Một ứng dụng giúp con người tìm nơi tránh nóng.
Một chính sách bảo hiểm trả tiền cho phụ nữ đi làm khi nhiệt độ tăng cao.
Luật địa phương giúp người lao động ngoài trời được cung cấp nước và bóng râm vào ngày nắng nóng.
Khi nhiệt độ tăng cao một cách đáng báo động, hàng loạt sáng kiến đang nổi lên trên khắp thế giới nhằm bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất trước mối nguy hiểm.
Điều đáng chú ý là nỗ lực này không đòi hỏi công nghệ chưa qua kiểm chứng. Thay vào đó, chúng dựa trên ý tưởng thực tế, đã được biết tới là có hiệu quả, theo New York Times.
Chúng cho thấy nhu cầu thích nghi với mối nguy hiểm mới trước tình trạng biến đổi khí hậu, sau các vụ việc gần đây như hơn 1.300 người hành hương tử vong do nắng nóng ở Saudi Arabia.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết nắng nóng đã khiến nhiều người thiệt mạng hơn bất cứ mối nguy hiểm thời tiết khắc nghiệt nào. Vì vậy, họ kêu gọi thế giới cung cấp thêm nhiều “sản phẩm và dịch vụ phù hợp với khí hậu” để bảo vệ sức khỏe con người.
Ứng dụng điện thoại giúp giảm nắng nóng bắt đầu ở Hy Lạp và giờ đã lan rộng ra một số thành phố châu Âu. Ảnh: New York Times. |
Ứng dụng chống nóng
Iphigenia Keramitsoglou là nhà vật lý khí quyển chuyên về dữ liệu viễn thám. Bà quan sát thế giới từ những vệ tinh ở rất xa. Tuy nhiên, phần lớn công việc của bà lại không hề xa lạ.
Tiến sĩ Keramitsoglou đã dẫn dắt một đội ngũ xây dựng ứng dụng di động để cung cấp cho người dùng thông tin về cách giữ mát theo thời gian thực.
Theo đó, bạn chỉ cần nhập vị trí vào Extrema Global và ứng dụng sẽ hiển thị nhiệt độ bên ngoài, chất lượng không khí cùng mức độ rủi ro nhiệt được mã hóa bằng màu.
Nó cũng hiển trị trên bản đồ địa điểm giúp làm mát như công viên, hồ bơi, đài phun nước hay các tòa nhà công cộng có máy lạnh, bao gồm thư viện.
Hãy cho ứng dụng biết bạn muốn đi đâu - chẳng hạn từ căn hộ đến bảo tàng - và nó sẽ cung cấp 3 tùy chọn: Tuyến đường nhanh nhất, tuyến đường mát nhất và tuyến đường mát nhất có nơi để nghỉ ngơi.
Iphigenia Keramitsoglou, nhà vật lý đã giúp tạo ra ứng dụng tìm nơi giải nhiệt. Ảnh: New York Times. |
Thông tin này được chắt lọc từ dữ liệu hữu ích mà tiến sĩ Keramitsoglou - giám đốc nghiên cứu tại Đài quan sát Quốc gia ở Athens (Hy Lạp) - biết là có sẵn nhưng chưa được tổng hợp một cách hữu ích, bao gồm dữ liệu thời tiết, bản đồ cây xanh, vị trí bể bơi trong thành phố.
“Còn gì tuyệt hơn việc đưa tất cả thông tin này đến tay mọi người?”, bà nói. "Đây là động lực, đưa những điều mà tôi biết là tồn tại đến tay của mọi người, để thông tin này có thể hữu ích và cứu sống nhiều người".
Hy Lạp ở tuyến đầu của nắng nóng và cháy rừng trong nhiều năm qua.
Trong tháng này, khi nhiệt độ tăng vọt lên hơn 38 độ C, cuộc sống của hàng loạt cư dân và du khách bị ảnh hưởng vì các vấn đề liên quan đến nhiệt độ. Tại Athens, chính quyền đóng cửa Acropolis - địa điểm thu hút khách du lịch - với lý do thận trọng.
Phiên bản đầu tiên của Extrema Global được ra mắt vào năm 2018 tại Athens.
Ứng dụng này kể từ đó đã mở rộng đến các nơi, bao gồm Paris (Pháp), Milan (Italy) và Rotterdam (Hà Lan). Những thành phố khác cũng phát triển ứng dụng tương tự.
Chẳng hạn, Melbourne (Australia) tạo ra ứng dụng bản đồ chỉ dẫn tuyến đường có bóng râm cho người đi bộ và xe đạp. Trong khi đó, Barcelona (Tây Ban Nha) có ứng dụng di động lập bản đồ các đài phun nước trong thành phố.
Chính sách bảo hiểm nhỏ, tác động lớn
Hansa Ahir (55 tuổi), có 2 đứa cháu, thường đi làm từ trước khi Mặt Trời mọc. Công việc của bà giúp giữ cho thành phố không bị chìm trong đống rác thải.
Hàng ngày, Ahir sẽ lội qua đống rác ở thành phố Ahmedabad nổi tiếng của Ấn Độ và thu thập thứ có thể tái chế - chai soda, lon cà chua, lọ thủy tinh - sau đó mang về nhà làm sạch, phân loại và bán.
Trung bình, bà kiếm được 200 rupee (khoảng 2,40 USD) mỗi ngày.
Tuy nhiên, bà chia sẻ kể từ tháng 3, nắng nóng gay gắt khiến thu nhập của bà giảm một nửa.
