Cùng với trà xanh, trà mạn, nhân trần đang là thức uống thông dụng đối với các gia đình. Quan niệm về nước nhân trần, không ít người cho rằng, đây là thức uống mát gan, giải độc gan và có tính mát… Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch hội Đông Y Việt Nam cho biết: nhân trần chỉ phù hợp với những bệnh nhân ở thể hàn tích (người béo, tiêu hóa kém), gan kém, không tiêu hóa tốt…
“Gan kém cũng phải tùy giai đoạn, không phải lúc nào cũng uống được. Đặc biệt chống chỉ định với những người bình thường, gan không nóng vì uống nhiều có thể gây teo gan”, bác sĩ Hướng cảnh báo.
Giải thích quan điểm này, ông Hướng cho biết, việc uống nhân trần hàng ngày đối với người không có bệnh về gan có nghĩa là là bắt gan và mật phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và quá tải. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, nếu không có bệnh lý về gan, tuyệt đối không nên dùng nhân trần, bởi thức uống này sẽ làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể. Ngoài ra, nhân trần có tính năng lợi tiểu, đào thải nhanh, do đó nếu uống nhiều, các chất dinh dưỡng để nuôi thai có thể bị đào thải nhanh chóng. Thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, thậm chí chết lưu... Kể cả sau sinh, nếu uống nhân trần, người mẹ dễ bị mất sữa hoàn toàn hoặc còn rất ít sữa.
Đặc biệt, khi nấu nhân trần, các gia đình thường thêm cam thảo. bác sĩ Hướng cho biết, việc này dẫn đến tác hại không ngờ cho cơ thể. Bởi, cam thảo là chất dẫn thuốc, khiến cho thuốc phát huy tác dụng hơn và nó có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải, hai vị thuốc trái ngược nhau được sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể.
Nói thêm về nhân trần, vị bác sĩ này khuyến cáo, nó thực ra là thuốc, mà thuốc thì rất độc đối với người không có bệnh. Trong đông y, thuốc được chia thành 3 loại. Trừ loại cá biệt, nếu loại thuốc vừa làm rau vừa làm thuốc được thì không có tính năng chữa bệnh; đối với loại được coi là thuốc thì việc sử dụng thay cho các thực phẩm, thức uống hàng ngày đều vô cùng nguy hiểm.
“Sử dụng thuốc không đúng như con dao hai lưỡi nên mọi người cần cân nhắc khi uống thuốc nhân trần thay cho nước lọc”, bác sĩ đông y này khuyến cáo.