Mặt nạ, đèn ông sao là thứ xa xỉ
Trong khi trẻ em trên khắp cả nước đang được bố mẹ chuẩn bị đèn ông sao, bánh trái, mặt nạ…để chuẩn bị cho lễ rước đèn sắp đến thì những trẻ em người Vân Kiều ở Bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn không có khái niệm nào đối với ngày Tết của tuổi thơ.
Ông Hồ Văn Hớn, Trưởng bản cho biết, cả bản có 50 hộ dân với 45 em học sinh trong độ tuổi từ mầm non đến tiểu học.
Các em học sinh Vân Kiều chưa bao giờ được tổ chức trung thu. Ảnh: VietNamNet. |
“Người dân ở đây sống chủ yếu vào nương rẫy, ruộng cũng có nhưng mỗi nhà chỉ được khoảng một sào, làm được một mùa nên không đủ ăn. Ở đây người dân còn trồng sắn nhưng làm ra 1 kg sắn chỉ bán được 1.000-2.000 đồng, trồng mía cũng không bán được”.
Cuộc sống khó khăn, bố mẹ phải bươn chải kiếm ăn còn chưa đủ nên việc quan tâm con cái còn rất hạn chế. Trung thu sắp đến, nhưng khi được hỏi, các em đều trả lời không biết. Những mâm cỗ có bánh, có đèn ông sao, mặt nạ đủ màu dường như là những thứ xa xỉ đối với các em.
“Ở đây, chúng tôi đã quen thuộc với hình ảnh những em học sinh chân trần, áo quần cộc đến lớp. Dạy ở điểm trường này 15 năm nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy các em được tổ chức trung thu”, cô Phạm Thị Lý, giáo viên dạy lớp mầm non cho biết.
Vì thương các em thiếu thốn nên những cô giáo cắm bản thường gom áo quần, sách vở cũ của con, cháu mình mang lên cho các cháu.
“Mặc dù còn nhiều vất vả nhưng các em ở đây rất thích đi học và cũng rất hồn nhiên. Cô cho gì mặc nấy, không chê bai hay đòi hỏi gì. Còn chuyện trung thu thì học sinh ở đây không có đâu”, cô Nguyễn Thị Vĩnh Yên, giáo viên dạy lớp ghép 4,5 nói.
“Nghe nói bánh trung thu ngon lắm”
Sau mỗi buổi học, đa số các em đều làm việc phụ giúp gia đình, em thì lên rừng kiếm củi, em thì đi chăn bò, trông em …cho bố mẹ.
Trò chuyện với PV, em Hồ Thị Mận, học sinh lớp 5 nói: “Sau buổi học em hay chăn bò giúp mẹ, mùa này có nấm tràm em đi hái về nấu ăn. Em chỉ biết trung thu qua một bài thơ trong sách thôi, nghe nói bánh trung thu ngon lắm phải không chị?”
Còn em Hồ Văn Cường, học sinh lớn 5 nói: “Trung thu chỉ đến thành phố thôi, ở đây bọn em không có mô”.
“Mặc dù rất thích các con được đi học nhưng khi nói đến các khoản thu nộp đầu năm, nhiều phụ huynh không có tiền đành phải cho con ở nhà. Chúng tôi lại phải đi vận động để các cháu được đến lớp.
Đối với học sinh mầm non, theo chế độ của trường thì mỗi cháu 10.000/suất cơm trưa. Ở đây, mỗi cháu được hỗ trợ 6 nghìn đồng/suất, phần còn lại thì bố mẹ đóng. Thế nhưng, nhiều phụ huynh không có tiền nên nhiều khi các cô phải tự bỏ tiền túi ra để lo đủ bữa cho các cháu”, cô Lý cho biết thêm.
Khi được hỏi về việc tổ chức trung thu cho các cháu, trưởng bản Lâm Ninh chia sẻ: “Hầu hết các cháu không biết đến trung thu, năm nay UBND xã có hỗ trợ để tổ chức cho các cháu tại nhà văn hóa, nhưng chỉ có ít kẹo và cho các cháu đến múa hát chứ không có đèn ông sao hay phá cỗ đêm rằm”.
Trò vui vẻ nhận áo quần cũ cô giáo cho. Ảnh: VietNamNet. |
Giờ tan trường, các em chạy ùa ra khỏi lớp. Có đứa chân trần, đứa thì lấy áo, lấy cặp che nắng.
Thấy em Hồ Khoa Nhi có xách theo túi rác là những cọng rau khoai ở phòng cô giáo về, hỏi để làm gì, em trả lời rất hồn nhiên: “Em xách về cho bò ăn”.
Thế nên “chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu” đối với các em cũng chỉ có trong sách tập đọc.