểu và chủ động thay đổi bằng cách nhắn tin xin phép mẹ ở những lần tiếp theo.
Mặt khác, bài học "nhớ đời" đến từ sự kìm kẹp, phản ứng dữ dội hay đòn roi của cha mẹ đôi khi có thể bảo vệ con cái trước các nguy cơ bị xâm hại. Tiến sĩ Phượng đã dẫn một ví dụ về việc người mẹ đánh con khi con bị bạn bè lột đồ. Vài năm sau, đứa bé là trẻ vị thành niên bị một người giở trò đồi bại, song đã "sống chết" giữ lấy quần áo của mình và thoát khỏi tay kẻ xấu.
"Đòn roi là hạ sách nhưng cần thiết trong trường hợp cha mẹ hết cách. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến khích cha mẹ giáo dục con mà không cần bạo hành, đánh đập", tiến sĩ Phượng bày tỏ.
Cuối cùng, việc con cái sống vì mình và làm yên lòng cha mẹ là hai khía cạnh có thể dung hòa, nhưng không phải nhượng bộ để "yên bình bề mặt, ngấm ngầm nổi sóng". Do đó, bà Phượng đề cập từ khóa "tự do" và "trách nhiệm" - hai giá trị thiêng liêng mà con người phải tự cân bằng trong bối cảnh xã hội, nhà trường và gia đình không đưa ra các chuẩn mực cần thiết.
Rèn luyện kỹ năng tự học cho con
Tác giả sách Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học, TS Nguyễn Thị Thu, cho rằng trẻ cần có mục tiêu để tạo động lực học tập. Phụ huynh nên tìm hiểu, quan sát sở thích của con, rồi lồng ghép những hoạt động tìm hiểu khám phá kiến thức trong những sở thích đó để nuôi dưỡng sự tìm tòi nghiên cứu trong con. Ngoài ra, đọc sách là một cách hay và lành mạnh để trẻ tiếp nạp kiến thức.