Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vật lộn với tình trạng thần tượng bị bóc lột

Các nhà lập pháp Hàn Quốc đang thảo luận việc giảm giờ hoạt động cho thần tượng nhỏ tuổi. Việc này gây tranh luận trong giới chuyên môn.

Theo Korea JoongAng Daily, các nhà lập pháp tại Hàn Quốc đang phải vật lộn với vấn đề bóc lột thần tượng vị thành niên. Suốt thời gian qua, chuyện giới hạn độ tuổi và thời gian hoạt động với thần tượng trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi.

Giải pháp bảo vệ thần tượng

Hệ thống ngột ngạt của ngành công nghiệp Kpop từ lâu đã là vấn đề đáng lo ngại. Do đó, từ năm 2014, Hàn Quốc đặt ra giới hạn về thời gian làm việc cho các nghệ sĩ giải trí tuổi teen. Tuy nhiên, gần đây, các nhà lập pháp muốn tiếp tục điều chỉnh quy định. Hạ nghị sĩ Yoo Jung Ju là người đề xuất sửa đổi Đạo luật Phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật Đại chúng nhằm hạn chế thời gian làm việc của các nghệ sĩ vị thành niên để đảm bảo quyền lợi của họ.

Theo dự luật đang được đưa ra để thảo luận, nghệ sĩ giải trí dưới 12 tuổi chỉ được hoạt động 6 giờ một ngày, 25 giờ mỗi tuần. Những người dưới 15 tuổi chỉ hoạt động 7 giờ một ngày, 30 giờ một tuần. Với những thần tượng dưới 19 tuổi (độ tuổi trưởng thành ở Hàn Quốc), họ chỉ được hoạt động 7 giờ một ngày, 35 giờ một tuần.

Kpop anh 1

Các thành viên trong nhóm nhạc IVE. Ảnh: Straship Entertainment.

Trong khi đó, theo quy định hiện tại, nghệ sĩ dưới 15 tuổi có 35 giờ làm việc mỗi tuần. 40 giờ mỗi tuần là con số dành cho người dưới 19 tuổi. Do đó, nếu dự luật mới được thông qua, các nhóm nhạc Hàn Quốc sẽ có ít giờ hơn để tập vũ đạo, học thanh nhạc, trang điểm và biểu diễn trên sân khấu.

Các thành viên của New Jeans đều là trẻ vị thành niên, ngoại trừ Minji (vừa tròn 19 tuổi vào tháng trước). Một nửa số thành viên của Fifty Fifty và IVE đều chưa đủ tuổi thành niên.

BabyMonster của YG Entertainment có 6/7 thành viên dưới độ tuổi thành niên.

Do đó, dự luật hạn chế thời gian hoạt động của các thần tượng đã và đang vấp phải phản ứng dữ dội từ các hiệp hội nội dung Hàn Quốc. "Đề xuất phân chia giờ làm việc tùy tiện dựa trên độ tuổi là đạo luật 'kém phát triển' của ngành Văn hóa và Nghệ thuật Đại chúng, coi thường thực tế của ngành", 5 tổ chức giải trí (gồm Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc, Hiệp hội Nhà sản xuất Giải trí Hàn Quốc, Liên đoàn Quản lý Hàn Quốc , Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hàn Quốc và Hiệp hội Công nghiệp Hãng thu âm Hàn Quốc) tuyên bố.

Các hiệp hội cho rằng quy định mới nếu được áp dụng sẽ cản trở các thần tượng tuổi teen Hàn Quốc trên con đường trở thành ngôi sao, tước bỏ cơ hội phát huy hết khả năng của họ. Trong khi đó, những thanh thiếu niên khác vẫn được phép học bài khuya với mục đích tương tự.

"Quy định về thời gian là một rào cản đáng kể đối với các đài truyền hình và nhà sản xuất. Điều này có thể khiến họ bỏ qua các nghệ sĩ trẻ vì bị giới hạn độ tuổi", là ý kiến từ các hiệp hội.

Ngoài vấn đề hạn chế giờ làm việc với thần tượng nhỏ tuổi, các quy định khác của dự luật nhìn chung được ủng hộ. Dự luật có quy định yêu cầu công ty giải trí tiết lộ chi tiết về các khoản thanh toán theo yêu cầu của nghệ sĩ. Ngay cả khi nghệ sĩ không yêu cầu, công ty cũng phải công khai hàng năm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể kiểm tra các công ty Kpop về hành vi không công bằng.

Kpop anh 2

Chen, Xiumin, Baekhyun (lần lượt từ trái sang) vừa đệ đơn kiện SM Entertainment. Ảnh: NME.

Quy định này được đồng tình, đặc biệt sau vụ việc mới đây của 3 thành viên nhóm EXO hay nhóm nhạc nữ Loona.

