Mới đây, trên các nền tảng mạng xã hội và diễn đàn thảo luận trực tuyến, vô số người hâm mộ nhóm nhạc BTS lên tiếng thể hiện sự bất bình trước mức giá quá đắt đỏ của sản phẩm đồ ngủ bằng cotton do thành viên Jin thiết kế.
Hiện mặt hàng này được bán với giá 119.000 won (khoảng 99,6 USD) trên Weverse Shop - trang thương mại điện tử do HYBE, công ty quản lý của BTS, thành lập để bày bán hàng hóa liên quan tới nghệ sĩ trực thuộc công ty. Sản phẩm có tổng cộng 2 mẫu khác nhau.
Người hâm mộ cho rằng bộ đồ ngủ do Jin (BTS) thiết kế bị bán với giá quá cao. Ảnh: HYBE Merch, Naver. |
Cảm xúc bất bình của người hâm mộ sớm nhận được sự cảm thông từ công chúng. Khán giả chỉ ra rằng đến loại quần áo ngủ làm từ len cashmere - chất liệu vải xa xỉ - cũng chỉ có giá dao động trong khoảng 60.000-80.000 won (khoảng 50-66,67 USD).
Nam ca sĩ Jin tỏ ra bất ngờ với giá bán đắt đỏ của món đồ. "Tôi yêu cầu họ sử dụng chất liệu cao cấp cho sản phẩm, nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên về mức giá này", anh chia sẻ.
Tuy sản phẩm đồ ngủ vẫn bán hết sạch hàng chỉ trong vài phút sau khi mở bán, không ít khán giả lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về mức giá chung quá đắt đỏ của vật phẩm Kpop. "Chẳng phải công ty giải trí đang lợi dụng người hâm mộ để kiếm tiền một cách quá đáng hay sao?", khán giả để lại bình luận.
Giá bán đắt đỏ so với thông thường
Quần áo ngủ không phải vật phẩm Kpop duy nhất được bán dưới mức giá đắt đỏ. Thông thường, một bình nước nhựa in tên nhóm nhạc, hay quyển album Kpop sẽ được bán trực tuyến với giá 38.000 won (32 USD), trong khi một chiếc thẻ tên đơn giản có giá là 26.000 won (khoảng 22 USD).
"Vật phẩm Kpop đắt một cách không thể tin nổi. Tôi muốn mua chiếc móc khóa có in hình lightstick (đèn cổ vũ có khả năng phát sáng) của nhóm nhạc yêu thích, nhưng nó tiêu tốn gần 35 USD. Các công ty giải trí thực sự cần nhận ra rằng đa số người trong cộng đồng fan chúng tôi là sinh viên chưa có việc làm và đang nỗ lực kiếm sống mỗi ngày", người hâm mộ bày tỏ trên diễn đàn thảo luận trực tuyến.
Người hâm mộ khác để lại bình luận: "Tôi cảm thấy chúng tôi đang bị đối xử như những kẻ dễ dụ dỗ, lừa gạt chỉ vì chúng tôi đem lòng yêu thích thần tượng. Tôi hy vọng công ty giải trí Kpop có thể đưa ra mức giá hợp lý hơn cho người hâm mộ".
Chia sẻ với The Korea Times, nhà phê bình âm nhạc Jung Min Jae cho biết sức ảnh hưởng, danh tiếng mạnh mẽ của ngôi sao Kpop thường làm gia tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm có liên kết với họ, qua đó khiến nhà sản xuất nâng giá các món đồ này.
Người hâm mộ yêu cầu mức giá hợp lý hơn cho vật phẩm Kpop. Ảnh: HYBE Merch. |
Nhà phê bình Jung chỉ ra: "Ngay cả khi hàng hóa bán tại Kpop không có gì khác biệt so với sản phẩm khác về mặt chất lượng, chúng vẫn được bán với giá cao hơn, đơn giản vì chúng liên quan tới nghệ sĩ Kpop".
Theo ông, loại hàng hóa này chủ yếu được sản xuất cho fan của nền âm nhạc Hàn Quốc - những người có xu hướng chi rất nhiều tiền, bất chấp mức giá đắt đỏ, và coi đó như hình thức ủng hộ ngôi sao họ yêu thích.
Thực tế, hầu hết người hâm mộ biết rằng có một khoản không nhỏ trong lợi nhuận thu được từ các món đồ - đặc biệt là sản phẩm mang dấu ấn riêng của ngôi sao, điển hình thiết kế riêng - sẽ được trả cho thần tượng của họ.
