Khỏa thân, ngâm mình tắm rửa và gặp gỡ bạn bè, hàng xóm trong các sento (dạng nhà tắm công cộng) là một truyền thống quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, theo The Guardian.
Tuy nhiên, sau gần 500 năm xuất hiện tại Tokyo, các sento không còn hút khách như trước và đối mặt với nguy cơ biến mất khi người Nhật bắt đầu xác định lại ý nghĩa của việc tắm chung.
Các nhà tắm công cộng dần mất khách và phải đóng cửa ở Nhật Bản. Ảnh: sabukaru. |
Từ thời hoàng kim đến giai đoạn mai một
Sau Thế chiến thứ 2, sento xuất hiện và nhanh chóng lan rộng tại Nhật. Do nguồn tài nguyên khan hiếm, nhiều nhà không có phòng tắm riêng nên người Nhật thấy cần thiết phải sử dụng sento để giữ vệ sinh cá nhân.
Vào thời kỳ hoàng kim, cuối những năm 1960, có gần 18.000 nhà tắm công cộng ở Nhật Bản và 2.800 nhà tắm chung ở Tokyo, theo hiệp hội sento.
Tại nhiều quốc gia, ý tưởng tắm chung với một nhóm người lạ có vẻ khó xử. Nhưng tại xứ sở hoa anh đào, sento đã phát triển thành một nét văn hóa. Mọi người đến nhà tắm công cộng không chỉ để tắm mà còn để giao tiếp, thư giãn.
Thành tựu kinh tế của Nhật Bản thời hậu chiến đã giúp các gia đình thuộc tầng lớp lao động mua những ngôi nhà mới, nơi mọi người có được sự riêng tư trong nhà tắm riêng thay vì đến phòng tắm công cộng.
Sento kiểu cũ tại Nhật Bản chỉ thu hút khách hàng lớn tuổi. Ảnh: Reuters. |
Khi xã hội ngày càng phát triển, những spa cung cấp đầy đủ các dịch vụ thư giãn tiếp tục đe dọa vị thế của sento. Covid-19 bùng phát được xem là "đòn chí mạng" đối với các nhà tắm công cộng.
Hiện tại, số lượng sento trên toàn nước Nhật chỉ còn khoảng dưới 2.000, với khoảng 400 trong số này nằm ở Tokyo.
Các chủ sở hữu sento lớn tuổi đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người tiếp quản cơ sở kinh doanh do gia đình điều hành, trong khi nhiều nhà tắm khác bị nuốt chửng bởi quá trình tái phát triển tràn lan.
Trong đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng cao càng khiến cho truyền thống hadaka no tsukiai (khỏa thân tập thể) có nguy cơ trở thành di tích văn hóa trong tương lai gần.
"Chi phí như tiền điện hay tiền lương không thay đổi, nhưng chúng tôi có ít khách hơn rất nhiều và đang phải chịu thua lỗ", anh Shimbo, người đàn ông 41 tuổi của gia đình đã có 3 thế hệ quản lý phòng tắm công cộng Daikoku-yu ở phía đông bắc Tokyo, chia sẻ.
Thay đổi
Một nhóm chủ sở hữu nhà tắm công cộng không chấp nhận đóng cửa doanh nghiệp đang cố gắng thay đổi để níu chân khách hàng.
Những người này nghĩ ra mô hình sento kiểu mới, nơi khách hàng không chỉ đến tắm và ngâm nước nóng mà còn có các trải nghiệm thú vị hơn như: uống bia thủ công, tham gia sự kiện âm nhạc, dùng bữa ngoài trời, đặt phòng nghỉ qua đêm...
Sam Holden, người Mỹ đồng sáng lập Sento & Neighborhood vào năm 2020, đã biến nhà tắm cũ ở phía bắc Tokyo và ngôi nhà bị bỏ hoang bên cạnh thành một không gian sento kiểu mới với nhà tắm, phòng đọc sách, nhà ăn, phòng nghỉ ngơi.
"Có rất nhiều người lớn tuổi trong khu phố này, vì vậy chúng tôi không muốn thay đổi thương hiệu sento, nhưng cần làm cho nó mới mẻ hơn để chào đón những khách hàng mới. Bạn có thể bắt gặp cả đàn ông, phụ nữ, người già, người trẻ, du khách khi đến đây", Holden nói.
Những thách thức mà nhà tắm công cộng đang phải đối mặt không làm nản lòng Sanjiro Minato, người đã từ bỏ công việc làm công ăn lương "nhàm chán" và tiếp quản nhà tắm Ume-yu ở Kyoto vào năm 2015.
"Tôi rất thích đến sento khi còn là sinh viên và tôi thấy buồn trước thực tế sa sút của ngành", Minato cho hay.
Các chủ sento buộc phải thay đổi, cải tạo cơ sở để có thể tồn tại. Ảnh: Reuters. |
Khi Minato tiếp quản sento, hầu hết khách hàng của anh là những người lớn tuổi, nhưng bây giờ hơn một nửa ở độ tuổi 20-30.
"Vấn đề là những người trẻ tuổi không thực sự hiểu sento là gì, nhưng mạng xã hội đã giúp thay đổi điều đó".
Shinobu Machida, chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về sento, cho biết các nhà tắm công cộng kiểu cũ sẽ tiếp tục đóng cửa, nhưng tin rằng sento kiểu mới có tương lai đầy hứa hẹn.
"Giới trẻ tuổi đang quan tâm hơn đến sento và những người chủ mới đang thử một cách tiếp cận mới để giữ chân khách hàng", Machida nói.
Machida, người đã đến 3.800 nhà tắm công cộng trong hơn 40 năm qua, nói: "Người phương Tây không nghĩ về nhà tắm giống như người Nhật. Họ chỉ quan niệm nhà tắm là nơi có thể vệ sinh cá nhân. Nhưng ở Nhật Bản, nhà tắm có một vai trò khác, quan trọng không kém, đó là để thư giãn về tinh thần và thể chất. Tắm trong sento giống như một trải nghiệm tâm linh".