Sau khi tốt nghiệp vào cuối năm 2020, Hoàng Quý Bình (25 tuổi) - người sáng lập tổ chức vì môi trường Green Life và chuỗi thư viện cộng đồng D Free Book tại Hà Nội - quyết định Nam tiến để tiếp tục hành trình hoạt động vì xã hội với dự án Nhà nhiều Lá.
Nhà nhiều Lá thực chất là một phòng trọ nhỏ nằm trong hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM). Trong những ngày đầu chuẩn bị, Bình cùng các tình nguyện viên trang trí và sắp xếp lại căn phòng, biến nơi đây thành một thư viện mở để các bạn trẻ có thể đến đọc sách, ôn bài hoặc đơn giản là trò chuyện tâm tình.
Tâm sự với Zing, Quý Bình nói Nhà nhiều Lá có thể được xem như tổ hợp những dự án tâm huyết anh từng thực hiện ở Hà Nội.
“Đến với Nhà, bạn không chỉ được đọc sách mà còn có thể tham gia vào các hoạt động môi trường như thu gom, tái chế rác hoặc đơn giản là trải nghiệm một không gian bình yên, tĩnh lặng”, chàng trai 26 tuổi chia sẻ.
Hoàng Quý Bình (phải) - chủ nhiệm dự án Nhà nhiều Lá. Ảnh: Fanpage Nhà nhiều Lá. |
Hành trình lan tỏa giá trị tích cực
Bình kể, anh chưa từng nghĩ sẽ có ngày vào Nam để theo đuổi đam mê hoạt động xã hội.
“Một ngày nọ, mình cảm thấy muốn thúc đẩy văn hóa đọc cũng như phát triển lối sống cho các bạn trẻ ở những nơi xa hơn Hà Nội. Vậy là mình quyết định vào TP.HCM".
Có người ngạc nhiên và thắc mắc khi biết Bình bỏ qua nhiều lời mời làm việc hấp dẫn tại thủ đô để theo đuổi các dự án xã hội. Nhưng Bình luôn tâm niệm phải sống trách nhiệm với cộng đồng trước rồi mới tính đến bản thân nên vẫn tiếp tục hành trình của mình.
“Thời gian đầu, mình cũng loay hoay mãi vì chẳng quen biết ai. Mọi thứ đề phải tự tìm hiểu và xử lí. May mắn sao nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bạn tình nguyện viên nên Nhà nhanh chóng đi vào hoạt động”, chàng trai kể về những ngày làm quen thành phố mới.
Các bạn trẻ đến Nhà nhiều Lá để đọc sách và tham gia làm tình nguyện viên. Ảnh: Fanpage Nhà nhiều Lá. |
Nhà nhiều Lá đi vào hoạt động bằng việc kêu gọi quyên góp sách cũ để xây dựng thư viện miễn phí. Bình cho biết muốn làm nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc. Anh tin rằng, càng có nhiều thời gian đọc sách, con người càng hiểu biết nhiều về thế giới và tăng khả năng chữa lành cho tâm hồn.
Điểm đặc biệt của thư viện này là không cần bạn đọc để lại tiền, giấy tờ hay làm thẻ mà chỉ cần đặt cọc “niềm tin” để mượn sách.
“Khi thực hiện mô hình thư viện này ở Hà Nội, tụi mình không tránh khỏi thất thoát nhưng ‘sách nằm yên là sách chết’, nên mình cũng không buồn vì đó cũng là một cách để sách được ‘sống’. Hiện thư viện của Nhà có hơn 500 đầu sách thuộc nhiều thể loại, sẵn sàng trao đến tay bất kì ai đang cần”, anh chủ Nhà chia sẻ.
Minh Vy (22 tuổi) cho biết đã ghé thư viện Nhà nhiều Lá được 2 lần và cảm thấy ấn tượng bởi không gian thoáng đãng, mát mẻ và thân thiện.