Chỉ cần đến giữa buổi sáng, trời đã trở nên quá nóng để có thể làm việc. Cánh tay bà đỏ bừng vì phát ban. Xung quanh không có vòi công cộng để bà lấy nước. Cuối cùng, sau nhiều ngày, Ahir bị ốm.
Hansa Ahir (bên trái) kiếm sống bằng nghề thu gom rác thải tái chế ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: New York Times. |
Dù vậy, một chương trình bảo hiểm nhỏ đang cứu bà khỏi cảnh nợ nần và tiếp tục cố gắng.
Chương trình bảo hiểm được cung cấp bởi Hiệp hội Phụ nữ Tự doanh - tổ chức gồm 2,9 triệu phụ nữ mà Ahir đã tham gia 20 năm trước. Nó hoạt động như mạng lưới an toàn vào ngày nắng nóng nguy hiểm.
Theo đó, khi nhiệt độ được dự báo đạt mức nguy hiểm, Ahir sẽ nhận được tin nhắn cảnh báo trên điện thoại di động. Và khi nhiệt độ thực tế đạt đến ngưỡng đó, khoản thanh toán bảo hiểm sẽ được kích hoạt.
Vào tháng 5, khi nhiệt độ cao nhất của thành phố đạt 40 độ C trong 3 ngày liên tiếp, Ahir đã nhận được khoản thanh toán 400 rupee (khoảng 4,8 USD) vào tài khoản ngân hàng. Với số tiền đó, bà đã mua thuốc và đồ tạp hóa.
Tháng 6, khi nhiệt độ cao nhất trong ngày tăng vọt lên 46 độ C, bà nhận được thêm 750 rupee (khoảng 9 USD). Bà đã trả một phần tiền thuê nhà bằng số tiền đó.
Kathy Baughman McLeod. Ảnh: New York Times. |
Ahir chỉ tốn khoản phí 200 rupee (khoảng 2,40 USD)/năm để nhận hợp đồng bảo hiểm như vậy.
“(Lúc đó), tôi rất ngạc nhiên. Tôi chưa bao giờ nghe nói về loại bảo hiểm bảo hiểm khi không thể làm việc dưới trời nóng”, Ahir chia sẻ.
Ý tưởng bảo hiểm này được chuyên gia tài chính khí hậu người Mỹ - Kathy Baughman McLeod - người đứng đầu nhóm phi lợi nhuận Climate Resilience for All, đề xuất cho hiệp hội phụ nữ.
Năm nay, 50.000 thành viên đã đăng ký, bao gồm người bán hàng ở chợ, nông dân và người tái chế rác thải như Ahir.
“Chúng tôi đang học cách giải quyết vấn đề nhiệt độ. Đó là thực tế mới mà mọi người đang phải đối mặt”, Baughman McLeod cho hay.
Quyền hợp pháp
Trước khi vào trung học cơ sở, Edgar Franks từng có thời gian giúp cha mẹ làm việc đồng áng. Vì vậy, từ khi còn nhỏ, anh đã hiểu được nỗi vất vả của nghề này.
Năm nay Franks 44 tuổi và anh đang tiếp tục giúp nhiều người nông dân, nhưng trên một góc độ khác. Đó là thích nghi với mối nguy hiểm mới: Nhiệt độ khắc nghiệt, đôi khi xen lẫn khói cháy rừng dày đặc trên cánh đồng.
Franks đã tập hợp và dẫn dắt những người làm ở nông trại gây sức ép với tiểu bang Washington (Mỹ) nhằm đưa ra quy định mới bảo vệ sức khỏe của họ.
Khi nhiệt độ lên tới 26,6 độ C, theo luật, họ có quyền yêu cầu bóng râm, nước và giờ nghỉ giải lao có lương.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, những người lao động ngoài trời thuộc ngành nông nghiệp và xây dựng là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong số 2,4 tỷ lao động có nguy cơ gặp rủi ro từ nhiệt độ cao trên toàn thế giới.
Edgar Franks đã giúp những người làm việc ngoài trời vận động để nhà chức trách đưa ra quy định mới. Ảnh: New York Times. |
Washington là một trong 5 tiểu bang duy nhất ở Mỹ có quy định bảo vệ người lao động ngoài trời. Các quy định Washington lần đầu tiên được ban hành vào năm 2008, nhưng ngưỡng cũ 31,6 độ C không đủ để bảo vệ họ.
Các quy tắc khẩn cấp hiện tại, với ngưỡng thấp hơn, sau đó được hoàn thiện vào năm 2023.
Ông Ramon (39 tuổi), không xa lạ với mối nguy hiểm của cái nóng.
Nhiệt độ cao đã làm trầm trọng thêm đợt hạn hán kéo dài ở quê nhà ông tại Oaxaca, Mexico, hơn 20 năm trước. Những người hàng xóm của ông phải vật lộn để trồng ngô. Các giếng nước cạn kiệt. Nhưng không có việc làm nào khác ở gần đó. Vì vậy, ông Ramon đã rời đi và đến California, sau đó là Oregon, rồi các cánh đồng dâu tây ở Washington.
Franks nói rằng mùa hè đã thay đổi kể từ thời niên thiếu của ông.
“Nó trở nên tệ hơn nhiều. Bạn có thể nhận thấy điều đó”, ông nói. “Bạn có thể cảm nhận được sức nóng, ngay cả khi nhiệt độ chỉ mới hơn 26,6 độ C”.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.