Tian Bing (35 tuổi) đã vật vờ trên đường cao tốc trong 6 ngày liên tiếp vì không được phép đặt chân vào thành phố do lệnh cách ly, theo Reuters.
Trước đó, ngày 4/2, Bing rời quê nhà, lái xe gần 2.000 km để quay trở lại thành phố Thái Hưng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) với hy vọng sớm được quay lại làm việc.
Kể từ khi dịch corona bùng phát vào đầu năm mới khiến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài hơn so với mọi năm, cửa hàng sửa chữa đồ gia dụng của Bing vẫn chưa được mở cửa.
Rắc rối xảy ra khi người đàn ông 35 bị lực lượng cảnh sát chặn ở lối vào thành phố và yêu cầu quay lại. Theo hệ thống quản lý dân số, Bing không có hộ khẩu tại Thái Hưng nên không được phép vào thành phố do lệnh phong tỏa khu vực nhằm kiếm chế sự lây lan của virus corona.
Tian Bing (35 tuổi) buộc phải chấp nhận cảnh vật vờ trên đường cao tốc do không được phép đặt chân vào thành phố. |
Trước khi bắt đầu hành trình hai ngày lái xe, Bing nhận được giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe, không nhiễm virus corona. Anh cũng gọi điện xin phép chính quyền thành phố Thái Hưng và những người này đảm bảo việc đi lại sẽ không gặp trở ngại nào.
Rơi vào tình thế tiến thoãi lưỡng nan, đi không được về không xong, Bing đã trải qua 6 đêm nằm ngủ trong chiếc xe hơi chật chội của mình tại một trạm dừng chân ven đường. Hiện tại, tình hình vẫn chưa được giải quyết.
Mỗi ngày, anh chỉ lót dạ bằng bánh quy và mỳ ăn liền khi hầu hết nhà hàng xung quanh đều đóng cửa. Bing dùng một chiếc đệm lót làm gối, buộc phải nằm co quắp ở phía sau xe. Khi ngủ, anh cũng không dám bật động cơ vì lo sợ ngộ độc khí thải.
“Tôi nghĩ tôi đã làm mọi thứ trong khả năng”, anh thở dài.
Trên thực tế, Bing không phải là người duy nhất lâm vào tình trạng tương tự. Các bài đăng do người dùng chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nhiều người bị mắc kẹt ở những nơi xa lạ, bị cách ly hoặc bỏ rơi ở vùng đất không có người khi lệnh cấm đi lại áp dụng trên khắp cả nước.
Lệnh cấm đi lại áp dụng trên toàn Trung Quốc khiến nhiều người rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không thể về nhà. |
Cảnh sát chốt chặn trên đường cao tốc cho hay Bing được phép đi vào thành phố nếu quản lý tòa nhà nơi anh thuê đồng ý tiếp nhận. Tuy nhiên, những người này từ chối giúp đỡ Bing do không muốn chịu trách nhiệm nếu có chuyện xảy ra.
“Họ không quan tâm nếu bạn có chết trên đường cao tốc vì không có nơi nào để đi”, anh chua chát nói.
Người đàn ông 35 tuổi vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Mỗi ngày, anh lại gọi cho chính quyền thành phố đề nghị giúp đỡ, còn vợ anh thì cố gắng thuyết phục Bing tạm trú sang thành phố khác, ngay cả nếu bị cách ly.
“Tôi muốn đi vào thành phố để bắt đầu công việc kinh doanh của mình càng sớm càng tốt. Bảy nhân viên của tôi cũng cần phải ăn và trả tiền thuê nhà. Tôi thấy mình có trách nhiệm trong việc này”, Bing khẳng định.