Ngồi ở văn phòng, Phương mệt mõi rã rời vì đêm qua đi xe khách quá đông, không thể nào chợp mắt.
“Năm nào cũng vậy, ngày rời nhà để trở lại thành phố sau Tết luôn là hành trình 'bão táp'. Xe khách giường nằm nhưng nhồi nhét quá đông, dù ngồi cũng không thể cựa quậy. Sáng nay đi làm, chiếc xe của mình còn bị rỉ xăng, không thể nào nổ máy. Mình đến công ty với thân thể mệt mỏi và chiếc đầu trống rỗng”, Phương kể.
Hậu nghỉ Tết, nhiều người tiếp tục những phần việc dang dở trong tâm thế mệt mỏi, chán chường và dễ bị sao lãng. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Cô gái 25 tuổi tâm sự dù đã quay lại thành phố nhưng tâm trí cô như vẫn còn ở quê, nhớ những cuộc tụ họp với gia đình với bạn bè, nhớ không khí rộn ràng ngày Tết.
Sau nhiều ngày quen với việc sáng được ngủ nướng, vui chơi đến đêm muộn, cô chưa thể lập tức “vào guồng” khi đi làm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người vào những ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, khi tâm lý chơi Tết vẫn còn.
Xin nghỉ làm ngày đầu vì không tỉnh táo
“Cả ngày ngồi ở văn phòng, mình gần như không đủ tập trung để làm việc gì. Mình nhớ nhất hình ảnh em trai mới 5 tuổi khóc khi tiễn chị lên xe khách.
Những ngày nghỉ lễ, mình dành rất nhiều thời gian cho gia đình, lúc phải chia tay thấy rất buồn. Dù biết ít ngày nữa mình sẽ lại hòa nhập với nhịp sống và công việc như cũ, song vẫn không thể thoát được cảm giác trì trệ trong ngày đầu”, Hà Phương bày tỏ.
Hà Phương mệt mỏi sau quãng đường đi từ Nghệ An lên Hà Nội. Cô không thể tập trung vào ngày đầu quay lại văn phòng. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, Hoàng Thông (27 tuổi, lập trình viên làm việc tại Hà Nội) chia sẻ đã phải xin nghỉ buổi sáng trong ngày đầu tiên trở lại văn phòng vì ngày trước đó uống quá chén khi tham dự nhiều đám cưới.
“Mùng 6 Tết là ngày đẹp nên bạn bè mình cưới rất nhiều. Cả ngày hôm đó, mình đã đi dự 3 hôn lễ, vui nên uống rượu hơi nhiều. Đến tối lên xe khách để đi ra Hà Nội, đầu óc cứ lâng lâng. Sáng về đến phòng, vì quá đau đầu và mệt mỏi nên mình phải gọi điện xin nghỉ nửa ngày”, Thông kể.
Anh kể nghỉ Tết 9 ngày, không ngày nào không tụ tập với bạn bè và đi thăm hỏi họ hàng. Kỳ nghỉ trôi qua nhanh đến mức đến lúc phải trở lại với công việc, tâm trí Thông không thể nào bắt nhịp lại.
“Chiều khi mình lên văn phòng, không khí Tết vẫn còn. Sếp đi một vòng gửi lì xì cho nhân viên, thăm hỏi đôi câu về sức khỏe và gia đình đầu năm. Quay đi quay lại hết buổi mọi người gần như chẳng làm được gì nhiều. Buổi tối, anh em còn tổ chức đi ăn tân niên đến hơn 21h mới về”.
Hoàng Thông nói thêm rằng mỗi dịp sau Tết, cơ thể anh thường uể oải, tinh thần thiếu tập trung hơn sau nhiều ngày chỉ vui chơi và nhậu nhẹt.
Những ngày lễ thường ăn uống tùy hứng nên đến khi quay lại nhịp sống thường ngày, anh mất gần một tuần mới ăn đúng giờ, đúng bữa.
Theo Refinery 29, những ngày nghỉ lễ là khoảng thời gian rất bận rộn, tụ tập liên tục, đồng hồ sinh học thường ngày bị ảnh hưởng, vì vậy việc kiệt sức, dễ sao nhãng sau đó là điều bình thường, khó tránh khỏi.
Theo Debra Kissen, Giám đốc tại trung tâm điều trị hành vi nhận thức Light on Anxiety (Mỹ), việc bắt kịp lại mọi thứ sau kỳ nghỉ dài có thể gây ra lo lắng.
"Kết thúc kỳ nghỉ lễ cũng giống như ngày chủ nhật cuối tuần đã hết, bạn biết mình phải trở lại với trách nhiệm, nhiệm vụ, cộng với tâm lý tiếc nuối những giờ phút được nghỉ ngơi thoải mái nên tâm thế dễ mệt mỏi", ông đánh giá.
Tâm trạng uể oải sau kỳ nghỉ bắt nguồn từ việc tiếc nuối những lúc được nghỉ ngơi thoải mái khi phải quay lại guồng quay công việc, áp lực. |
Mất thời gian để cân bằng lại
"Chắc chắn rất mệt" là câu trả lời của Hà Trang (24 tuổi, giáo viên dạy nhạc) khi nói về ngày đầu đi làm sau Tết.
"Thông thường, thứ 2 đầu tuần vốn là ngày mình ít năng lượng làm việc nhất, lần này lại trùng với hôm đầu đi làm trở lại nên càng thấy chán chường hơn", Trang nói.
Trong Tết, giờ giấc sinh hoạt của cô đảo lộn nhiều.
"Những ngày được nghỉ, được chơi nên mình hát karaoke, ăn uống, đi nhậu nhiều và thức khuya đến 2-3h, gần trưa hôm sau mới tỉnh dậy. Tất cả yếu tố đó khiến cơ thể mình cũng trì trệ, nặng nề, chậm chạp theo và chưa thể quen với việc đột ngột phải dậy vào lúc 6h sáng cho kịp giờ đi làm".
Để sớm nhanh quay về guồng quay cũ, Hà Trang cho biết cô phải căn chỉnh lại thời gian, đi ngủ sớm và tập thể dục mỗi ngày cho sức khỏe phục hồi.
"Lên dây cót tinh thần sau Tết là điều cần thiết. Công việc của mình cần hướng dẫn, tương tác với học viên nhiều, không nên diện gương mặt mệt mỏi và tinh thần rệu rã vì sẽ ảnh hưởng đáng kể đến người khác", Trang nói.
Đi làm khai xuân từ mùng 4 Tết, Huy Phạm (food stylist, Hà Nội) không rơi vào trạng thái uể oải, lười biếng nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác buồn ngủ cả ngày do quen nhịp sinh hoạt trong Tết.
Tự lên kế hoạch, vạch sẵn ý tưởng là cách Huy Phạm lấy lại nhịp độ làm việc đầu năm mới. Ảnh: NVCC. |
"Trong lúc nghỉ lễ, lịch trình một ngày của mình chỉ xoay quanh vài việc như ăn uống, chúc Tết và nghỉ ngơi, khác hẳn so với ngày thường bận rộn, nhiều deadline cần hoàn thành. Vậy nên, dù các đầu việc trong ngày đầu đi làm khá nhẹ nhàng, mình vẫn thấy đầu óc đang trong trạng thái nghỉ ngơi, chưa hoạt động hiệu quả", Huy kể.
Các kỳ nghỉ khác trong năm, anh hầu như không bị tình trạng này vì chỉ nghỉ ngắn ngày.
Để quay lại nhịp sinh hoạt cũ, Huy thường mất 2-3 ngày. Còn với guồng quay công việc, thời gian kéo dài hơn, rơi vào tầm 2 tuần.
Huy cho hay với đặc thù công việc của mình, khách hàng chưa tìm tới nhiều vào thời điểm mới ra Tết. Trong tuần đầu đi làm, anh và các đồng nghiệp khá thảnh thơi vì khách hàng chưa vào guồng làm việc.
"Để quay lại năng suất cũ thì cần có bước đệm, bên studio của mình tận dụng khoảng thời gian này để nghiên cứu xu hướng thị trường, tự lên ý tưởng, concept rồi tự chụp thử nghiệm. Khi khách 'book', mình đã chuẩn bị sẵn sàng và có thể vào việc nhanh chóng", Huy chia sẻ.