Ước mơ dang dở của cậu bé viết bằng chân
“Em sẽ không học tiếp. Em chỉ mong tìm được một nghề phù hợp với mình thôi” – câu nói của cậu học trò tật nguyền Vi Văn Đại (lớp 9B Trường THCS xã Thiện Kỵ, Hữu Lũng, Lạng Sơn) khiến không ít người băn khoăn.
>> Chàng trai thiểu năng với chiến tích trên đường chạy
>> Nữ sinh gốc Việt bị giam từ chối hơn 2 tỷ đồng
Mẹ bỏ đi lúc em mới chào đời, bố làm ăn ở Đắc Nông, cậu bé tật nguyền người dân tộc Nùng Vi Văn Đại sống chủ yếu nhờ vào sự đùm bọc, cưu mang của ông bà nội.
Nhớ lại những ngày ấy, bà Thiệu Thị Chung (bà nội Đại) rơm rớm nước mắt: “Lúc cháu mới sinh ra, hình hài dị dạng, tay chân còng queo nên chỉ được hơn 1 tháng, mẹ cháu sợ quá nên bỏ nhà đi luôn. Bố cháu tuy thương con nhưng cũng chỉ ở lại được một thời gian, sau đó đành phải đi vào tận Đắc Nông làm kinh tế để có tiền trang trải nuôi sống gia đình và quyết tâm chữa chạy cho con”.
Vậy là từ đó, Đại lớn lên dưới đôi bàn tay chăm sóc của hai ông bà, những đồng tiền mà bố em dành dụm được cũng chỉ chạy chữa cho cháu đôi chân, còn tay thì đành chịu. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường, em vẫn theo học hết chương trình THCS như những bạn bè bình thường khác, thậm chí còn học rất giỏi.
Thầy giáo Hứa Văn Sống, chủ nhiệm lớp 9B cho biết: Em Đại là một trong những học sinh có học lực tốt, trong 9 năm học em liên tục đạt học sinh tiên tiến, trong đó các năm tiểu học em đều đạt loại giỏi và chưa nghỉ buổi học nào trong năm nay. Tuy mọi sinh hoạt, học tập đều phải dùng chân nhưng chữ viết của Đại khá đẹp, em còn học rất tốt tiếng Anh, làm toán, vẽ đồ thị hàm số, sử dụng com pa…thậm chí cả vẽ tranh em cũng rất giỏi. Không những vậy, em còn giúp đỡ các bạn khác học yếu hơn mình.
Góc học tập của Đại. |
Học giỏi là vậy nhưng khi đề cập đến tương lai, giọng em buồn rười rượi: “Có lẽ em sẽ không học tiếp, em chỉ mong sao tìm được một nghề phù hợp với mình mà thôi”.
Khi tôi đưa câu chuyện này trao đổi với thầy giáo chủ nhiệm, thầy thật sự bất ngờ: “Tôi cho rằng đó là một quyết định không phù hợp, bởi vì em thừa sức theo học cao hơn và có khả năng phát triển tốt. Vì mới nghỉ hè nên tôi cũng chưa hỏi em điều này. Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục gia đình để em có điều kiện được học cao hơn”.
Còn thầy Nguyễn Mạnh Hằng - Phó hiệu trưởng trường THCS Thiện Kỵ cho biết: “Thật ra trong nhưng năm qua, em Đại cũng được một số tổ chức từ thiện trong và ngoài nước giúp đỡ như Hội Việt Kiều tại CHLB Đức, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Lạng Sơn... Số tiền không nhiều nhưng cũng đã phần nào giảm bớt những khó khăn cho em và gia đình”.
Tuy nhiên, cái khó khăn ở đây không chỉ riêng kinh tế mà còn trong sinh hoạt, nếu cháu theo học cấp 3 sẽ phải đi xa hơn chục cây số đường rừng, ông bà đã già yếu không thể đi theo để chăm sóc cháu.
Theo Giáo dục và Thời đại