Nhiều cặp đôi Hàn Quốc thích tổ chức đám cưới ở khách sạn sang trọng. Ảnh minh họa: @leedahey4eva. |
Khi anh A (ngoài 30 tuổi) chuẩn bị cho cuộc hôn nhân sắp tới, anh phải đối mặt với một tình huống khó xử: hôn thê của anh muốn tổ chức đám cưới ở Yeong Bin Gwan - hôn trường sang trọng trong khách sạn The Shilla Seoul, được nhiều người thuộc giới thượng lưu Hàn Quốc lựa chọn.
Với chi phí tổ chức lên tới 100 triệu won (74.000 USD) trong mùa cao điểm, anh A, người chỉ kiếm được khoảng 70 triệu won (51.000 USD)/năm, cảm thấy áp lực đè nặng nếu muốn hiện thực hóa ước mơ của vợ chưa cưới.
"Đó không phải là nơi dành cho một người như tôi, nhưng tôi cảm thấy mình sẽ bị oán giận nếu không tổ chức đám cưới ở đây", anh thừa nhận, thậm chí cân nhắc tới việc dùng đến khoản tiết kiệm để chi trả.
Vay tiền để làm đám cưới
A không phải là trường hợp cá biệt. Khi mùa thu, cũng là mùa cưới, đến gần, nhiều cặp đôi ở độ tuổi 20, 30 đổ xô đến các địa điểm tổ chức tiệc cưới tại khách sạn sang trọng ở Seoul. Những địa điểm cao cấp này, ví dụ như khách sạn The Shilla Seoul, Signiel Seoul, The Westin Josun Seoul và Four Seasons Hotel Seoul, có mức phí tổ chức khổng lồ - từ 40 triệu won đến 100 triệu won (29.000 đến 73.000 USD).
Tuy nhiên, bất chấp mức giá cắt cổ, một số cái tên trong số này đã kín chỗ cho đến hết mùa đông năm sau.
"Nếu các bạn muốn đặt chỗ, sớm nhất phải chờ đến mùa đông năm sau. Ngay cả các ngày trong tuần như thứ 3, thứ 4 - vốn ít được chọn - cũng đang nhanh chóng kín lịch", đại diện The Westin Josun Seoul cho biết.
Theo The Chosun Daily, có một số lý do để các cặp đôi trẻ sẵn sàng chi số tiền ngang mức lương năm của một nhân viên văn phòng cho một ngày trọng đại. Một trong số đó là sức hấp dẫn của việc tổ chức một đám cưới hoành tráng tại địa điểm nổi tiếng như Yeong Bin Gwan.
Một cuộc khảo sát do công ty mai mối Duo thực hiện vào tháng 9 với 500 nam, nữ độc thân cho thấy 64% người được hỏi thích tổ chức đám cưới tại khách sạn. Đối với một số người, đó thậm chí là mục tiêu cuộc đời.
Không gian hôn trường tại Signiel Seoul. Ảnh: Signiel Seoul. |
B, một phụ nữ ngoài 20 tuổi, chia sẻ rằng đám cưới sắp tới của cô tại khách sạn Signiel Seoul là một "giấc mơ trở thành hiện thực". Cô cho biết: "Mục tiêu cuộc đời tôi là được tổ chức hôn lễ ở Signiel, tôi và bạn trai đã vay tiền để thực hiện điều đó".
Signiel Seoul, tọa lạc trên tầng 76 của tòa nhà Lotte World Tower, nổi tiếng với tầm nhìn toàn cảnh Seoul đẹp ngoạn mục. Để thuê địa điểm này trong 5 tiếng vào mùa cao điểm, khách hàng phải trả 11 triệu won (8.000 USD), chi phí đặt tiệc tối thiểu 35 triệu won (25.500 USD). Lựa chọn cỗ cưới có giá phải chăng nhất là gói 230.000 won (167 USD) cho mỗi khách mời, tối thiểu 150 khách.
B, người sẽ kết hôn tại đây vào mùa xuân năm sau, thú nhận cô thậm chí gửi thiệp mời đến những người bạn cấp 2 đã lâu không liên lạc.
"Tổng thu nhập của tôi và bạn trai chỉ khoảng 100 triệu won/năm, nhưng tôi hài lòng với quyết định của mình", B nói.
