Chiều 23/6, luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết ông đang làm đơn gửi TAND Tối cao để yêu cầu nơi đây xem xét tái thẩm vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Người bị TAND tỉnh Cà Mau tuyên 6 tháng tù là bà Diệp Thị Thu (50 tuổi) đang điều trị bệnh tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Theo luật sư Hùng, ông là một trong 5 người bào chữa cho bà Thu ở hai cấp tòa. Hiện, án đã có hiệu lực pháp luật nên ông làm thủ tục xin tái thẩm vì vụ án có tình tiết mới.
'Tôi không đồng ý ký vào kết luận giám định'
Ba tuần trước, trong lúc cơ quan chức năng ở Cà Mau tìm cách đưa bà Thu đi chấp hành án thì luật sư Hùng có văn bản gửi Bộ Y tế, Trung tâm Pháp y Cà Mau (TTPY) và giám định viên Trần Đắc Thuận (Phó giám đốc trung tâm) để yêu cầu giải thích kết luận giám định thương tích cho chị Trần (tên đã thay đổi, 36 tuổi, là nạn nhân trong vụ án).
Bà Thu đang trị bệnh ở TP.HCM. Ảnh: Nhật Tân. |
Ông Thuận sau đó có phúc đáp với nội dung kết luận giám định của TTPY Cà Mau không đủ về mặt pháp lý. Các chứng cứ cận lâm sàng của chị Trần nếu có giám định lại ở cơ quan cấp trên cũng không thể kết luận là viêm xoang sàng và gãy xương chính mũi vì tất cả được ghi là "theo dõi gãy xương chính mũi".
Theo ông Thuận, căn cứ quyết định trưng cầu giám định của CQCSĐT Công an huyện Đầm Dơi vào tháng 5/2016, tập thể giám định viên gồm Giám đốc, Phó giám đốc và hai người trợ giúp đã tiến hành giám định. Là giám định viên vụ việc, ông Thuận nghiên cứu các giấy tờ, hồ sơ cho thấy trước khi xảy ra vụ án chị Trần có phẫu thuật bơm silicon để nâng mũi thẩm mỹ. Sau phẫu thuật, chị này thường đau đầu, cảm giác nặng hai gò má, sau ót (gáy) và chảy mũi.
Nghiên cứu hồ sơ bệnh án, ông Thuận thấy 5 kết quả chụp X-quang và CT của chị Trần đều không có kết luận "gãy xương mũi" mà là "không gãy xương mũi" và "theo dõi gãy xương mũi". Còn bệnh án tai - mũi - họng tại Bệnh viện Cà Mau thì chẩn đoán chị Trần "viêm mũi/sau mổ lấy silicon thẩm mỹ nâng mũi".
Ông Trần Đắc Thuận nói về những vấn đề được cho là sai trong kết luận giám định chị Trần. Ảnh: Việt Tường. |
Dù hồ sơ như vậy nhưng kết luận do Giám đốc TTPY Cà Mau khi đó (người này đã bị kỷ luật, chuyển về huyện) ký lại cho rằng chị Trần "gãy thành bên trái xương mũi 9%" và "viêm nhẹ xoang sàng hai bên 11%". Với kết quả này, TAND huyện Đầm Dơi tuyên bà Thu 2 năm tù.
"Kết quả cận lâm sàng theo dõi gãy xương mũi (chưa gãy xương mũi) và không gãy xương mũi. Như vậy không đủ cơ sở pháp lý để kết luận về mặt chuyên môn... Từ các sai phạm trên, tôi không đồng ý ký vào kết luận giám định. Tôi đề nghị từ chối giám định vượt quá khả năng về chuyên môn", ông Thuận nêu quan điểm để bác lại kết luận do Giám đốc TTPY ký trước đây.
Những khuất tất cần làm rõ
Trong phúc đáp của ông Thuận có nội dung giám định viên này đề cập đến quyết định trưng cầu của Công an Đầm Dơi về việc yêu cầu giám định tập thể, không giám định cá nhân. Tuy nhiên, bản kết luận 177 của TTPY Cà Mau lại do giám đốc ký mà không có chữ ký của cán bộ giám định vụ việc là mang tính cá nhân. Điều này không chỉ trái với Khoản 3, Điều 6 và Khoản 3, Điều 28 của Luật Giám định tư pháp mà còn trái quy định Thông tư của Bộ Y tế.
Tại bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau ngày 2/4/2018, HĐXX cho rằng bà Thu dùng mũ bảo hiểm (MBH) là "hung khí nguy hiểm" đánh chị Trần gãy xương chính mũi 9%. Còn viêm xoang cấp 10% nhưng không thể hiện bệnh viêm xoang có phải do bị cáo đánh hay không nên HĐXX bỏ qua vấn đề này, sửa án sơ thẩm xử bị cáo 6 tháng tù.
Phóng viên liên hệ với chị Trần để hỏi thêm vụ việc và đề cập đến chuyện người này có từng nâng mũi thẩm mỹ hay không. Tuy nhiên, chị Trần không trả lời và nói "có gì anh liên hệ cơ quan điều tra vì tất cả đều có hồ sơ".
Theo ông Thuận, kết luận giám định ngoài chữ ký của Giám đốc TTPY còn phải có chữ ký có giám định viên vụ việc mới hợp lệ. Ảnh: Việt Tường. |
Theo hồ sơ vụ án, vì bênh cháu ruột nên sáng 10/4/2016, chị Thu có lời nói thô tục rồi xô xát với chồng của cháu gái. Ông Mới đang mua thuốc gần đó chạy đến can ngăn thì chị Trần (chị chồng của cháu bà Thu) cùng một người bạn "tham chiến".
Khi bị chị Trần dùng guốc đánh, bà Thu cầm MBH đánh lại nên gây thương tích ở mũi cho đối phương. Còn ông Mới cũng bị đánh bằng MBH gây thương tích ở tay, tỷ lệ 8%.
Bà Thu cho rằng trong lúc xô xát, chị Trần giật chiếc MBH thời trang của bà rồi ném xuống sông. Chiếc MBH này mất, bà Thu bị người cho mượn MBH yêu cầu bồi thường. Do đó, chiếc MBH mà cơ quan điều tra đưa vào làm vật chứng không phải là MBH mà bà Thu dùng để đánh chị Trần vì chiếc MBH này đã mất.
Huyện Đầm Dơi (màu đỏ) ở Cà Mau. Ảnh: Google Maps. |