Ba thành viên của nhóm nhạc nam EXO là Chen, Baekhyun và Xiumin đệ đơn khiếu nại SM Entertainment lên Ủy ban Thương mại Công bằng vào ngày 5/6, kèm cáo buộc công ty ép họ ký hợp đồng không công bằng. Bộ ba lập luận công ty không cung cấp cho họ đầy đủ thông tin chi tiết về các khoản thanh toán kể từ khi ra mắt vào năm 2012.

Trước đó, tất cả thành viên của Loona nộp đơn yêu cầu chấm dứt hợp đồng với công ty vì phân chia lợi nhuận không công bằng và ép làm việc quá sức.

Dự luật mới cũng nhằm đảm bảo quyền được giáo dục văn hóa của các thần tượng trẻ tuổi và bảo vệ họ khỏi tình trạng bị lạm dụng bằng lời nói, thể xác. Nó cũng giúp họ không phải tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp quá mức của công ty quản lý.

Giới chuyên gia tranh luận

Trở lại vấn đề giảm giờ làm việc cho ca sĩ nhỏ tuổi, trao đổi với Korea JoongAng Daily, các chuyên gia, nhà phê bình âm nhạc cũng nảy sinh ý kiến trái chiều. Người nhận định sự thay đổi là cần thiết với Kpop, trong khi chuyên gia khác cho rằng phải xem xét tình hình thực tiễn.

"Các thần tượng thường dành hai đến ba giờ chỉ để trang điểm và di chuyển. Do đó, việc giảm giờ làm việc của các ca sĩ vị thành niên kéo theo nhiều thay đổi. Chẳng hạn, các thành viên lớn tuổi sẽ phải tập luyện nhiều hơn để lấp vào chỗ trống của những ca sĩ vị thành niên khi họ vắng mặt", nhà phê bình âm nhạc kiêm tác giả Park Hee A cho biết.

Park cho rằng nỗ lực xóa bỏ vi phạm nhân quyền của nhóm thiểu số là một động thái tích cực, đặc biệt khi nhiều thần tượng đang trong giai đoạn trưởng thành, nhưng các nhà lập pháp đã bỏ qua tình hình thực tế.

“Việc áp dụng giờ làm việc với ca sĩ thần tượng rất khác so với việc đặt ra lệnh giới nghiêm cho các cá nhân. Lý do là chỉ một thay đổi nhỏ trong đội hình cũng dẫn đến hàng trăm nhân viên liên quan phải điều chỉnh công việc. Và các thần tượng trẻ mất cơ hội xuất hiện trên phương tiện truyền thông", chuyên gia nói.

Kpop anh 3

Chị cả của nhóm BabyMonster sinh năm 2002, trong khi em út Chiquita sinh năm 2009. Ảnh: YG Entertainment.

Seo Jeong Min Gap, một nhà phê bình âm nhạc khác, cho rằng sự thay đổi là cần thiết.

"Thời gian làm việc căng thẳng đã góp phần vào sự thành công của Kpop, nhưng chúng ta cũng cần đặt câu hỏi liệu cách thức hoạt động như vậy có nên duy trì lâu dài và bắt buộc hay không", Seo Jeong nói.

"Các hiệp hội bày tỏ sự tiếc nuối về việc các nhà lập pháp đã không thảo luận vấn đề giờ làm việc với họ. Nhưng tôi cũng muốn hỏi, liệu họ từng nói chuyện với các bên liên quan, chẳng hạn thần tượng tuổi teen và cha mẹ của họ, trước khi đưa ra tuyên bố chung hay chưa”, ông nói.

"Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Đây là cơ hội tốt để chúng ta suy nghĩ về sự thay đổi mô hình", chuyên gia nhấn mạnh.

6 cuốn sách hay về Kpop:

Các cuốn sách Shine, I'll Be The One, Kpop Revolution... khai thác nhiều khía cạnh trong Kpop như quá trình trở thành thần tượng, khó khăn, áp lực từ công chúng. Trong đó, tiểu thuyết Shine của Jessica Jung (cựu thành viên SNSD) kể về Rachel Kim - thực tập sinh tại một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Để thực hiện ước mơ, Rachel phải đối mặt với nhiều thử thách khác nhau trong giới giải trí.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt ở Kpop

Các cộng đồng fan Kpop đang cạnh tranh nhau ở khả năng mua album cho thần tượng. Do đó, lượng đĩa bán ra trong nửa đầu 2023 tăng mạnh.

Taeyang ăn phở, Karina khoe dáng đẹp khi tới Việt Nam

Karina đăng ảnh cùng các thành viên aespa tại bể bơi. Trong khi đó, Taeyang (Big Bang) thưởng thức món phở tại Đà Nẵng trước khi trở về Hàn Quốc.

Jennie và 'The Idol' tiếp tục gây sốc

Tập 2 của "The Idol" ngập tràn những cảnh nhạy cảm. Nhân vật của Jennie cũng có lời thoại gây sốc.

Minh Hạo

Bạn có thể quan tâm