Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao bạn giảm cân khó khăn, tăng cân thất bại?

Câu hỏi "tăng cân hay giảm cân - cái nào khó hơn?" luôn gây ra tranh cãi, bởi trên thực tế có người chia sẻ vui "chỉ hít khí trời cũng béo", ngược lại người thì ăn mãi vẫn gầy.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chia sẻ với Zing.vn quan điểm của mình về vấn đề này:

Việc tăng cân và giảm cân đều không dễ dàng, song nếu đặt lên bàn cân, tôi nghĩ việc tăng dễ thực hiện hơn giảm. Thông thường, một người có thân hình gầy yếu (do ăn uống không đủ chất, lượng ăn vào không bù được năng lượng tiêu hao với những người làm việc quá vất vả) có thể tăng cân nếu được bồi bổ và nghỉ ngơi đúng cách. Với những người dễ hấp thu, chỉ cần ăn thêm một chút cơm hay ít thức ăn là có thể tăng cân nặng.

Tuy nhiên, nhiều người gầy vẫn không thể tăng cân dù họ ăn nhiều và bổ dưỡng. Đó là do thể tạng người kém hấp thu hoặc do người đó có các bệnh lý về đường ruột dẫn tới việc không hấp thụ được đồ ăn.

Theo đó, muốn tăng cân, trước hết bạn phải khám và tìm ra căn nguyên tình trạng của mình, trong đó đặc biệt chú ý tới các bệnh lý của cơ thể. Đây là điều ít người để ý đến, thay vào đó họ chỉ quan tâm đến việc ăn làm sao để cân nặng tăng nhanh nhất. Ngoài các bệnh lý trực tiếp khiến khó hấp thu thức ăn còn có những bệnh khác của cơ thể khiến thân hình ngày càng gầy còm, ốm yếu. 

Nếu có bệnh, việc đầu tiên là phải chữa dứt điểm. Sau khi đã loại trừ hết bệnh tật, người gầy có thể cải thiện chế độ ăn uống để tăng cân bằng cách tăng khẩu phần ăn, uống thêm các vitamin khoáng chất bổ sung. Riêng về chế độ ăn uống, bên cạnh việc bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất một cách linh hoạt, đa dạng, người gầy nên tăng cường chất béo. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm sữa cao năng lượng vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Bên cạnh đó, họ cũng cần phải duy trì lối sống lành mạnh, khoa học như không hút thuốc, dùng chất kích thích, ngủ đủ giấc, siêng vận động để kích thích trao đổi chất… thì mới đảm bảo việc tăng cân, kể cả không lên cân, ít nhất họ cũng có một cơ thể khỏe mạnh, có sức sống.

Một người bị gầy trông sẽ thiếu sức sống, còn quá béo phì, thừa cân không chỉ khiến khổ chủ tự ti về ngoại hình và còn đẩy họ vào tình trạng mắc rất nhiều bệnh nguy hiểm như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, thậm chí ung thư. Do đó, giảm cân rất cần thiết. 

Tuy nhiên, cần phải xác định rằng hành trình giảm cân luôn gian nan và không phải ai cũng có thể kiên trì. Nếu như khi tăng cân, cơ thể có phần được "chiều chuộng" hơn, khi muốn giảm cân nặng đòi hỏi chúng ta phải nghiêm khắc với bản thân.

Người có nguy cơ cao bị thừa cân béo phì bao gồm người ngồi nhiều (nhân viên văn phòng, thợ may,...), người có thói quen dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu, người ít vận động, phụ nữ sau khi sinh, trong gia đình có nhiều người bị béo phì... Trong khi đó, những đối tượng có những thói quen này chiếm đa số trong dân cư và khó khắc phục.

Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần nhịn ăn là có thể giảm cân song thực chất đây là cách rất cực đoan, không thể áp dụng lâu dài. Nó có thể gây nguy hiểm cho họ. Giảm cân hiệu quả phải từ từ, không được nóng vội, đòi hỏi người thực hiện phải kiên trì, kết hợp giữa chế độ ăn uống và tập luyện, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh kể cả sau quá trình giảm cân.

Tóm lại, dù tăng cân hay giảm cân đều là hai vấn đề không hề dễ dàng. Muốn thực hiện tốt cả hai, cũng như bất kể vấn đề nào khác, trước mắt, bạn phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và “chữa trị” ngay chỗ đó. Riêng việc áp dụng bất kể biện pháp tăng-giảm cân nào, bạn cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ bởi dựa vào thể trạng, sức khỏe của bạn, họ sẽ đưa ra một chế độ khoa học và hiệu quả nhất, tuyệt đối không tự mày mò các biện pháp tràn lan trên mạng hiện nay.

Hà Quyên ghi

Bạn có thể quan tâm