Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

U não có nguy hiểm?

U não có khoảng 120 loại khác nhau, trong đó, nhiều loại lành tính hoặc được phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng.

Tìm tới buổi khám và tư vấn miễn phí bệnh lý u não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sáng 16/5, chị Nguyễn Thị Thanh (ở Kiến Xương, Thái Bình) rất lo lắng khi con trai 6 tuổi của mình. 5 tháng trước, khi bé Nguyễn Ngọc Hiếu đang chơi, bỗng dưng lên cơn co giật. Kết quả khám tại bệnh viện địa phương cho thấy bé có một nang trong não, đồng thời có biểu hiện động kinh.

benh ly u nao anh 1

Chị Nguyễn Thị Thanh đưa con trai 6 tuổi tới khám u não. Ảnh: T.H.

Tiếp nhận trường hợp này, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh ASEAN, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức - cho biết nang được xác định trong não bé Hiếu hoàn toàn không đáng lo ngại. Thực tế, có nhiều trường hợp tương tự và không cần điều trị.

“Nhiều bệnh nhân, người nhà, thậm chí hàng xóm khi nghe tin một người có nang trong đầu thì thường rất lo lắng, cho rằng đó là bệnh nặng. Song không phải trường hợp nào cũng như vậy. Nang này là một hiện tượng lành tính, thậm chí, nếu được chụp chiếu, mẹ cháu hay bất cứ người nào cũng có thể có nang như vậy hoặc to hơn. Những trường hợp này không cần điều trị. Chúng tôi chỉ tiến hành phẫu thuật khi bệnh nhân có những triệu chứng nặng mà nguyên nhân xuất phát từ chúng”, PGS Hệ giải thích cho người nhà.

Ông khẳng định quan niệm u ở não là nguy hiểm không đúng. U não có khoảng 120 loại khác nhau, trong đó, nhiều loại lành tính hoặc được phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng.

“Tôi từng mổ cho một nữ bệnh nhân có khối u ở não hơn 6 cm. Sau mổ 2 tuần, cô ấy quay lại làm việc bình thường. Điều đó có nghĩa u não cũng có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng hay ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của bệnh nhân”, PGS Hệ cho hay.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mỗi năm, khám và điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân liên quan u não, trong đó, 80% gặp ở người lớn, phổ biến ở độ tuổi 30-60. 20% còn lại gặp ở trẻ em.

Với trẻ em, PGS Hệ cho hay bệnh lý u não có mức độ ác tính cao hơn và đứng hàng thứ hai trong số bệnh lý ung thư gây tử vong nhiều nhất ở trẻ. Trong sinh bệnh học ung thư, nếu tình trạng ác tính gặp ở người già, thông thường bệnh nhân chỉ phẫu thuật, không cần điều trị và có tiên lượng tốt. Giới nghiên cứu cho rằng ở đối tượng này, ung thư phát triển chậm và từ lúc trẻ, đến lúc già mới phát bệnh. Trên thực tế, ung thư ở người trên 60 tuổi tiên lượng tốt hơn. Do đó, PGS Hệ lưu ý cha mẹ nên để ý bất cứ dấu hiệu bất thường ở trẻ để đưa đi thăm khám kịp thời.

“Bệnh nhân u não nhỏ tuổi nhất tôi từng phẫu thuật là một bé 2 tháng tuổi. Bé không có dấu hiệu gì ngoài đầu to, nặng đầu, thóp phồng. May mắn, u của bé thuộc dạng lành tính nên phẫu thuật xong, bé khỏe mạnh bình thường. Đến nay, bé đã học lớp 2”, PGS Hệ kể.

benh ly u nao anh 2

Theo PGS Hệ, triệu chứng của u não không đặc hiệu, vì thế, người bệnh thường chủ quan không đi khám. Ảnh: T.H.

Theo PGS Hệ, triệu chứng của u não không đặc hiệu, vì thế, người bệnh thường chủ quan không đi khám khi thấy một vài dấu hiệu cảnh báo bất thường của cơ thể, đến khi phát hiện u não thì tình trạng bệnh đã diễn biến khá nặng. Các dấu hiệu của u não rất thay đổi, đa dạng phụ thuộc vào kích thước, vị trí và tốc độ phát triển của u.

Nhìn chung các dấu hiệu gây ra bởi u não có thể bao gồm: Đau đầu, nôn và buồn nôn, các vấn đề về nghe, nhìn như nhìn mờ (1 hoặc 2 mắt), nhìn đôi (nhìn 1 thành 2 hình), ù tai, điếc…tê bì hoặc yếu tay và/hoặc chân tăng dần, mất thăng bằng, nói khó hoặc trở nên lú lẫn hơn, xuất hiện co giật, thay đổi tính cách…

“Nếu một người trưởng thành chưa từng bị co giật, bỗng dưng lên cơn co giật thì 80-90% là u não. Do đó, cần đi khám và chụp não ngay khi có hiện tượng này. Tôi cũng lưu ý những người bỗng dưng thay đổi tính cách hoặc đàn ông bị bất lực, sinh hoạt tình dục kém đi cũng có thể là dấu hiệu của tuyến yên”, PGS Hệ khuyến cáo.

Đầu đau như điện giật vì khối u mọc rễ từ cổ lên não

Với khối u này, các bác sĩ phải rất khéo léo trong quá trình phẫu thuật, bởi rất dễ dẫn đến nguy cơ suy hô hấp.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm