Trong cuộc họp giữa UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM và các sở, ban, ngành về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 chiều 11/3, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mỗi năm, ngành giáo dục phối hợp ngành y tế tổ chức khám sức khỏe cho khoảng 90% học sinh trên toàn thành phố.
"Nói chung, tình hình sức khỏe, chiều cao, thể lực của học sinh TP.HCM được cải thiện so với trước đây nhưng có 2 vấn đề rất đáng quan tâm là bệnh béo phì và tật khúc xạ trong học sinh còn cao", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Ông cho biết nếu tỷ lệ suy dinh dưỡng trong học sinh hiện nay đã rất thấp và có xu hướng giảm, tỷ lệ béo phì vẫn cao và chưa có dấu hiệu giảm. Tùy từng cấp học, tỷ lệ này là 15-32%. Một số thành phố .lớn cũng có tỷ lệ học sinh bị bệnh béo phì tương tự TP.HCM.
Vấn đề thứ hai là tỷ lệ tật khúc xạ (loạn thị và cận thị), trong đó, phần lớn học sinh bị cận thị. Qua nhiều năm, tỷ lệ này vẫn chưa giảm, trung bình 20-30%, tùy cấp học.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: M.N. |
Để giải quyết vấn đề bệnh béo phì đối với học sinh, hàng năm, Sở Y tế TP.HCM phối hợp UBND quận, huyện tập huấn cho nhân viên y tế học đường thực hành dinh dưỡng, cung cấp tài liệu để tăng cường giáo dục dinh dưỡng cho cân đối.
"Sắp tới, chúng ta cần làm việc này nhiều hơn, mạnh mẽ hơn để làm sao tiến tới khống chế và giảm tỷ lệ học sinh béo phì trong học sinh", ông Hưng đặt vấn đề.
Nguyên nhân tỷ lệ cận thị, loạn thị còn cao, theo ông Hưng, là học sinh thành phố sử dụng nhiều thiết bị điện tử, ít vận động và ngồi không đúng tư thế.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết thêm trong những năm gần đây, việc tuyển nhân viên y tế học đường gặp khó khăn. Việc này phần nào ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe học sinh.
"Nhân viên y tế học đường là cầu nối quan trọng giữa ngành y tế và ngành giáo dục để chăm sóc sức khỏe học sinh. Nhiều người cho rằng nếu không có nhân viên y tế trường học thì sử dụng trạm y tế phường nhưng tôi cho rằng không phù hợp", ông Hưng nêu quan điểm.
Ông cho rằng trạm y tế phường có rất nhiều công việc, cần lo các vấn đề y tế của cộng đồng, trong khi nhân viên y tế trường học phải chăm sóc sức khỏe học sinh thường xuyên và liên tục.
Không chỉ vậy, y tế học đường còn triển khai các hoạt động y tế trong trường như an toàn thực phẩm, lập kế hoạch theo dõi sức khỏe cho học sinh, hỗ trợ tư vấn cho ban giám hiệu để có đánh giá, theo dõi học sinh.
Qua thống kê của ngành y tế phối hợp ngành giáo dục thành phố, hiện nay, TP.HCM có khoảng 2.000 trường học. Theo quy định, mỗi trường học cần có 1 nhân viên y tế học đường. Chuẩn của nhân viên y tế học đường phải từ y sĩ trở lên, tức là từ trung cấp y trở lên.
"Hiện nay, TP.HCM có gần 1.500 trường có nhân viên y tế đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Còn khoảng 500 nhân viên y tế chưa đạt chuẩn. Trong đó, 382 người có chuyên môn nhưng không phải là trung cấp y và 138 người không có chuyên môn y tế", ông Hưng cho biết.
Để khắc phục tạm thời, Sở Y tế TP.HCM phối hợp Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn chương trình tập huấn, để những người này biết được một số kỹ năng cần thiết trong 3-4 ngày tập huấn.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Đại diện Sở Y tế TP.HCM đề nghị thành phố cần tiếp tục kiên trì kiến nghị việc tuyển dụng nhân viên y tế để các trường kiện toàn đầy đủ đội ngũ này.
Trong cuộc họp, Sở Y tế TP.HCM đề xuất giữa ngành y tế và giáo dục của thành phố cần có ban chỉ đạo y tế dự phòng để hai sở bàn những vấn đề chiến lược liên quan sức khỏe học sinh.