Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn hóa ép nhậu trở lại ở Hàn Quốc

Sau khi chính phủ dỡ bỏ tất cả biện pháp hạn chế phòng dịch, nhiều người trẻ xứ kim chi lo lắng khi nghĩ đến việc lại phải tham gia các buổi ăn nhậu sau giờ làm.

Theo Insider, nhiều thanh niên Hàn Quốc lo rằng văn hóa hoesik (ăn nhậu sau giờ làm) sẽ quay lại, sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ tất cả lệnh hạn chế phòng dịch từ tháng trước.

Những cuộc tụ họp sau giờ làm được coi như nét đặc trưng trong văn hóa công sở ở xứ kim chi. Nhân viên thường rủ nhau đi ăn uống, nhậu nhẹt sau khi tan làm, hay đi chơi vào cuối tuần.

"Trước đây, hoesik là một hoạt động thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp. Giờ đây, người trẻ lại xem đó là công việc ngoài giờ", Kwang Yeong Shin, giáo sư Xã hội học tại ĐH Chung Ang, nói.

van hoa ep nhau o han tro lai anh 1

Nhiều nhân viên trẻ ở Hàn Quốc coi các cuộc nhậu sau khi tan sở là "công việc ngoài giờ" và muốn tránh né chúng. Ảnh: Ed Jones/AFP.

Giáo sư Kwang cho biết quan điểm này ngày càng phổ biến với thế hệ MZ xứ Hàn.

Thay vì xã giao, kết nối quan hệ qua những bữa tiệc, nhân viên trẻ lại cho rằng các buổi tụ tập ngoài giờ là một nét văn hóa "độc đoán", nhà nghiên cứu xu hướng tiêu dùng Yoon Duk Hwan trả lời BBC.

Đáng nói, đại dịch đã góp phần thay đổi quan điểm của người dân Hàn Quốc về sự quan trọng của hoesik trong văn hóa công sở.

Trước dịch, người lao động xứ sở kim chi thường xuyên tăng ca, dẫn đến tổng thời gian làm việc kéo dài 52 giờ/tuần. Dẫu vậy, họ vẫn phải tham gia các bữa nhậu sau giờ làm để duy trì mối quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp.

Song, kể từ khi chính phủ Hàn Quốc ban hành lệnh hạn chế để kiểm soát dịch, bao gồm cấm tụ tập trên 2 người sau 18h và yêu cầu người dân làm việc ở nhà, hoesik đã không còn phổ biến.

Eric Seo (30 tuổi), giám đốc bán hàng của một công ty start-up, cảm thấy may mắn vì không phải trải nghiệm văn hóa ép nhậu.

"Phần lớn nhân viên còn khá trẻ nên chúng tôi không đặt nặng văn hóa công sở và luôn tôn trọng ý kiến cá nhân. Nếu không muốn đi nhậu, bạn có toàn quyền từ chối, đặc biệt là không cần cảm thấy có lỗi hay lo lắng về điều đó", Seo chia sẻ.

Giáo sư Shin khẳng định văn hóa công sở đã có nhiều thay đổi tích cực, bộc lộ sự cá nhân hóa.

Tuy nhiên, theo giáo sư Suh Yong Gu tại ĐH Nữ sinh Sookmyung, nhiều lao động, nhà quản lý vẫn tin rằng những cuộc nhậu là hoạt động cần thiết để xây dựng các mối quan hệ trong môi trường chuyên nghiệp.

Một người đàn ông 40 tuổi họ Chae nói với Korea Herald: "Hoesik không phải các cuộc nhậu vô bổ, mà còn là cách để tiếp cận và củng cố tinh thần nhóm".

van hoa ep nhau o han tro lai anh 2

Nhiều nhân viên và nhà quản lý ở xứ kim chi cho rằng hoesik vẫn là nét đặc trưng trong văn hóa công sở Hàn Quốc. Ảnh: Daily Pop.

Dù không mặn mà với những buổi tụ họp sau giờ làm, không ít bạn bè của Seo lại không thể từ chối.

"Nếu không đi ăn cùng sếp và đồng nghiệp, họ sẽ bị coi là 'không phù hợp' với văn hóa công ty. Điều đó có thể khiến họ bị lạc lõng, bỏ rơi ở nơi làm việc", Seo kể.

Trong khi đại dịch có thể thay đổi cách các công ty thực hiện hoesik, Lim (33 tuổi), nhân viên văn phòng, tin rằng văn hóa này sẽ không bao giờ mất đi.

“Tôi hy vọng những thói quen không hợp vệ sinh như dùng chung ly sẽ biến mất trong giai đoạn ‘sống chung với Covid-19’. Thế nhưng, hoesik là một phần của cuộc sống văn phòng Hàn Quốc và điều đó sẽ không biến mất”, Lim nói.

Dù vậy, giáo sư Shin nói với Insider rằng nhiều nhà quản lý cấp cao đã hiểu và ghi nhận quan điểm của các nhân viên thuộc thế hệ MZ.

"Những cấp trên, đồng nghiệp có thâm niên dần hiểu rằng thế hệ trẻ khá khác biệt so với họ", ông nhận xét.

Cuộc tranh cãi không hồi kết về tuổi tác của người Hàn

Jungkook (nhóm BTS) hiện 26 tuổi theo cách tính truyền thống của người Hàn, nhưng với fan quốc tế, anh mới 24 tuổi. Trong khi đó, luật nghĩa vụ quân sự coi nam idol tròn 25 tuổi.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm