Mấy ngày qua, các tớ báo lớn ở Nhật như Mainichi, Yomiuri, Sankei… đều đưa tin, bài về sự việc du khách nào đó đã khắc các ký tự, ký hiệu lên tảng đá ở khu di tích thành cổ Yonago, thành phố Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản.
Câu chuyện ở nước Nhật
Thông tin trên các tờ báo này cho hay sự việc được Ban quản lý khu di tích phát hiện vào ngày 30/10. Theo mô tả, du khách đã dùng vật cứng khắc trên tảng đá trong khu di tích chữ "Hào", hình ngôi sao và trái tim.
Ban quản lý di tích cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra việc viết, vẽ bậy tại khu này. Thành phố Yanago, chính quyền tỉnh Tottori và Cục Văn hóa đang xây dựng bản thảo để đề ra phương án phục hồi nguyên trạng tảng đá trong di tích. Cảnh sát thành phố Yonago cũng tiến hành điều tra thủ phạm vì hành vi này đã phạm vào Luật Bảo vệ di sản văn hóa của Nhật Bản.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thông tin trên đã lan truyền trên các diễn đàn ở Nhật Bản, Việt Nam và thu hút rất nhiều bình luận.
Trong trường hợp ở khu di tích thành cổ Yonago, ký tự "Hào" được cho là khá giống một chữ trong tiếng Việt.
Dù thế nào, nó rất dễ gợi liên tưởng đến những câu chuyện "không mấy hay ho" mà một số người Việt Nam do thiếu hiểu biết hoặc có nhận thức xấu, đã gây ra trên đất Nhật, làm ảnh hưởng hình ảnh quốc gia, cũng như người khác.
Trong hai năm làm phiên dịch cho luật sư Nhật Bản, tiến hành hỗ trợ pháp lý những người Việt bị tạm giữ, tạm giam tại đây, tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp phạm pháp của người Việt mà động cơ ban đầu rất… "lãng xẹt" như "Thấy hay hay thì lấy", "Em cứ nghĩ rằng làm thế không sao", "Em nghĩ giá trị nó nhỏ thế có lấy cũng không phạm tội", "Em thấy cá ở sông dùng lưới bắt thôi, không nghĩ là phạm luật"…
Sống trên đất Nhật nhưng không chịu tìm hiểu pháp luật, phong tục, văn hóa của nước sở tại và hành xử thuần túy theo thói quen tuỳ tiện và cảm tính là nguyên nhân gây ra nhiều rắc rối, làm mất đi thiện cảm của người Nhật. Sau không ít sự việc, những người Việt lương thiện và tuân thủ tốt pháp luật dần bị vạ lây khi gánh chịu ánh mắt soi mói hoặc cái nhìn đầy cảnh giác từ người bản xứ.
Tất nhiên, trong sự việc này, truyền thông nước Nhật rất thận trọng khi đưa tin. Họ chỉ nói ai đó đã viết bậy lên tảng đá ở khu di tích, mà không bình luận hay chỉ ra đó là ngôn ngữ của nước nào, thủ phạm có thể là người nước nào.
Nhưng có lẽ nếu là người Việt, nhìn hình ảnh nói trên, chúng ta không khỏi giật mình. Tuy nhiên, ngẫm cho kỹ, câu chuyện đó ở Việt Nam không phải hiếm hoi.
Câu chuyện ở Việt Nam
Nếu để ý, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những dòng chữ, ký hiệu du khách để lại ở các khu du lịch, di tích lịch sử trên cả nước. Đấy có thể là tên người viết, có thể là ngày giờ đến di tích hoặc những ký hiệu "bí ẩn" khác.
Có lần khi vào thăm bảo tàng có tiếng là sạch sẽ và phục vụ tốt ở Hà Nội, tôi rất kinh ngạc khi nhìn thấy những thân cây trúc ở đây bị khắc la liệt tên người và các thông tin khác.
Thậm chí, rất "hồn nhiên", nhiều người còn khắc lên đó cả email, địa chỉ Facebook, số điện thoại. Có chỗ dưới dòng tên và ngày tháng khắc, người ta còn để lại cả địa chỉ lớp. Đọc kỹ thì thấy ở đó có cả địa chỉ của học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn Hà Nội.
