Người trẻ cân nhắc chi tiêu tại bar pub vì điều kiện tài chính, sức khoẻ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ, kỹ sư công nghệ Phong Vũ (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa tham dự một buổi tiệc nào tại night club cùng bạn bè. Các năm trước, anh thường góp mặt trong khoảng 3-5 cuộc vui ở những quán bar xung quanh TP.HCM dịp này.
Theo Phong Vũ, tình hình tài chính của bạn bè anh không mấy khả quan trong năm nay. Một số mất thưởng Tết do doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều người thậm chí còn bị nợ lương, chịu cảnh thất nghiệp ngay giữa mùa lễ hội.
“Tôi không còn thấy những tấm hoá đơn trị giá 20-50 triệu đồng nằm gọn trong ví như trước kia”, Phong chia sẻ.
Thay vì chi tiền cho các loại rượu chai đắt đỏ tại bar, một số hội nhóm của Phong Vũ chuyển hướng sang các mô hình hàng quán khác với mức chi phí phải chăng hơn như beer garden (vườn bia) hay craft beer (cửa hàng bia thủ công).
Nhiều người trẻ không còn tất tay chi tiêu ở các night club trong dịp cuối năm nay. Ảnh minh hoạ: Thế Bằng. |
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, nhiều người trẻ không còn “vung tay quá trán” cho các hóa đơn tiệc tùng tại quán bar vào dịp năm hết Tết đến. Ngoài ra, vấn đề sức khỏe và quy định không uống rượu khi tham gia giao thông cũng là những lý do khiến họ cân nhắc.
Từ phía các quán bar, chủ sở hữu, quản lý cho biết không còn dễ dàng ghi nhận những hóa đơn hàng chục triệu trong khoảng 2 mùa Tết gần đây. Khách hàng giảm chi tiêu khiến nền kinh tế về đêm gặp khó, đòi hỏi các đơn vị đẩy mạnh chương trình giảm giá, song vẫn khó đem lại kết quả tốt.
Không còn tất tay thưởng Tết cho cuộc vui xuyên đêm
Phong Vũ cho biết từng tiêu đến 1/2 thưởng Tết cho những đêm không ngủ trước thềm năm mới, coi đây là phần quà xứng đáng cho bản thân sau một năm làm việc vất vả.
Tết Âm lịch vốn là dịp nhiều bạn bè sinh sống và làm việc tại nước ngoài của anh về nước, tranh thủ gặp gỡ, không ngại chi tiêu mạnh tay. Trong khi đó, các hội nhóm tại công ty lại tổ chức liên hoan kết thúc năm làm việc một cách hoàng tráng.
“Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện của những năm trước. Khi nhìn lại, tôi cũng khó lòng tưởng tượng bản thân từng tất tay như vậy”, Phong chia sẻ.
Mặc dù không còn cơ hội tận hưởng những cuộc vui thâu đêm suốt sáng bên cạnh bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên văn phòng này lại nhận thấy “trong cái rủi có cái may”.
Thứ nhất, Phong Vũ tranh thủ dịp này tiết kiệm khoản thưởng cuối năm và lương tháng 13 cho các dự định lớn. Dù may mắn không gặp khó khăn về mặt tài chính như một số người bạn trong dịp cuối năm nay, anh vẫn muốn chi tiêu thông thái hơn, chấm dứt cảnh “làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu”.
Thứ hai, Phong cũng ái ngại về việc sử dụng đồ uống có cồn và tham gia giao thông. Anh cho biết mới sắm ôtô điện hồi giữa năm nay.
Thu Anh không còn tham gia vào các buổi tiếp khách, cuộc vui thâu đêm tại night club trong mùa Tết năm nay. |
Giống với Phong Vũ, Thu Anh (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), chuyên viên bán hàng của một doanh nghiệp bất động sản, cũng không còn trở lại quán bar quen thuộc dịp Tết Ất Tỵ. Trước đó, cô hay đến đây để tiếp khách.
Bàn của cô thường gồm 5-7 người, gọi 2 chai rượu, hoa quả và đồ ăn vặt. Tuỳ vào loại rượu mà khách hàng gọi, hoá đơn Thu Anh nhận về sau mỗi buổi tiếp khách dao động trong khoảng 20-25 triệu đồng.
