Dự án nghiên cứu kéo dài 3 năm, sử dụng dữ liệu từ hơn 9.000 học sinh của 8 trường trung học ở 3 bang. Kết quả cho thấy khi giờ vào học muộn hơn thì:
- Tỷ lệ đi học, điểm số các bài kiểm tra chuẩn hóa, thành tích ở các môn Toán, tiếng Anh, Khoa học và xã hội tăng lên.
- Tỷ lệ đi học muộn, lạm dụng thuốc, triệu chứng trầm cảm, tiêu thụ đồ uống chứa cafein giảm xuống.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy số vụ tai nạn xe hơi liên quan đến lái xe tuổi thành niên ở Trường trung học Jackson Hole (Wyoming) – một trong 8 trường chuyển giờ học xuống 8h 55 - giảm xuống 70%.
Vào học muộn giúp trẻ có thời gian ngủ nhiều hơn - đảm bảo sức khỏe để tiếp thu kiến thức. |
“Nghiên cứu xác nhận một điều được nghi ngờ đã lâu” – bà Kyla Wahlstrom, tiến sĩ kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và cải thiện giáo dục (CAREI), ĐH Minnesota cho hay. “Những trường đã chỉnh sửa giờ học muộn hơn cho thấy sự cải thiện đáng kể ở nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ tai nạn xe hơi giảm xuống có lẽ là phát hiện quan trọng nhất, bởi vì hạnh phúc của thanh thiếu niên và sự an toàn của cộng đồng có liên quan tới nhau”.
Những trường vào học từ 8h55 có 66% học sinh ngủ đủ từ 8 tiếng trở lên – số thời gian được cho là tốt nhất với học sinh. Trong khi những trường vào học từ 7h3 chỉ có 34% học sinh ngủ được từ 8 tiếng trở lên.
“Thậm chí, giờ vào học từ 8h35 cũng cho phép 57-60% học sinh ngủ từ 8 tiếng trở lên – một yếu tố rất có lợi cho sức khỏe của học sinh. Các lãnh đạo trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh cần hiểu về tầm quan trọng của giấc ngủ” – bà Wahlstrom nói.
“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những bằng chứng về lợi ích rõ ràng của việc vào học lúc 8h30 hoặc muộn hơn. Có nhiều nghiên cứu cần phải thực hiện, tuy nhiên kết quả của nghiên cứu này mang tính thực tiễn, cung cấp nhiều thông tin hơn cho các lãnh đạo nhà trường để xem xét việc thay đổi giờ học” – bà Wahlstrom nhận định.