The Korea Times cho biết mức giá đắt đỏ không hề cản trở sự phát triển của thị trường vật phẩm Kpop. Vào năm 2020, tổng quy mô của thị trường này đã đạt 1 nghìn tỷ won (khoảng 841 triệu USD), theo dữ liệu do Quỹ giao lưu văn hóa quốc tế Hàn Quốc (KOFICE) công bố.
Người hâm mộ sẵn sàng chi tiền cho thần tượng
Lý do người hâm mộ Kpop sẵn sàng chi trả rất nhiều tiền cho những món đồ đắt đỏ luôn là câu hỏi khiến công chúng tò mò.
Một fan cũ của BTS ở độ tuổi 20, người từng bỏ tiền mua hàng loạt vật phẩm liên quan tới BTS, từ photocard (ảnh thẻ in hình idol) tới lightstick, chia sẻ với The Korea Times rằng cô thực hiện điều đó vì "tình yêu và lòng tận tâm".
"Khi còn là fan của BTS, tôi đang ở trong độ tuổi thiếu niên, và tôi biết rõ rằng giá của hầu hết mặt hàng là quá đắt so với tôi. Nhưng tôi vẫn mua chúng bởi vì tôi rất thích nhóm. Tôi cảm thấy như bản thân đang lấp đầy rương kho báu của riêng mình qua những món đồ này vậy", người hâm mộ thuật lại trải nghiệm khi cô còn thích BTS.
Cô cho biết một số người thậm chí bỏ bữa và sử dụng tiền tiêu vặt của mình để mua sản phẩm họ thích, tin rằng đây là cách để ủng hộ thần tượng họ quý mến. Tuy nhiên, họ đều bán lại các món hàng này sau khi đánh mất niềm tin vào ca sĩ yêu thích của mình.
Người hâm mộ sẵn sàng chi nhiều tiền để ủng hộ thần tượng. Ảnh: Naver. |
Lee Eun Hee, giáo sư ngành khoa học người tiêu dùng tại Đại học Inha, bổ sung rằng sự nổi tiếng của vật phẩm Kpop bắt nguồn từ cách chúng được miêu tả, tiếp thị.
"Hàng hóa Kpop thường bán chạy, vì chúng chứa đựng câu chuyện riêng về chức năng và kiểu thiết kế. Chúng mang lại cảm xúc đặc biệt cho người hâm mộ, những người gợi lên mối liên hệ giữa bản thân và thần tượng bằng cách tiêu thụ các món đồ này. Trong trường hợp bộ đồ ngủ của Jin - sản phẩm nam ca sĩ từng đích thân mặc để quảng cáo cho thiết kế của mình - người mặc bộ đồ ngủ có thể cảm thấy gần gũi hơn với anh, và tiếp tục gợi nhớ lại hình ảnh của nam ca sĩ khi anh mặc bộ này", giáo sư Lee giải thích.
Tuy nhiên, giáo sư Lee chỉ ra rằng việc lạm dụng quá mức tình yêu của người hâm mộ Kpop có thể "giáng một đòn mạnh vào hình ảnh của công ty quản lý và nghệ sĩ trực thuộc".
Giáo sư Lee khẳng định nếu rất nhiều người hâm mộ chỉ ra vấn đề về giá cả, công ty quản lý nên lắng nghe tiếng nói của họ và thực hiện một số điều chỉnh.
"Xem xét việc người hâm mộ là đối tượng người tiêu dùng chính, các công ty nên tránh làm tổn thương cảm xúc của họ. Giá quá cao có thể khiến nhiều người tin rằng công ty chỉ hoạt động vì lợi nhuận, điều này thậm chí mang tới nguy cơ hủy hoại danh tiếng của ca sĩ quảng cáo cho các món đồ đó", giáo sư Lee phân tích.
Dù vậy, nhà phê bình Jung bổ sung rằng không có nhiều khả năng người hâm mộ sẽ quyết định "quay lưng" với ca sĩ họ yêu thích chỉ vì giá bán đắt đỏ của vật phẩm Kpop.
"Hiếm có trường hợp người hâm mộ đánh mất niềm tin dành cho thần tượng chỉ vì giá cả hàng hóa. Trừ khi đây là mức giá hoàn toàn vô lý, hầu hết người hâm mộ sẽ tiếp tục chi tiền để mua vật phẩm", nhà phê bình Jung nhận định.
Công ty quản lý cần cân nhắc kỹ về mức giá đắt đỏ của vật phẩm Kpop. Ảnh: Naver. |