Những bạn trẻ khi khắc, viết, vẽ dòng chữ, ký hiệu đó nghĩ gì khi làm hành động đó? Có lẽ họ đơn giản chỉ nghĩ "mình đã đến đây rồi thì nên lưu lại gì đó để ghi lại sự có mặt của bản thân". Giản đơn thế thôi chăng?
Nhân viên tại khu di tích Yonago (tỉnh Tottori, Nhật Bản) phát hiện nhiều chữ viết bằng tiếng Nhật và Latin nguệch ngoạc trên các tảng đá. Nổi bật trong số đó là chữ "Hào" có kích thước khoảng 60 cm. Ảnh: Mainichi. |
Xét về mặt tâm lý, chuyện muốn lưu lại dấu ấn, đánh dấu sự có mặt của mình ở một địa điểm nào đó rất dễ hiểu. Chẳng hạn nhìn theo chiều dài lịch sử, người ta dễ dàng nhận ra loài người ở nhiều khu vực khác nhau đã để lại các dấu hiệu trên vách đá, ngọn núi họ đã chinh phục.
Tuy nhiên, trong thế giới văn minh ngày nay, bất cứ di tích nào được công nhận, bảo vệ sẽ có nội quy và được pháp luật bảo hộ. Việc "hồn nhiên phạm tội" bằng cách viết vẽ bậy khó có thể chấp nhận.
Để viết một chữ số, cái tên hay vẽ vài hình thù đơn giản lên một tấm bia, tảng đá, bức tường ở khu di tích nào đó, du khách chỉ cần mất vài phút, thậm chí vài giây, rất đơn giản. Nhưng để khắc phục, xóa đi ký hiệu đó sẽ rất vất vả, tốn kém, khó khăn, thậm chí là bất khả thi.
Ví dụ, đối với những dòng chữ các bạn trẻ đã khắc, viết lên trên thân trúc trong bảo tàng kia, làm thế nào để xóa được? Người ta không thể cạo trắng thân cây hay chặt đi cây trúc ấy vì thế. Những dòng chữ nham nhở cứ trơ ở đó rất phản cảm. Hơn nữa, thiếu gì cách ghi lại dấu ấn nơi mình đã đến như chụp ảnh, quay phim, mua quà lưu niệm, đóng góp một khoản tiền tu bổ di tích?
Một người làm, hai người làm không sao, nhiều người làm theo và mọi thứ trở thành bình thường. Không chỉ là di tích ở Việt Nam, chuyện viết, vẽ bậy vào nơi không được phép, không thuộc sở hữu của mình rất phổ biến.
Hãy thử nhìn ra những cây cột điện, bức tường ngoài phố xem sao? Có phải chăng trên đó nham nhở cũ mới không biết bao nhiêu lần dòng chữ kiểu như "Khoan cắt bê tông", Thông hút bể phốt hầm cầu", "Cứ alo là có tiền"…
Ngay cả ở quê, bức tường nhà tôi cũng trở thành nạn nhân khi một sáng mẹ thức dậy, thấy kẻ nào đó đã điềm nhiên viết một dòng chữ dài to tướng chính giữa bức tường gạch đỏ: "Taxi… phục vụ 24/24. Hãy gọi số…".
Tình trạng ấy nói lên rất nhiều điều trong tư duy và lối sống của người Việt. Đó có thể là vấn đề về mỹ học, nhận thức sở hữu, nhận thức về không gian công cộng, nhận thức luật pháp… và có thể là sự tổng hợp của tất cả vấn đề ấy.
Phải chăng đấy mới là vấn đề lớn nhất của chúng ta?
Ông Nguyễn Quốc Vương là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản. Ông từng là giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là người dịch, viết chuyên nghiệp và hỗ trợ phong trào phát triển văn hoá đọc tại Việt Nam.
Ông viết và dịch nhiều cuốn sách về giáo dục như Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản? (2017), Môn Sử không chán như em tưởng (2017), Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường (2016), Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam (2017).