“Cách anh Bình và các tình nguyện viên đón khách luôn ân cần, làm mình luôn cảm thấy được chào đón. Mình tới chủ yếu để tặng sách cho thư viện nhưng có lẽ sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để ngồi lại đọc. Mình thích nơi được trang trí đẹp mắt lại có nhiều cây xanh như thế này”, cô bạn vui vẻ nói.
Một số hình ảnh về Nhà nhiều Lá. |
Bên cạnh đó, Bình và các tình nguyện viên còn tổ chức các buổi thu gom và phân loại rác thải trong khu vực. Ban đầu, nhóm bạn trẻ chưa nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân vì họ cho rằng công việc này không có tính lâu dài. Tuy nhiên, sự hăng hái và nhiệt tình của các thành viên Nhà nhiều Lá đã làm các cô bác sống gần đó cảm động và ủng hộ nhiều hơn.
Nhã Trúc (sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ về một buổi thu gom rác: "Tụi mình đã chuẩn bị khá nhiều túi ni-lông cũ để đựng rác nhưng vẫn không đủ. May là ngay lúc đó được một bác cho thêm túi để nhóm hoàn thành công việc.
“Nhiều cô chú khác còn hỏi thăm và động viên nên mình thấy vui lắm. Cách họ nhìn tụi mình cũng thân thiện và vui vẻ hơn. Hy vọng những buổi thu gom này sẽ phần nào tác động được đến thói quen xả rác của người trong khu vực này và lan tỏa đến nơi khác”, Trúc bộc bạch.
Mong muốn “Nhà” sẽ thật sự là nhà
Khi được hỏi về ý nghĩa tên gọi Nhà nhiều Lá, Bình nói: “Sài Gòn nắng nóng quanh năm nên mình muốn mang lại điều gì đó mát mẻ, dễ chịu, thế là nghĩ đến những tán lá xanh. Mình cũng muốn nơi này trở thành một chốn thân thuộc, ấm áp để các bạn có thể ‘về’, từ đó cái tên Nhà nhiều Lá ra đời”.
Anh chia sẻ, mình và các cộng sự chưa nghĩ nhiều về những điều lớn lao. Họ chỉ mong sẽ nhiều người biết đến và ghé thăm Nhà để có thể cùng trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau.
“Nhịp sống ngày một vội vã làm người ta vô tình quên mất bản thân cũng cần được dừng lại một chút để nghỉ ngơi. Nhà nhiều Lá được xây dựng là để tạo ra một môi trường như vậy - bình yên, dịu dàng và tràn ngập sự tích cực để tiếp thêm động lực cho những người trẻ".
Nhà nhiều Lá được xây dựng để tạo ra một môi trường thân thiện và gần gũi với người trẻ TP.HCM. |
Tuy nhiên, lượng khách mỗi ngày vẫn chưa nhiều. Ngoài lí do nhiều người chưa biết đến Nhà, các bạn vẫn còn ngại nên chưa dành thời gian ngồi lại đọc sách hay trò chuyện.
"Chính vì vậy, mình và các tình nguyện viên mong rằng câu chuyện của Nhà sẽ được lan tỏa đến nhiều bạn trẻ hơn nữa, để họ biết rằng mình luôn có một nơi để đến khi cần sẻ chia” - anh trải lòng.
Hiện nay, để trang trải tiền thuê nhà, Bình và các tình nguyện viên tổ chức bán cây cảnh và các đồ dùng thân thiện với môi trường như ống hút tre, xơ mướp, xà phòng hữu cơ,…
Dù biết trong tương lai sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng Quý Bình và những người bạn đồng hành vẫn quyết tâm duy trì các hoạt động của Nhà nhiều Lá.
“Điều mình quan tâm bây giờ là làm sao để nơi này luôn tồn tại và phát triển. Phải như vậy mới có thể tiếp tục hành trình lan tỏa những giá trị tốt đẹp và hạnh phúc đến với cộng đồng, đặc biệt đến những bạn trẻ ở TP.HCM”, anh chia sẻ với Zing.