Một số nam giới làm việc trong các lĩnh vực như luật và y khoa cũng thích tổ chức đám cưới ở khách sạn, coi đó là điều cần thiết để duy trì hình ảnh.
Khách dự đám cưới áp lực
Sự hấp dẫn của những đám cưới xa hoa không chỉ dừng lại ở địa điểm. Ví dụ, Signiel Seoul quảng cáo gói tổ chức đám cưới của mình là "Đám cưới trên thiên đường", nhấn mạnh tầm nhìn tuyệt đẹp và thực đơn do một đầu bếp người Pháp 3 sao Michellin tuyển chọn. Tương tự, Yeong Bin Gwan của Shilla Seoul tự quảng cáo là địa điểm hoàn hảo cho một đám cưới thanh lịch và vượt thời gian, cung cấp các bữa ăn ngon và rượu vang hảo hạng giúp ngày trọng đại trở nên khó quên.
Các chuyên gia trong ngành chỉ ra tác động của đại dịch đối với các địa điểm tổ chức tiệc cưới tầm trung, vốn đã đóng cửa hàng loạt do lượng khách giảm mạnh. Kết quả, các cặp đôi hiện chuyển sang những khách sạn sang trọng, thúc đẩy nhu cầu về các buổi lễ xa hoa.
Tham dự một đám cưới xa hoa cũng khiến khách mời áp lực phải mừng cưới nhiều hơn. Ảnh minh họa: @leedahey4eva. |
Theo dữ liệu của Cục Thuế Quốc gia Hàn Quốc, số lượng địa điểm tổ chức tiệc cưới ở quốc gia này đã giảm 26,3%, từ 1.030 địa điểm vào năm 2018 xuống còn 759 vào cuối năm 2022. Trong khi đó, số lượng đám cưới giảm xuống mức thấp kỷ lục là 191.690 vào năm 2022, sau đó phục hồi lên 193.657 vào năm 2023.
Năm nay, số lượng đám cưới vào tháng 4 và tháng 5 đã tăng hơn 20% so với năm ngoái. Một người trong ngành khách sạn cho biết: "Những ngày này, những người ở độ tuổi 20 và 30 thà chi nhiều tiền cho một đám cưới đáng nhớ hơn là chấp nhận một thứ gì đó trung bình".
Trong khi đó, việc tham dự một đám cưới xa hoa cũng khiến các khách mời cảm thấy áp lực. Với chi phí cho bữa ăn tại khách sạn tăng lên tới 350.000 won (255 USD) cho mỗi khách, một phong bì tiền mừng 50.000-100.000 won (36-72 USD) không còn đủ nữa.
"Mới đây, tôi tham dự một đám cưới ở khách sạn và nhận ra rằng 100.000 won là không đủ, tôi phải rút thêm 50.000 won từ máy ATM", Kim Ye-song (31 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết.
Thậm chí nhiều người còn truyền tai nhau khung tiền mừng cưới phù hợp: 50.000 won (36 USD) cho người quen, 100.000 won (72 USD) cho bạn bè thân thiết, 150.000 won (109 USD) nếu đi cùng vợ/chồng và 300.000 won (218 USD) cho bạn bè rất thân thiết.
Tuy nhiên, cũng có những cặp đôi đang lựa chọn tổ chức đám cưới nhỏ gọn, đơn giản hơn hoặc thậm chí bỏ qua đám cưới để tránh tốn kém quá mức.
Yoon (35 tuổi, nhân viên tại một tập đoàn lớn), mới đây tổ chức một buổi lễ đơn giản với 30 khách tại khuôn viên trường đại học từng theo học.
"Chi gần 100 triệu won cho một đám cưới thật là lố bịch", anh nói.
Nhiều người khác cũng có chung quan điểm, thích đầu tư vào bất động sản hơn là chi tiêu cho các buổi lễ xa hoa. Trong cuộc khảo sát gần đây của Duo, 31% số người được hỏi cho biết họ không tin rằng một hôn lễ là cần thiết, với lý do chi phí cao (33%), niềm tin rằng đám cưới là hời hợt (31%) và thích đầu tư vào các lĩnh vực khác (22%).
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô