Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hành sách giáo khoa mới

Chiều 20/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ GD&ĐT, đại diện một số NXB về công tác xuất bản, phát hành SGK, đồ dùng dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các Bộ GD&ĐT, Tài chính, các nhà xuất bản cùng các bộ, ngành liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm để công tác xuất bản, phát hành sách giáo khoa, đồ dùng dạy học trên tinh thần cầu thị, minh bạch vì học sinh, giáo viên cũng như công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước.

Ung dung cong nghe thong tin trong phat hanh sach anh 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phát hành sách

Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất quan điểm, đổi mới giáo dục cũng như sách giáo khoa là vấn đề được dư luận quan tâm. Do đó, việc đổi mới giáo dục cần đứng về lợi ích của học sinh, giải đáp đầy đủ, kịp thời mọi mối quan tâm của dư luận, đặc biệt của đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh.

Đến nay, sau khi tiếp nhận các bản mẫu sách giáo khoa của các nhà xuất bản, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định (2 vòng) và phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 (gồm 46 cuốn sách giáo khoa, tương ứng với 5 bộ) áp dụng từ năm học 2020-2021; danh mục sách giáo khoa lớp 2 (gồm 32 sách giáo khoa của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh); danh mục sách giáo khoa lớp 6 (gồm 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc) áp dụng từ năm học 2021-2022.

Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, UBND các tỉnh, thành phố được quyền lựa chọn các bộ sách giáo khoa, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm trong việc triển khai sách giáo khoa lớp 1 mới, đẩy mạnh công nghệ thông tin để đưa các bộ sách mới, đang trong quá trình xem xét, thẩm định đến giáo viên, phụ huynh, toàn xã hội; từ đó, tiếp thu được nhiều ý kiến.

Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố sớm có chỉ đạo trong việc lựa chọn các bộ sách giáo khoa mới phù hợp để phụ huynh, học sinh sớm nắm được thông tin, giáo viên sự chuẩn bị, tìm hiểu sâu nội dung, phương pháp giảng dạy. Đồng thời, các nhà xuất bản xác định được nhu cầu, số lượng sách giáo khoa để chuẩn bị in ấn, phát hành.

Bên cạnh đó, đại diện các Bộ Tài Chính, GD&ĐT cho rằng theo quy định hiện nay, giá của sách giáo khoa đã có quy định của pháp luật, thực hiện kê khai giá. Trong quá trình kê khai, các nhà xuất bản đã trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính trên quan điểm “có những bộ sách giáo khoa tốt về nội dung, hình thức, thuận lợi cho việc học của học sinh.

Các ý kiến nhất trí Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành các văn bản, làm căn cứ cho các nhà xuất bản có quyết định phù hợp nhất về khổ sách, chất lượng giấy... đảm bảo chất lượng tốt, phù hợp với giáo dục phổ thông của đất nước, tránh tình trạng “nếu không có quy định, xu thế, các nhà xuất bản sẽ sử dụng các loại giấy, kỹ thuật in tốt nhất… dẫn tới giá sách giáo khoa cao hơn”.

Các ý kiến cũng thống nhất, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến công tác phát hành sách giáo khoa, từ đó, nắm rõ số lượng sách, đáp ứng nhu cầu cho từng học sinh; góp phần đổi mới căn bản công tác phát hành sách giáo khoa, tránh tình trạng sách giáo khoa giả; giảm đáng kể tỷ lệ (trên 23%) cho phát hành sách hiện nay.

Huy động toàn xã hội góp ý vào quá trình biên soạn sách giáo khoa

Đối với sách tham khảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ đã tiến hành rà soát tình hình sử dụng sách tham khảo trong trường phổ thông, theo dõi tình hình dư luận, mối quan tâm của phụ huynh, giáo viên...

Trong quá trình đổi mới sách giáo khoa theo hình thức “cuốn chiếu” những năm tới, yêu cầu đặt ra với sách giáo khoa các cấp gắn với phương phương thức giảng dạy mới nên nội dung trong sách giáo khoa đã bao hàm kiến thức cần thiết. Sách tham khảo được sử dụng rất hạn chế, có trường mua sách để trong thư viện, giáo viên đọc thêm để tham khảo, một số học sinh có năng khiếu mua thêm để nâng cao năng lực...

“Cơ bản, Bộ GD&ĐT không khuyến khích học sinh dành quá nhiều thời gian cho sách tham khảo, ngoài một số em có năng khiếu đặc biệt. Đối với học sinh bậc tiểu học, phương thức dạy học đổi mới gắn với sách giáo khoa theo tinh thần “chơi mà học, học mà chơi”, tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế, giảm bớt áp lực”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh việc phân định rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các tỉnh, thành phố, bộ, ngành trong việc chăm lo cho giáo dục đào tạo. Để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, cần nâng cao công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

TP.HCM phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6

UBND TP.HCM vừa phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6, điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022.

https://baotintuc.vn/ban-tron-giao-duc/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-phat-hanh-sach-giao-khoa-moi-20210420202005228.htm

Diệp Trương / Thông Tấn Xã Việt Nam

Bạn có thể quan tâm