Song, cuối năm nay, chuyên viên bán hàng 25 tuổi này không còn chứng kiến nhiều cuộc vui “tới bến” tại night club. Đối tác chỉ mời cô tham dự YEP (viết tắt của “year end party”, tiệc tất niên) tinh gọn, giản lược.
Không còn lý do công việc, Thu Anh cũng dần từ chối những cuộc vui xuyên đêm cùng bạn bè. Sau một thời gian dài liên tục tham dự những buổi nhậu, cô nhận thấy sức khỏe bản thân dần xấu đi.
“Tôi mất nhiều thời gian hơn để hồi phục sau mỗi lần say rượu. Bây giờ, tôi không còn muốn bỏ tiền ra để mua những cơn đau đầu, sự nôn nao vào ngày hôm sau”, Thu Anh nói.
'Hoá đơn 50 triệu đồng không xuất hiện trong Tết 2025'
Kim Phụng, quản lý một quán bar tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết cơ sở kinh doanh của cô ghi nhận tỷ lệ lấp trống thấp kỷ lục trong mùa Tết năm nay. Trong suốt một tháng trước Tết, con số cao nhất mà đơn vị này nhận về chỉ là 10/17 bàn.
“Lâu lắm rồi, chúng tôi không còn thấy cảnh quán kín người”, Kim Phụng giãi bày.
Không chỉ chứng kiến số lượng thực khách giảm sút, quản lý quán bar này còn nhận thấy tình trạng thắt chặt chi tiêu của mỗi bàn.
Số lượng nhóm 5 người trở lên trả hoá đơn trên 20 triệu đồng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay từ đầu mùa đến giờ. Cô cho rằng hoá đơn lên đến 50 triệu đồng sẽ không xuất hiện trong mùa Tết Ất Tỵ.
Theo Kim Phụng, khoản thu chính vào mùa lễ hội của quán cô trong những năm trước thường đến từ các cuộc vui hậu YEP. Tuy nhiên năm nay, các doanh nghiệp có xu hướng gói gọn tất niên, cắt giảm thưởng Tết, khiến nhân sự không còn hào hứng hò nhau đi tăng 2, tăng 3.
“Kinh doanh bar pub cũng mang tính thời vụ như công việc đồng áng, chỉ trông chờ vào mùa này. Song, chúng tôi không dám hy vọng vào Tết 2025”, Kim Phụng nói với Tri Thức - Znews.
Các đơn vị kinh doanh về đêm thực hiện nhiều chương trình hấp dẫn khách hàng, song chưa nhận về kết quả như mong đợi. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Sớm đoán biết tình trạng kinh doanh ế ẩm dịp cuối năm nay, Tùng Lâm, chủ sở hữu một quán bar có quy mô 25 bàn tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), bắt đầu thực hiện các chương trình thu hút khách từ sau Halloween.
Cụ thể, anh thiết kế các chương trình giảm giá, tặng rượu, rút thăm trúng thưởng, mạnh tay chi tiền chạy quảng cáo cho các sự kiện, đêm nhạc diễn ra tại quán.
“Nhìn chung, tôi đã dùng mọi cách có thể để hấp dẫn khách đến quán dịp này”, Lâm nói.
Mặc dù chịu chi, chủ quán bar này không nhận về kết quả như mong đợi. Tỷ lệ lấp trống chỉ đạt dưới 50%, khiến nhiều buổi trình diễn phải huỷ bỏ.
Đứng trước tình trạng này, Tùng Lâm đành “chữa cháy” bằng phương án giảm thiểu hoạt động quán trong các ngày mùng. Anh dự định đóng cửa bar vào 30 tháng Chạp và Mùng 1 tháng Giêng, cắt giảm số lượng nhân sự trực Tết, phần nào giải quyết áp lực trả lương x2, x3.
Gen Z coi đọc sách là 'gợi cảm'
Thế hệ Z coi việc đọc sách, đặc biệt là sách in, là xu hướng hấp dẫn và gợi cảm, với một số người nổi tiếng như diễn viên Timothée Chalamet, người mẫu Kendall Jenner góp phần lan tỏa văn hóa này. Tại Anh, sách in đạt doanh số cao kỷ lục, 80% thuộc về Gen Z. Họ cũng tích cực tham gia câu lạc bộ sách và yêu thích không gian yên tĩnh của thư viện, nơi lượt ghé thăm tăng mạnh sau đại dịch.