Bệnh nhân là Nông Thị Lực thường trú tại Đồng Bàng, Tân Yên, Hàm Yên, Tuyên Quang. Người nhà bệnh nhân cho hay, bệnh nhân được phát hiện sỏi thận khoảng hơn 10 năm nay, đã đi tán sỏi ngoài cơ thể tại một bệnh viện khác và tự mua thuốc nam về sắc uống, vì nghĩ thuốc nam có thể làm tiêu sỏi nên bà đã uống thuốc nam thay nước lọc, thời gian uống được khoảng 10 năm. Chỉ đến khi thấy thường xuyên bị đau mạng sườn phải bà mới đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để khám.
Hình ảnh sỏi thận trên phim chụp Xquang (ảnh BV) . |
Ths. Ma Ngọc Ba, Trưởng khoa Ngoại Thận – Tiết niệu người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, qua các kết quả siêu âm và chụp X-Quang cho thấy, bệnh nhân bị sỏi thận bên phải đóng khuôn kín hết các đài thận, kích thước sỏi lớn nên sau khi hội chẩn các bác sỹ đã quyết định phẫu thuật mở cho bệnh nhân. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và đã từng tán sỏi nội soi, bị viêm khớp và thoái hóa cột sống thắt lưng, dùng thuốc nam trên 10 năm và dùng nhiều loại thuốc khác nên ảnh hưởng đến chức năng thận.
Hình ảnh viên sỏi thận sau khi được lấy ra (ảnh BV) . |
Cũng theo BS. Ba, đây là một ca bệnh khó đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và rất tỉ mỉ vì các tổ chức quanh thận dính chặt lấy thận, dẫn đến việc bóc tách thận khó khăn và mất nhiều thời gian phẫu thuật hơn các ca khác.
Sau 2 tiếng phẫu thuật, các bác sỹ tiến hành mở thận theo phương pháp Bival, có đá hạ nhiệt, lấy toàn bộ sỏi đúc khuôn trong đài bể thận ra khỏi thận và bảo tồn được thận.
Ths. Ma Ngọc Ba đang kiểm tra hậu phẫu cho bệnh nhân (ảnh BV)
Hiện tại sau 1ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã đỡ đau, vết mổ khô, các chỉ số sinh tồn ổn định, bệnh nhân tiến triển tốt.
Được biết, trước đây, với những ca bệnh tương tự như thế này, Bệnh viện đa khoa tỉnh thường phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Nhưng hiện nay, đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện đa khoa tỉnh với trình độ chuyên môn cao và vững vàng, đã thực hiện được kỹ thuật lấy sỏi bằng phương pháp Bival có đá hạ nhiệt, giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến.