Sáng 31/7, cựu thượng tá Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út "trọc", 47 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) được quyền tự bào chữa sau khi nghe đại diện VKS quân sự đề nghị mức án từ 12-15 năm tù về 2 tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
'Bị cáo là nông dân, sống rất tình nghĩa'
Đinh Ngọc Hệ trình bày, liên quan đến thế chấp, cho thuê xe ông ta đều xin ý kiến tổng công ty, HĐQT đồng ý thì mới dám quyết định việc cho thuê hay thế chấp. Hơn nữa, trong số xe cho thuê có cả xe gắn biển 80A trắng và biển 80M.
Theo lời tự bào chữa, khoản tiền hơn 6 tỷ thu được là lấy tiền trước để cho thuê hạn 3 năm nhưng trên thực tế mới chỉ được 1 năm. 2 năm sau đó, các xe đã được chuyển qua biển trắng của địa phương.
Về việc cho mượn xe, bị cáo nói bản thân sống rất tình nghĩa với mọi người trên dưới. Khi xin tờ trình, các cấp từ tổng công ty đều xác nhận và khẳng định cấp xe để hoạt động kinh doanh, đối nội lẫn đối ngoại.
“Những người bị cáo cho mượn để đối ngoại đều có nhân thân tốt”, bị cáo Hệ bày tỏ và cho biết, khi giao xe hay thế chấp, tổng công ty đã kiểm tra nhưng không hề có chỉ đạo hay góp ý gì.
Đinh Ngọc Hệ và các bị cáo tại tòa. Ảnh: TTXVN. |
Về cáo buộc chỉ đạo hợp thức hóa lượng xăng kém chất lượng, Út “trọc” phân trần trong suốt quá trình, ông ta không biết gì cho đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án và VKS công bố cáo trạng.
Bị cáo quê Ninh Bình giải thích rằng bản thân không có trình độ, năng lực quản lý sổ sách hạn chế nên mới phải thuê giám đốc điều hành. Quá trình làm việc, Ban giám đốc điều hành tự chủ động, quyết định công việc.
"Bây giờ tất cả quy chụp hết cho bị cáo. Mong HĐXX xem xét, những gì thuộc trách nhiệm người đứng đầu bị cáo xin chấp nhận. Bị cáo không hưởng lợi gì từ Công ty Thái Sơn", Hệ phân bua.
Đối với cáo buộc sử dụng bằng đại học giả, Đinh Ngọc Hệ tái khẳng định: "Bị cáo là nông dân, vào Nam ở với người thân và sống với anh em rất tình cảm. Do đó, khi nghe anh em xã hội nói không cần học bị cáo cũng nghĩ đơn giản. Khi ủy ban kiểm tra vào cuộc, bị cáo đã nói đây là lỗi vô ý chứ không phải cố ý".
Luật sư bào chữa: Đinh Ngọc Hệ không lợi dụng chức vụ
Trước đó, luật sư bào chữa cho Đinh Ngọc Hệ khẳng định, bị cáo trực tiếp ký hoặc chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng thế chấp xe biển quân sự và biển xanh, hành vi đó không trái quy định. Công ty Thái Sơn thế chấp xe đã được HĐQT và cổ đông thông qua 100%.
“Do đó, ông Hệ ký các hợp đồng thế chấp xe, bảo lãnh vay tiền là thực hiện đúng nhiệm vụ của mình”, luật sư đánh giá và cho rằng, mục đích cho thuê xe công vụ cũng phù hợp do số xe đó là tài sản của Công ty Thái Sơn. Ngoài ra, cáo trạng cũng không chứng minh được thiệt hại từ việc cho thuê, thế chấp ôtô gây ra.
Liên quan hành vi xảy ra ở chi nhánh xăng dầu tại Bình Dương, người bào chữa nói chưa có tài liệu nào thể hiện Hệ nhờ bị cáo Bùi Văn Tiệp ký khống giấy tờ gửi xăng. Các bút lục đều cho thấy Út “trọc” chỉ gọi điện thông báo cho nguyên Sư đoàn trưởng 367. Những nội dung sau đó đều do Trần Văn Lâm và Trần Xuân Sơn đến gặp ông Tiệp để trình bày.
Bị cáo Bùi Văn Tiệp. Ảnh: P.A. |
Tiếp tục phần gỡ tội, luật sư Nguyễn Văn Khương (bào chữa cho bị cáo Bùi Văn Tiệp) cho rằng thân chủ của ông biết Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là doanh nghiệp quân đội. Ông Tiệp cũng biết Hệ là đại tá, có chức vụ nên mới ký các giấy tờ gửi xăng. Theo luật sư, mục đích của ông Tiệp là giúp đỡ Công ty Thái Sơn nhằm bảo vệ uy tín, danh dự của quân đội, không có động cơ vụ lợi cá nhân.
