Trà sữa là đồ uống quen thuộc của giới trẻ, thậm chí cả người cao tuổi. Tuy nhiên, loại đồ uống này khiến nhiều người rơi vào cảnh “hối hận không kịp” vì đã lỡ miệng.
Mất ngủ vì trà sữa
Thanh My (28 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ bản thân đã ít nhất 2 lần thức thâu đêm vì uống trà sữa trước khi đi ngủ. Sau đó, cô không thể nào chợp mắt dù rất mệt. Kết quả, gần 6h sáng, cô mới có thể thiếp đi chừng 5 phút.
“Tôi không nghĩ thủ phạm là trà sữa cho tới lần thứ 2 bị mất ngủ vì loại đồ uống này. Dù rất thích nhưng có lẽ từ nay, tôi sẽ không bao giờ dám uống trước khi đi ngủ”, My chia sẻ.
Không chỉ Thanh My, nhiều người cũng chia sẻ gặp tình trạng tương tự khi uống loại đồ uống này. TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết trà sữa cơ bản thường gồm các thành phần là trà, sữa, trân châu, đường...
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Ảnh: BSCC. |
Trong đó, các loại trà cơ bản thường được sử dụng gồm trà đen, trà xanh, trà trắng và trà ô long.
Uống trà sữa ngay sau khi ăn có thể khiến người uống gặp phải những vấn đề tiêu hóa. Do trà xanh có trong chúng có thể gây rối loạn hấp thụ protein của cơ thể. Hơn nữa, việc uống quá nhiều trà sữa sau khi ăn no có thể gây đầy bụng, khó tiêu, từ đó dẫn đến hiện tượng mất ngủ. Đặc biệt, caffeine trong trà có trong loại đồ uống này là nguyên nhân gây mất ngủ. Do đó, người dân không nên uống vào thời điểm trước khi đi ngủ.
Liên quan tới thành phần trà có trong trà sữa, TS Sơn lưu ý hiện nhiều cửa hàng lại thường tẩm thêm hương liệu (hương nhài, hương sen) để có thêm hương vị quyến rũ.
“Nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rất có thể những loại hương liệu này sẽ có chứa các hóa chất độc hại. Hóa chất hương nhài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P - dimethoxy penzin, đều là những chất độc hại gốc hữu cơ”, TS Sơn khuyến cáo.
Một ly trà sữa chứa bao nhiêu calo?
Theo TS Sơn, do thành phần chủ yếu là từ tinh bột, nên mặc dù nhìn những hạt trân châu này rất nhỏ bé, nhưng lại có chứa rất nhiều năng lượng. Một hạt trân châu có thể chứa tới 5-14 kcal. Thông thường, một cốc trà sữa sẽ thường được thêm 2 thìa trân châu, có thể cung cấp tới 100 kcal. Bên cạnh đó, một ly trà sữa trân châu có thể sẽ chứa tới 50 g đường (cung cấp 200 kcal).
Ngày nay, thành phần của trà sữa không chỉ có trân châu mà còn được bổ sung thêm nhiều loại đồ đi kèm (thường được gọi là topping), như pudding trứng, kem phô mai, thạch… Tùy từng loại lượng calo sẽ tăng lên hoặc giảm đi, so với trân châu, kem phô mai có thể sẽ chứa nhiều năng lượng hơn, thạch có thể sẽ chứa ít năng lượng hơn.
Ngoài ra, nếu uống trà sữa có hương vị hoa quả, các cửa hàng còn cho thêm siro trái cây. Đây cũng là một nguồn cung cấp calo cho cơ thể. Tổng cộng, một ly trà sữa trân châu có thể cung cấp tới 335 kcal.
“Do chứa nhiều đường và calo, nên nếu uống quá nhiều trà sữa, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt, các bạn học sinh, đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng”, TS Sơn lo ngại.
Chuyên gia cũng lưu ý ngoài những thương hiệu nổi tiếng sử dụng các loại sữa tươi, sữa đặc, đa số thương hiệu nhỏ đều sử dụng kem béo (không phải sữa). Loại kem béo này so với sữa có lượng canxi, vitamin A, D, protein rất thấp. Chúng còn chứa rất nhiều dầu thực vật được hydro hóa, có thể gây tác động tiêu cực tới sức khỏe như làm tắc mạch máu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt.
Do đó, để uống trà sữa vẫn tốt cho sức khỏe, người dân nên chọn loại đảm bảo các tiêu chí như chế biến tại các cửa hàng uy tín, sử dụng loại nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng loại ít đường hoặc không đường, sử dụng sữa tươi để pha trà sữa.
“Một ly trà sữa trân châu có thể không có tác động đến sức khỏe, nhưng đây không phải là món đồ uống có thể sử dụng hàng ngày. Trà sữa không phù hợp với trẻ nhỏ, không uống thay bữa chính, cần tránh sau khi ăn và trước giờ đi ngủ", TS Sơn khuyến nghị.