Luật sư Nguyễn Văn Khuynh (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Lâm) nêu quan điểm, cho rằng trong vụ án, thân chủ của ông không phải người có chức vụ, không trực tiếp ký hợp đồng gửi xăng giả. Lâm chỉ là người giúp sức cho các bị cáo khác.
Bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Duy Nguyên cũng cho rằng nguyên Giám đốc chi nhánh Công ty Thái Sơn chỉ là người giúp sức. Bị cáo này ký các giấy tờ chỉ với mong muốn là làm sao cho cây xăng được mở niêm phong để tiếp tục hoạt động. Luật sư đánh giá hành vi của Sơn thực hiện dưới danh nghĩa đại diện pháp luật của công ty nhằm giữ uy tín của doanh nghiệp quân đội, bị cáo không vì động cơ hay vụ lợi cá nhân.
Đại diện VKS: Út "trọc" có động cơ vụ lợi
Theo quan điểm của VKS, Đinh Ngọc Hệ là người có chức vụ và quyền hạn, được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn. Hệ được Tổng công ty Thái Sơn, trực tiếp là Tổng giám đốc Phùng Danh Thắm cử xuống để làm đại diện 20% vốn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.
Bị cáo là người ký các quyết định bổ nhiệm chức vụ cho Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và một số người khác.
Về cáo buộc hợp thức xe công vụ để sử dụng trái quy định, đại diện VKS thắc mắc: "Tại sao bị cáo không đăng ký biển trắng để hoạt động mà đăng ký biển quân sự, biển xanh? Vì sao Hệ mua xe rồi đăng ký, mỗi xe lại có 2 biển số trong khi theo luật, mỗi ôtô chỉ được cấp một biển số? Có động cơ vụ lợi cá nhân ở đây", kiểm sát viên nhận định.
Vậy có thiệt hại hay không? Vị đại diện tiếp tục đặt câu hỏi và khẳng định có, ở đây là thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Các sai phạm còn ảnh hưởng đến hoạt động của Tổng công ty Thái Sơn.
Việc cho mượn, thuê, thế chấp VKS đã công bố các hợp đồng thể hiện vi phạm quy định của Nhà nước, về việc nghiêm cấm sử dụng ôtô vào việc riêng và mục đích khác ngoài nhiệm vụ chiến đấu của quân đội.
Hành vi cho thuê xe trái luật, hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng làm ảnh hưởng đế danh dự, uy tín quân đội. Cho mượn xe giải quyết về mặt tình cảm nhưng đối chiếu với pháp luật là trái quy định.
Về các sai phạm xảy ra tại Bình Dương, hồ sơ vụ án thể hiện Đinh Ngọc Hệ trực tiếp điện cho ông Lê Thanh Cung (lúc đó là Chủ tịch tỉnh Bình Dương). Trần Văn Lâm là người thực hiện chỉ đạo của Hệ như cáo trạng đã quy kết.
Về việc sử dụng bằng giả, Đinh Ngọc Hệ sử dụng nhiều lần thông qua việc đưa vào hồ sơ ở các giai đoạn khác nhau, một bằng nhưng sử dụng nhiều lần. Cơ quan tố tụng truy tố bị cáo là đúng, không vi phạm tố tụng hình sự.
Nói đến cáo buộc đối với nguyên đại tá Phùng Danh Thắm, đại diện VKS cho rằng Tổng công ty Thái Sơn tương đương một Sư đoàn. Bị cáo Thắm là người đứng đầu một đơn vị quân đội cấp Sư đoàn nhưng đã để cho một quân nhân của đơn vị vi phạm liên tục, kéo dài. "Đây là doanh nghiệp quân đội thực hiện nhiệm vụ kinh tế quốc phòng, không đơn thuần chỉ là doanh nghiệp làm kinh tế", kiểm sát viên khẳng định.
Đại diện cơ quan công tố tái khẳng định, sự quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra giám sát đối với cấp dưới đã để cho quân nhân Đinh Ngọc Hệ thực hiện hành vi phạm tội. Hậu quả của bị cáo Thắm gây ra đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh Tổng công ty Thái Sơn, ảnh hưởng 5.000 người lao động.
Khi luận tội, đại diện VKS đề nghị Đinh Ngọc Hệ 12-15 năm tù; Trần Văn Lâm 5-7 năm tù. Hai bị cáo được đề nghị án treo gồm Bùi Văn Tiệp (2-3 năm) và Trần Xuân Sơn (1,5 -2 năm). Riêng Phùng Danh Thắm bị đề nghị án cải tạo không giam giữ 1,5-2 năm.